UNDP: Xung đột kéo Gaza quay trở lại thập niên 1950

Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), xung đột Israel-Hamas đã tàn phá nền kinh tế Gaza và khiến phần lớn người dân tại dải đất này rơi vào cảnh đói nghèo với các chỉ số chất lượng sống như y tế, giáo dục chỉ tương đương giai đoạn cách đây 70 năm.

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Jabalia, Dải Gaza, ngày 19/10. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Jabalia, Dải Gaza, ngày 19/10. Ảnh: THX/TTXVN

Trong báo cáo công bố ngày 22/10, UNDP cho biết nền kinh tế tổng thể của các vùng lãnh thổ Palestine hiện giảm 35% so với một năm trước, khi cuộc tấn công của Israel ở Gaza bắt đầu, với tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tăng lên mốc 49,9%.

Nghiên cứu của UNDP cho thấy Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Gaza, thước đo thành tựu trung bình trong các khía cạnh quan trọng của phát triển con người, dự kiến sẽ giảm xuống mức ước tính của năm 1955. UNDP cho rằng điều này tương đương "xóa bỏ hơn 69 năm tiến bộ".

Trong khi đó, tại Bờ Tây, HDI được dự đoán sẽ giảm xuống mức phản ánh “sự mất mát của 16 năm”. UNDP cảnh báo rằng tình hình có thể tồi tệ hơn nữa nếu các cuộc tấn công quân sự của Israel mở rộng.

Cũng theo báo cáo, tỷ lệ đói nghèo khắp các vùng lãnh thổ Palestine sẽ gần như tăng gấp đôi trong năm nay, lên tới 74,3%. Tổng cộng, 4,1 triệu người hiện được coi là sống trong nghèo đói trên khắp các vùng lãnh thổ Palestine, bao gồm Dải Gaza và Bờ Tây, với 2,61 triệu người mới rơi vào cảnh nghèo đói chỉ trong năm qua.

Người đứng đầu UNDP, ông Achim Steiner, nhận định với hãng thông tấn AFP (Pháp) rằng hậu quả ngay lập tức của xung đột, liên quan đến cơ sở hạ tầng bị tàn phá, cũng như gia tăng nghèo đói và mất sinh kế “là vô cùng to lớn”. Ông Steiner nêu bật: “Từ đánh giá kinh tế xã hội này, có thể thấy rõ mức độ tàn phá đã đẩy lùi các vùng lãnh thổ Palestine nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, trên con đường phát triển của họ”.

Theo ông Steiner, ngay cả khi viện trợ nhân đạo được cung cấp đều hàng năm sau khi xung đột kết thúc, nền kinh tế Palestine sẽ phải mất hơn một thập niên để quay trở lại mức trước khủng hoảng.

Dưới đây là video đăng ngày 21/10 cho thấy hàng trăm người tị nạn Palestine, gồm cả phụ nữ và trẻ em, di chuyển qua các tòa nhà bị phá hủy tại Bắc Gaza (nguồn: Reuters):

Nghiên cứu cũng đánh giá rằng chiến dịch ném bom của Israel đã tạo ra 42 triệu tấn đống đổ nát ở Gaza, gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe. Việc phá hủy các tấm pin năng lượng Mặt Trời đặc biệt nguy hiểm bởi chúng thải ra chì và các kim loại nặng khác.

Cùng ngày 22/10, Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) đã kêu gọi khẩn cấp về việc ngừng bắn ở miền Bắc Gaza để cho phép viện trợ nhân đạo tiếp cận người dân tại đây.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, người đứng đầu UNRWA – ông Philippe Lazzarini, cho biết nhân viên của cơ quan này báo cáo rằng họ không thể tìm thấy thực phẩm, nước uống hoặc thuốc men ở khu vực bị xung đột tàn phá. “Mùi tử khí ở khắp nơi khi các thi thể bị bỏ lại trên đường hoặc dưới đống đổ nát” ông cho biết.

Ông Lazzarini kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể rời khỏi khu vực một cách an toàn. Lời kêu gọi này được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến thăm tới Israel nhằm tìm cách khôi phục các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Mặc dù Washington đã nhiều lần kêu gọi tăng cường viện trợ nhân đạo cho khu vực phía Bắc Gaza, song các quan chức y tế địa phương cho biết đã không nhận được bất cứ hàng viện trợ nào, trong khi tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

Theo Cơ quan Y tế Gaza, ít nhất 42.718 người đã thiệt mạng và 100.282 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel kể từ ngày 7/10/2023.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/undp-xung-dot-keo-gaza-quay-tro-lai-thap-nien-1950-20241023065612712.htm