Tướng quân Trần Đức và câu chuyện giữ gìn vùng biển Sầm Sơn
Câu chuyện truyền thuyết về tướng quân Trần Đức - vị anh hùng đã gắn bó với người dân sống bằng nghề đánh cá biển đầy gian khó và nguy hiểm đến nay vẫn được lan truyền.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Cá Lập, phường Sầm Sơn.
Làng Cá Lập
Có diện tích lớn nhất và đông dân nhất ở Sầm Sơn trước đây, làng Cá Lập là nơi hội tụ nhiều dòng họ, như: Trần, Trương, Võ, Nguyễn, Lê... Bởi so với các làng trong vùng, Cá Lập ngự trên một cồn đất cao, có địa thế vững chãi.
Trước năm 1945 làng Cá Lập thuộc xã Lương Niệm, tổng Cung Thượng, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa. Sau năm 1945 làng được chia một phần về xã Quảng Tiến, một phần về xã Quảng Cư... Đến nay cả làng Cá Lập nằm trọn trong phường Sầm Sơn.
Có vị trí phía đông giáp biển, phía tây giáp sông đào (còn gọi là sông Đơ), phía nam giáp làng Lương Trung, phía bắc giáp sông Mã (đoạn chảy qua làng Cá Lập đổ ra biển gọi là cửa Hới hay cửa Lạch Trào). Câu ca “Lạch Mom khó vào/ Lạch Trào khó ra” cũng là để nói về vị trí hiểm yếu, cửa ngõ giao thông đường thủy từ ngoài biển qua cửa Hới vào sông Mã tỏa ra các nhánh của sông nhỏ để vào sâu nội địa tỉnh Thanh Hóa.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư; Đại Nam thống chí; An Nam chí lược cùng gia phả các dòng họ trong làng có ghi nhận tổ tiên dòng họ Trần đã đến tụ cư, khai phá lập trại ấp trên vùng đất làng Cá Lập từ rất sớm, khoảng thời nhà Trần.
Chính trong quá trình khai phá và phát triển, miền đất bên bờ sóng Sầm Sơn luôn lấp lánh những chiến công của các thiên thần, nhân thần. Bởi thế mà ngày nay hậu thế vẫn ngưỡng vọng khi đến với các danh thắng: hòn Trống Mái, núi Trường Lệ, đền Độc Cước, đền Cô Tiên... nghe những câu chuyện tình tứ lãng mạn, với khát vọng hòa bình, chế ngự giặc dã và mong cầu cho người dân luôn có cuộc sống bình an và ấm no.
Và thành hoàng làng Trần Đức
Cùng với nhiều câu chuyện dã sử về vùng biển Sầm Sơn, chuyện Tây Phương Đại tướng quân - Trần Đức, vị tướng thời Trần có tài tả xung hữu đột khiến giặc ngoại bang phải bạt vía kinh hồn, bỏ mộng xâm lăng và làm cỏ nước Nam từ hơn 900 năm trước nay vẫn còn được lưu truyền.
Lịch sử làng Cá Lập có chép: Khi giặc Nguyên - Mông sang xâm lược, kinh thành bị vây hãm, vua Trần hiệu triệu hào kiệt các nơi về giúp vua giữ gìn đất nước. Thời bấy giờ tại làng Cá Lập, có một chàng trai họ Trần tên Đức sống và hoạt động trong môi trường sông nước, biển cả, sức khỏe phi thường, là đô vật nức tiếng trong vùng.

Cá Lập là ngôi đền thiêng phù hộ cho ngư dân.
Theo lời kêu gọi của nhà vua, Trần Đức khi ấy là hào trưởng đã hăng hái đứng ra chiêu mộ được hơn 1.500 binh sĩ tập luyện quân sự chuẩn bị thời cơ ứng nghĩa đánh giặc. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại lần thứ nhất của dân tộc Đại Việt, tướng quân Trần Đức được giao nhiệm vụ chỉ huy một số trận đánh ở đạo Hải Dương. Chiến thắng trở về, ông được phong Tây Phương tướng quân.
Sau khi đất nước sạch bóng quân thù, Nhân dân trở lại xây dựng cuộc sống thanh bình. Với sách lược phòng thủ vững chắc, vua Trần cho nhiều đạo quân về trấn ải vùng biên giới và các cửa biển xung yếu. Trong đó, tướng quân Trần Đức đưa quân trở về làng Cá Lập vừa lao động vừa sản xuất, xây dựng mở mang làng xóm, đồng thời luyện tập quân sự, xây dựng củng cố lực lượng, sẵn sàng chiến đấu.
