UNCLOS - Trụ cột pháp lý của đại dương và sứ mệnh gìn giữ trật tự toàn cầu
Khi những thách thức an ninh, tài nguyên và môi trường biển ngày càng trở nên phức tạp, Đối thoại Biển lần thứ 14 diễn ra tại Hà Nội ngày 7/5 đã khẳng định lại vai trò trung tâm không thể thay thế của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Đây là văn kiện được mệnh danh là “Hiến pháp của đại dương” trong việc bảo vệ hòa bình, củng cố trật tự pháp lý và tạo lập những cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, công bằng và hợp pháp.
UNCLOS - Từ khuôn khổ pháp lý đến trật tự công lý trên biển
Biển cả từ lâu đã khơi dậy trí tưởng tượng của con người, là nguồn sống, cầu nối cho giao lưu văn hóa, song đôi khi cũng là nơi diễn ra các xung đột. Trước tính chất đa chiều đó, cộng đồng quốc tế đã không ngừng nỗ lực xây dựng một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ nhằm bảo đảm việc sử dụng hòa bình và bền vững các vùng biển. Việc thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là một cột mốc mang tính lịch sử trong nỗ lực đó. Như đã khẳng định trong Lời nói đầu của Công ước, UNCLOS hướng tới việc thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia.

Đối thoại Biển lần thứ 14 diễn ra tại Hà Nội ngày 7/5.
Với việc pháp điển hóa một hệ thống quy phạm rộng lớn về luật biển, UNCLOS tiếp tục đóng vai trò nền tảng pháp lý chi phối quản trị đại dương toàn cầu. Sau hơn 4 thập kỷ kể từ khi được thông qua và hơn 3 thập kỷ kể từ khi có hiệu lực, Công ước vẫn giữ nguyên giá trị và tính bền vững của mình.
“Một trong những đổi mới có ảnh hưởng sâu rộng nhất của UNCLOS chính là cơ chế giải quyết tranh chấp, không chỉ đơn thuần là các thủ tục đặc biệt mà là trụ cột thiết yếu của trật tự pháp lý quốc tế trên biển”, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhận định.
Những cơ chế này thể hiện nguyên tắc rằng các tranh chấp giữa các quốc gia cần được giải quyết không phải bằng cưỡng ép hay sức mạnh mà thông qua pháp luật, đối thoại và các thiết chế tài phán độc lập. Chúng góp phần củng cố tính chính danh và độ tin cậy của UNCLOS như một công cụ pháp lý sống động.
Trái ngược với một thế giới thường xuyên bị cuốn vào những xung đột quyền lực, các cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS, bao gồm Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), các tòa trọng tài quốc tế và hội đồng hòa giải đã tạo ra một hệ sinh thái tài phán độc lập, giúp các quốc gia hóa giải bất đồng trên cơ sở luật pháp thay vì vũ lực.
Việc thành lập ITLOS vào năm 1996 không chỉ là một thành tựu về thể chế mà còn là một bước đi mang tầm nhìn xa, hướng tới hài hòa và trật tự quốc tế trên biển. Trong ba thập kỷ qua, ITLOS đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo các quốc gia tuân thủ cam kết của mình trong khuôn khổ UNCLOS, qua đó củng cố quản trị biển toàn cầu và thúc đẩy hợp tác, tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia.
Phát biểu tại Đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: “ITLOS là hình mẫu tiêu biểu cho một cách tiếp cận tiến bộ, văn minh, thay thế xung đột và cưỡng ép bằng đối thoại và lý trí”.
Bên cạnh Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), các cơ chế trọng tài theo Phụ lục VII và VIII, cũng như các ủy ban hòa giải, đều cung cấp những lộ trình giải quyết tranh chấp đa dạng, hiệu quả và phù hợp với từng bối cảnh, qua đó góp phần củng cố sự ổn định và tính dự đoán trong trật tự hàng hải quốc tế.
Trong hơn ba thập kỷ qua, các thiết chế này không chỉ góp phần ngăn ngừa leo thang căng thẳng mà còn thúc đẩy quá trình phát triển tiến bộ của luật biển quốc tế, từ việc làm rõ quy chế pháp lý của các thực thể địa lý, xác định vùng đặc quyền kinh tế, đến giải quyết tranh chấp phân định ranh giới biển.
