Khi người trẻ thắp sáng màn hình, người lớn thắp sáng lòng tin

Một buổi sáng sớm nơi Trung tâm phục vụ hành chính công của xã, thấy cảnh tượng khiến lòng lặng đi một chút, rồi ấm lên rất nhiều. Cụ ông tay run run cầm chiếc điện thoại cũ, mặt nhăn lại vì không biết bấm vào đâu để đăng ký cấp lại thẻ bảo hiểm. Kế bên cụ, một thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện nhẹ nhàng cúi xuống, từ tốn: 'Dạ, ông bấm vô đây, rồi mình chọn chỗ này… Còn cái dòng này là thông tin của ông… không sao, để con giúp'.

LÊ MINH HOAN

Một buổi sáng sớm nơi Trung tâm phục vụ hành chính công của xã, thấy cảnh tượng khiến lòng lặng đi một chút, rồi ấm lên rất nhiều. Cụ ông tay run run cầm chiếc điện thoại cũ, mặt nhăn lại vì không biết bấm vào đâu để đăng ký cấp lại thẻ bảo hiểm. Kế bên cụ, một thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện nhẹ nhàng cúi xuống, từ tốn: “Dạ, ông bấm vô đây, rồi mình chọn chỗ này… Còn cái dòng này là thông tin của ông… không sao, để con giúp”.

Cụ ông cười hiền, đôi mắt như ướt. Không phải vì xúc động quá mức, mà vì có lẽ cụ thấy… mình không lạc lõng. Ở nơi tưởng chừng chỉ dành cho giấy tờ, con dấu, thì hôm nay, cụ được ai đó… dẫn dắt đi qua ngưỡng cửa của thời đại số bằng cả sự tử tế.

Bình dân học vụ số” -

khái niệm chưa có trong sách nhưng có trong đời

Ngày xưa, khi đất nước còn đói nghèo, người lớn tuổi đã từng cắp sách đi học chữ trong các lớp “bình dân học vụ”. Học để biết đọc, biết viết, để không còn cảm thấy mình “bị bỏ lại phía sau”. Ngày nay, cũng có những lớp học như thế, chỉ khác là bảng đen phấn trắng được thay bằng màn hình cảm ứng, bằng mã QR, bằng ứng dụng điện tử.

Và người đứng lớp bây giờ không nhất thiết là thầy cô, mà là những người trẻ, đoàn viên thanh niên, những cán bộ, những sinh viên, tình nguyện viên, nhân viên Trung tâm hành chính công, tận tâm như người xưa cầm tay dạy từng con chữ.

Ở nơi công quyền - tưởng chỉ có giấy tờ, đơn từ - lại vang lên tiếng Dạ để con giúp”, “Ông cứ từ từ, không sao hết”, “Mình làm lại được mà”, như thứ ánh sáng len lỏi vào trái tim người dân.

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân sử dụng máy tính: Nguồn: baochinhphu.vn

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân sử dụng máy tính: Nguồn: baochinhphu.vn

Không ai sinh ra là biết dùng điện thoại thông minh, không ai mặc định biết khai báo hồ sơ trực tuyến. Người trẻ học từ nhà trường. Người già học từ… những đứa cháu nội. Vậy thì có gì là lạ nếu một người lớn tuổi, bước vào Trung tâm hành chính công, nói trong e ngại: “Tui đâu có biết bấm đâu mấy cháu ơi…”.

Lỗi không nằm ở người chú, người bà. Mà nằm ở cách xã hội từng quên mất hướng dẫn người lớn, khi chuyển mình quá vội, quá nhanh. Mà nếu không có người hướng dẫn, thì “chuyển đổi số” đâu còn là “bao trùm”, đâu còn là “vì dân”?

Người trẻ truyền công nghệ,

người lớn truyền giá trị sống

Ở chiều ngược lại, mỗi khi người trẻ cúi xuống hướng dẫn cụ ông cụ bà tra cứu thông tin, chụp ảnh hồ sơ, quét mã QR, thì chính các em cháu cũng học được điều quý giá, đó là sự kiên nhẫn, lòng cảm thông, tinh thần phụng sự. Không ai lớn lên từ bảng trắng, mà lớn lên từ những lần giúp đỡ người khác.