Trong cuộc chiến lần thứ 2, nhà Nguyên với tham vọng bá chủ thế giới lại tiếp thu thêm tư tưởng bành trướng Đại Hán đã quấy nhiễu không để cho Nhân dân ta được yên ổn làm ăn. Mùa xuân năm Ất Dậu (1285), Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập các đại biểu phụ lão trong cả nước về họp và dự tiệc ở điện Diên Hồng. Tinh thần Sát Thát đã giúp quân dân Đại Việt đánh tan tành hơn nửa triệu quân xâm lược Nguyên Mông, một đạo quân hung bạo nhất thế giới hồi đó.
Theo sử sách, nhiều trận đánh lớn đã xảy ra trên đất Thanh Hóa. Ngoài các trận đánh do tướng quân Trần Nhật Duật chỉ huy đánh cản Toa Đô ở cửa Ghép và núi Văn Trinh hay ở phòng tuyến kênh Bố Vệ; còn có trận đánh tại phòng thủ hương Yên Duyên (vùng biển Sầm Sơn đến cửa Hới), phòng tuyến Phú Tân, dưới sự tổ chức chỉ huy của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (theo An Nam chí lược), và trận đánh ở cửa Hới (làng Cá Lập) tướng quân Trần Đức đã nêu tấm gương sáng về sự mưu trí và lòng dũng cảm hy sinh quên mình để ngăn chặn cuộc truy kích của giặc bảo đảm an toàn cho lực lượng quân đội và vua tôi nhà Trần. Am hiểu địa hình, dựa vào hệ thống sông ngòi và những cánh đồng lầy thụt quanh vùng, tướng quân Trần Đức đã đề ra những kế hoạch phục kích quân giặc rất táo bạo.
Sách “Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông” (NXB Khoa học xã hội, 1975) có viết: Sau khi phòng tuyến Phú Tân (Hà Trung) bị chọc thủng, quân Toa Đô đánh ra Trường Yên - Ninh Bình. Lực lượng của triều đình nhà Trần rút vào Thanh Hóa tránh sự vây giáp của giặc. Toa Đô vòng lại tấn công Thanh Hóa hòng bắt gọn vua tôi nhà Trần. Ô Mã Nhi tăng viện cho Toa Đô: "Đem 1.300 quân và 60 chuyến thuyền vào phối hợp".
Trận chiến ấy quân ta thắng lớn, nhưng tướng quân Trần Đức đã anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhà Trần đã ban sắc, phong thần, giao cho Nhân dân làng Cá Lập dựng đền hương khói. Về sau ông còn được gia phong làm Thành hoàng bản thổ, được ban nhiều sắc phong và nhiều mỹ tự khác.
Câu chuyện truyền thuyết về tướng quân Trần Đức - vị anh hùng đã gắn bó với người dân sống bằng nghề đánh cá biển đầy gian khó và nguy hiểm đến nay vẫn được lan truyền. Ông Vũ Đức Triệu, thủ từ đền Cá Lập, cho biết: Những câu chuyện này có lịch sử hơn 900 năm, không chỉ nói về vị thần Thành hoàng làng được Nhân dân tôn sùng mà còn thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu chống ngoại xâm, sự bền bỉ kiên trì cải tạo vùng biển sình lầy, đồng chua nước mặn, thành quê hương trù phú như ngày nay của dân làng nói riêng và cả vùng biển Sầm Sơn nói chung.
Giới thiệu thêm về vị Thành hoàng làng và đền Cá Lập, ông Vũ Đức Triệu khẳng định: Tướng quân Trần Đức được ban 12 đạo sắc phong, tuy nhiên hiện chỉ có 9 sắc vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn. Trong đó sắc phong đề ngày 15 năm Bảo Đại thứ 18 có ghi rõ việc tướng quân Trần Đức được phong từ Thành hoàng lên Trung đẳng thần và Thượng đẳng thần vì đã bảo vệ nước phù hộ dân. Ngoài Thành hoàng làng Trần Đức, đền còn phối thờ 10 vị võ tướng làm phúc thần.
Đứng trước sân đền, bên cạnh cây gạo vài trăm năm tuổi, phóng tầm mắt ra xa, biển cả ấp ôm vỗ sóng vào bờ, ngôi đền không chỉ “canh giữ” vùng biển, mà còn là địa chỉ tham quan khi du khách về với vùng biển đẹp nhất xứ Thanh.