Ứng dụng AI để lưu trữ và giới thiệu Mộc bản Triều Nguyễn

Với việc ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã nâng cao hiệu quả việc lưu trữ và giới thiệu tài liệu lưu trữ đến với công chúng, nhất là kho sử liệu vô giá Mộc bản Triều Nguyễn.

Mộc bản Triều Nguyễn là di sản tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới

Mộc bản Triều Nguyễn là di sản tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới

Mộc bản Triều Nguyễn là loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác; là bản gốc của các bộ chính văn, chính sử nổi tiếng của Việt Nam được biên soạn, khắc in chủ yếu dưới Triều Nguyễn.

Mộc bản được hình thành chủ yếu bằng kỹ thuật khắc ngược ký tự Hán Nôm trên gỗ để in ra sách được sử dụng phổ biến trong thời kỳ phong kiến và còn lưu giữ được đến ngày nay.

Sau nhiều thăng trầm, đến năm 1975, toàn bộ Mộc bản Triều Nguyễn đã được giao về Cục Lưu trữ Nhà nước, bảo quản tại nhà Dòng Chúa cứu thế và từ năm 1984 đến nay, được chuyển về bảo quản tại khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ, nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Năm 2007, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã làm hồ sơ trình UNESCO và ngày 30/7/2009, Mộc bản Triều Nguyễn đã được UNESCO chính thức đưa vào Chương trình Ký ức thế giới. Ðây là di sản tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Kho tàng Mộc bản Triều Nguyễn có 33.976 tấm, được tạm chia thành hơn 100 đầu sách với nhiều chủ đề như: lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa - giáo dục, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự; văn thơ.

Đây là nguồn sử liệu tin cậy, còn khá nguyên vẹn để khảo cứu, đối chiếu, phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Là một dạng lưu trữ đặc biệt của Việt Nam và rất hiếm có trên thế giới, Mộc bản Triều Nguyễn được bảo quản nghiêm ngặt và khoa học. Song chính điều này cũng hạn chế sự tiếp xúc của công chúng đối với kho tài liệu quý giá.

Mộc bản được bảo quản nghiêm ngặt và khoa học tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV

Mộc bản được bảo quản nghiêm ngặt và khoa học tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV

Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã đẩy mạnh việc ứng dụng AI góp phần nâng cao hiệu quả công tác lưu trữ, đồng thời phát huy tối đa giá trị tài liệu lưu trữ khi đến gần hơn với công chúng.

Để mở cửa khu lưu trữ, đón khách tham quan, tại khu vực lưu trữ, tường phòng được sử dụng bằng kính trong suốt và đảm bảo an toàn. Qua đó, du khách có thể chứng kiến khối tài liệu quý giá, đồ sộ.

Các nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm nhiều tới giá trị của Mộc bản Triều Nguyễn

Các nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm nhiều tới giá trị của Mộc bản Triều Nguyễn

Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, chia sẻ: Trước đòi hỏi của thời đại, chúng tôi đã triển khai các hình thức lưu trữ và quảng bá trên nền tảng số. Ban đầu là việc trưng bày ảo trên website Mocban.vn. Hình thức này đã thu hút rất lớn sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước.

Tiếp đó, Trung tâm đã sử dụng công nghệ 3D Mapping là kỹ thuật dùng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt mà nó tiếp xúc nhằm tạo các khối hình ảnh tương tác trong không gian 3 chiều. Điều này đã gây hứng thú cho chính những người làm lưu trữ và du khách.

Những câu chuyện lịch sử được tái hiện sống động với công nghệ thực tế ảo VR 360

Những câu chuyện lịch sử được tái hiện sống động với công nghệ thực tế ảo VR 360

Hiện, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV còn phát huy tối đa hiệu quả công nghệ trình chiếu trong khu vực Không gian Mộc bản Triều Nguyễn số. Tại đây, khi chạm tay lên màn hình, du khách nhìn thấy hình ảnh sinh động về Mộc bản Triều Nguyễn. Khách tham quan cũng có thể xem quy trình biên soạn và khắc in mộc bản gồm các công đoạn tuyển chọn thợ khắc, chuẩn bị vật liệu, biên soạn và khắc, in mộc bản được thể hiện sinh động thông qua công nghệ trình chiếu Hologram.