UNCLOS và bài học từ thực tiễn: Khi công lý vượt qua quyền lực
Minh chứng sống động cho sức mạnh của luật pháp quốc tế là tiến trình hòa giải theo UNCLOS giữa Australia và Timor-Leste. Dù ban đầu phản đối thẩm quyền của Ủy ban Hòa giải, Australia đã chọn tuân thủ phán quyết và cùng Timor-Leste ký kết Hiệp ước phân định ranh giới biển năm 2018 - một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đã vĩnh viễn giải quyết vấn đề phân định biển giữa hai quốc gia.
“Đó chính là ý nghĩa của luật pháp quốc tế: chấp nhận phán quyết, kể cả khi phán quyết đó không có lợi cho mình”, Đại sứ Australia tại Việt Nam Gillian Bird nhấn mạnh. Theo bà: “Hiệp ước phân định ranh giới biển giữa Australia và Timor-Leste là minh chứng rõ ràng rằng, UNCLOS đặt tất cả các bên tham gia vào cùng một hệ thống luật lệ, bất kể quy mô hay sức mạnh và tạo điều kiện để các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình”.
Không chỉ giải quyết những tranh chấp song phương, các thiết chế của UNCLOS còn góp phần định hình luật pháp quốc tế thông qua các phán quyết có sức ảnh hưởng toàn cầu.
“Khi phê chuẩn UNCLOS, các quốc gia đã cam kết tuân thủ các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Công ước. Chúng ta không thể chọn lọc phán quyết nào mình thích để tuân theo. Chúng ta cần lên tiếng khi luật pháp quốc tế bị phớt lờ nhằm bảo vệ UNCLOS và hệ thống luật lệ quốc tế - nền tảng mà tất cả chúng ta cùng phụ thuộc vào”, Đại sứ Australia Gillian Bird khẳng định.
Vai trò chủ động và tích cực của Việt Nam
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá cao nỗ lực nhất quán của Việt Nam trong việc thúc đẩy các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam đã thành công trong việc đàm phán phân định biển với các nước láng giềng, bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là minh chứng rõ ràng rằng, tuân thủ các nguyên tắc pháp lý quốc tế không chỉ là con đường đúng đắn mà còn là lựa chọn chiến lược thông minh vì lợi ích quốc gia và khu vực.
Đặc biệt, việc PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh hiện đang là ứng cử viên đầu tiên của Việt Nam cho vị trí Thẩm phán tại ITLOS không chỉ là sự ghi nhận đối với năng lực của bà mà còn là một minh chứng rõ nét cho vai trò chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng pháp lý quốc tế.
UNCLOS tái khẳng định giá trị trong thế giới đầy bất định
Ngày nay, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh tài nguyên biển ngày càng gia tăng, tầm quan trọng của các cơ chế giải quyết tranh chấp lại càng trở nên rõ nét. UNCLOS, tại thời điểm bước ngoặt này, không chỉ là một khuôn khổ pháp lý mà còn là một phương tiện mạnh mẽ để kiến tạo hòa bình. Công ước khuyến khích các quốc gia giải quyết bất đồng dựa trên đối thoại, tôn trọng và luật pháp quốc tế - những nền tảng cốt lõi để đảm bảo an ninh, hòa bình và phát triển bền vững trên biển.
“Cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS đang chứng minh năng lực thích ứng với các vấn đề toàn cầu mới nổi, từ an ninh cáp ngầm, khai thác đáy biển, cho đến quản lý đại dương dựa trên khoa học”, bà Olivia Schlouch - Quản lý Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền khu vực Châu Á, Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) nhận định. Theo bà: “Chúng ta cần tiếp tục củng cố và hiện đại hóa những cơ chế này, bởi UNCLOS chính là nền tảng cho một trật tự biển công bằng, dựa trên luật lệ".
“UNCLOS thực sự là “Hiến pháp của đại dương” và các cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước, đặc biệt là ITLOS, là những người bảo vệ không thể thiếu cho trật tự hàng hải quốc tế. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự mà chúng ta cần tiếp tục gìn giữ”, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.