Ùn tắc ở cửa khẩu biên giới: Đã đến lúc nhìn lại chất lượng hàng hóa
Chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chưa thực sự ổn định nên mất uy tín, mất thời gian phân loại và còn bị ép giá, thậm chí không thể xuất khẩu khiến quá trình thông quan gặp nhiều khó khăn.
Nhờ thuận lợi về địa lý khi có chung đường biên giới đất liền, hoạt động giao thương giữa người dân khu vực biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã được hình thành qua hàng trăm năm, trở thành tập quán lâu đời. Việt Nam và Trung Quốc tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010 với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tại Bắc Kinh ngày 12/9/2016 đã có hiệu lực ngay ngày ký và thay thế cho Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa hai nước ký ngày 19/10/1998. Hiệp định khẳng định cam kết của hai bên về tăng cường phối hợp, áp dụng các biện pháp, tích cực khuyến khích, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định.
Nhìn nhận về quan hệ giao thương Việt Nam-Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng đây là 2 thị trường có tính chất bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 4 nhóm hàng chính gồm nhiên liệu; nông sản; thủy sản và nhóm hàng tiêu dùng. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu xấp xỉ 110 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với năm 2020. Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ.
Thời gian qua, chính quyền cấp cao hai nước đã và đang tích cực trao đổi, phối hợp, đưa ra những cam kết về bảo đảm thuận lợi hóa thương mại ở mọi tình huống. Đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 76 cửa khẩu, lối mở, gồm 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở, điểm thông quan. Hệ thống này mang lại lợi thế lớn về logistics cho hoạt động thương mại Việt – Trung cũng như dư địa để Việt Nam khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, do theo đuổi chính sách “Zero-Covid”, thời gian qua Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách nhằm siết chặt hoạt động nhập khẩu, liên tiếp dừng hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm đông lạnh từ Việt Nam qua cửa khẩu biên giới, khiến cho thời điểm này, chỉ có 13/76 cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới phía Bắc đang hoạt động.
Đáng chú ý, trong thời gian từ tháng 11 - 12/2021 phía Trung Quốc đã trả về qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 105,17 tấn hàng/4 xe cá cơm khô của Việt Nam vì lý do dư lượng Axit Photphoric, phốt phát vượt quá yêu cầu tiêu chuẩn cho phép (ngày 10/11/2021 trả 1 xe và ngày 18/12 trả 3 xe). Như vậy, không chỉ liên quan đến dịch bệnh, chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng chưa thực sự ổn định, ảnh hưởng tới uy tín khi giao dịch với các đối tác; khi xuất sang Trung Quốc thường phải phân loại lại, có trường hợp do chất lượng không đảm bảo nên bị ép giá, thậm chí không thể xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi khẳng định, hiện nay thị trường Trung Quốc đang thay đổi với các yêu cầu ngày càng cao đối với các loại hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, thực phẩm, đòi hỏi các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời. “Bộ Công Thương thời gian qua đã liên tục tổ chức các hoạt động phổ biến thông tin thị trường và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp”, bà Oanh cho biết.
Đồng quan điểm này khi nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ rõ, Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính, hàng hóa, nhất là nông sản dù đi đường bộ, đường biển hay đường sắt hay hàng không đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc... “Chính những quy định như vậy sẽ buộc doanh nghiệp của Việt Nam phải làm ăn quy củ hơn, ngay từ khâu sản xuất, thương mại cho đến logistics”, ông Hải chỉ rõ.
Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất nhiều lần phối hợp với Bộ NN&PTNT cũng như các Bộ, ngành đưa ra thông tin cảnh báo, hướng dẫn cho các địa phương, thương lái, doanh nghiệp làm sao có thể chuyển mạnh sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, tiến tới xóa bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. “Về lâu dài cũng cần tăng cường chế biến sau thu hoạch nhằm đem lại những sản phẩm nông sản có giá trị cao hơn, không bị phụ thuộc vào yếu tố thời vụ. Như vậy, vừa có thể nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản, vừa giảm bớt sức ép dồn lên các cửa khẩu như thời gian vừa qua”, ông Hải khuyến cáo.
Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với Việt Nam. Có lẽ cần sự chung tay hơn nữa của các địa phương có vùng nuôi, vùng trồng, để kịp thời theo dõi, phổ biến đến doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn về tình hình hàng hóa ở cửa khẩu và phối hợp điều tiết nhịp độ hàng hóa sao cho hợp lý.
Trong bối cảnh mới, Trung Quốc đã có cơ chế linh hoạt hơn đối với hoạt động giao thương qua cửa khẩu, nhưng điều này đồng nghĩa với các quyết định tạm dừng – phục hồi thông quan được áp dụng trong thời gian ngắn hơn, thay đổi với tần suất dày hơn. Các địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong trực tiếp đàm phán và phối hợp điều tiết hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới./.