Từng nghe một bạn trẻ kể lại sau giờ trực: Con thấy ông nội con trong dáng người ông đó. Con thấy má con trong ánh mắt người ta ngồi chờ”.

Lớp học sử dụng mạng xã hội cho người già ở TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: cand.com.vn

Lớp học sử dụng mạng xã hội cho người già ở TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: cand.com.vn

Đó không còn là một thủ tục. Đó là giao thoa giữa thế hệ và thế hệ, là lúc người trẻ cầm tay người già đi qua “chiếc cầu số hóa” bằng nhịp bước yêu thương.

Hãy hình dung mỗi trung tâm hành chính công là một lớp học cộng đồng kiểu mới: Nơi có màn hình tra cứu tự động, nhưng cũng có người hướng dẫn tận tình. Nơi có đường truyền mạng mạnh mẽ, nhưng cũng có giọng nói dịu dàng: “Ông cứ từ từ, không ai hối đâu”. Nơi giấy tờ là chuyện cần làm, nhưng lòng người là chuyện cần chạm.

Giúp bà con không chỉ là giúp, mà là tri ân

Không ai bị bỏ lại phía sau, đó không chỉ là khẩu hiệu. Đó là trách nhiệm của thế hệ đang trưởng thành, đối với thế hệ từng hy sinh để hôm nay ta có ngày mới.

Nếu một ngày, người lớn tuổi biết tự khai báo hồ sơ điện tử, biết tra cứu thông tin bảo hiểm y tế, biết gửi đơn kiến nghị qua Cổng dịch vụ công… thì không chỉ là họ bước qua thời đại số mà là chúng ta bước gần hơn tới một xã hội biết học với nhau, sống vì nhau.

Các học viên tập kỹ năng chụp ảnh nhận diện khuôn mặt để đưa vào ứng dụng VneID. Nguồn: cand.com.vn

Các học viên tập kỹ năng chụp ảnh nhận diện khuôn mặt để đưa vào ứng dụng VneID. Nguồn: cand.com.vn

Trong mỗi thao tác nhỏ hỗ trợ người lớn tuổi khai báo thủ tục, đăng ký tài khoản, quét mã QR… có khi ta không nhận ra: mình đang làm thay điều mà những cô chú, ông bà không kịp học, vì đã dành cả đời để nuôi dưỡng, gìn giữ và hy sinh.

Những người lớn tuổi đó từng xếp hàng mua gạo, từng xây nhà không bản vẽ, từng nuôi con trong gian khó. Những bậc cao tuổi đó không có điều kiện học công nghệ, nhưng là nền móng để chúng ta có ngày hôm nay. Vậy thì, khi ta kiên nhẫn ngồi bên cạnh, nhẹ nhàng chỉ dẫn từng bước, đó là cách ta nối lại cây cầu giữa hai thế hệ bằng lòng biết ơn.

Tình nguyện viên Trần Nguyễn Ngọc Trang hướng dẫn học viên cách đăng nhập ứng dụng VneID. Nguồn: cand.com.vn

Tình nguyện viên Trần Nguyễn Ngọc Trang hướng dẫn học viên cách đăng nhập ứng dụng VneID. Nguồn: cand.com.vn

Giúp bà con không chỉ là giúp, mà là tri ân. Là hạnh phúc khi được trả ơn bằng hành động. Là làm một việc nhỏ hôm nay để không ai phải cảm thấy mình bị bỏ lại. Phục vụ không làm mình nhỏ lại - mà làm trái tim mình lớn lên. Làm bất kỳ công việc gì cần làm bằng cả trái tim. Muốn vậy phải hiểu hết giá trị của công việc mình đang làm. Không có việc gì nhỏ, chỉ là chúng ta không hiểu đầy đủ giá trị sâu xa của nó mà thôi.

Thế hệ đi trước đã dạy chúng ta đứng vững, thì hôm nay, chúng ta hãy dìu ông cha, cô chú bước cùng nhịp với thời đại. Đó không chỉ là nhiệm vụ, mà là sự trả ơn!

Trình bày: Lan Anh

Lê Minh Hoan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khi-nguoi-tre-thap-sang-man-hinh-nguoi-lon-thap-sang-long-tin-10379389.html