Người xem cũng được thưởng thức các tác phẩm bất hủ như: Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Nam quốc sơn hà hay Bình Ngô Đại cáo với công nghệ thực tế ảo VR 360…

Du khách có thể nhìn thấy những hình ảnh sinh động về Mộc bản Triều Nguyễn

Du khách có thể nhìn thấy những hình ảnh sinh động về Mộc bản Triều Nguyễn

Chị Nguyễn Thị Thu Hương - Du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Khi xem những tư liệu lịch sử sống động, như thật, trong lòng mình tràn ngập cảm giác lâng lâng và thấy rất tự hào về lịch sử dân tộc”.

Còn đối với em Đoàn Nguyễn Đức Huy - Học sinh đến từ tỉnh Bắc Ninh cảm nhận rằng: “Nhờ ứng dụng công nghệ nên việc tham quan, tiếp xúc của du khách trở nên thú vị hơn rất nhiều. Thông qua công nghệ hiện đại, khách tham quan vừa được nghe, được thấy những giá trị lịch sử của cha ông để lại”.

Hiện nay, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã đưa vào ứng dụng Phần mềm Kho Lưu trữ tri thức, ứng dụng AI trong phân tích, tổng hợp dữ liệu tài liệu lưu trữ. Phần mềm này đã thực sự “chắp cánh” cho hoạt động lưu trữ tại các Trung tâm.

Tuy nhiên, việc ứng dụng AI đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc nhất định. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, đó là việc tuân thủ Luật Lưu trữ năm 2024 và các quy định khác về an ninh mạng, bí mật nhà nước, sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cần có giải pháp bảo vệ tài liệu số và dữ liệu được AI xử lý trước nguy cơ truy cập trái phép, tấn công mạng, mất mát dữ liệu. Đồng thời, đảm bảo tính toàn vẹn, chính xác, khách quan của tài liệu được xem là nguyên tắc bất biến nhằm ngăn chặn nguy cơ AI diễn giải sai lệch, xuyên tạc bản chất lịch sử…

Bên cạnh cơ hội, ngành lưu trữ cũng phải đối diện với những rủi ro và thách thức không nhỏ khi ứng dụng AI. Nguy cơ rò rỉ thông tin khi dùng các mô hình AI, nhất là của bên thứ ba. Và vấn đề "Ảo giác AI" (AI hallucination), tức AI tạo ra kết quả sai sự thật nhưng trông như thật, rất nguy hiểm khi xử lý tài liệu lưu trữ đòi hỏi tính chính xác, trung thực…

Bởi vậy, dù rất hiện đại và hiệu quả song AI chỉ là công cụ hỗ trợ. Vai trò của chuyên gia lưu trữ, nhà sử học trong thẩm định, kiểm duyệt nội dung, đảm bảo tính chính xác, khách quan là không thể thay thế.

Để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, đưa AI trở thành công cụ đắc lực, theo ông Nguyễn Xuân Hùng, cần có các giải pháp đồng bộ và chiến lược về việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ; đầu tư chiến lược cho hạ tầng công nghệ và nền tảng dữ liệu; và yếu tố then chốt chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chuyển đổi số và ứng dụng AI là hành trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung. Với những tiềm năng sẵn có và quyết tâm từ các cấp, ngành lưu trữ hoàn toàn có thể tận dụng thế mạnh của công nghệ để mang di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng.

Ngọc Ngà

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/ung-dung-ai-de-luu-tru-va-gioi-thieu-moc-ban-trieu-nguyen-381896.html