Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi
Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại lớn ở nhiều địa phương trong cả nước đã tiếp tục đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trang trại nuôi lợn cho năng suất cao tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai). (Ảnh THANH TRÚC)
Theo Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, hiện tại trên địa bàn có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 39 mô hình chăn nuôi tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…, với sự tham gia của các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty Giống gia súc Hà Nội. Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, chăn nuôi Thủ đô đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: 100% số lợn giống tại các trang trại là lai ngoại (Landrace, Yorshire, Duroc, được thụ tinh nhân tạo giống cao sản Duroc, Pietrain...); 100% số trang trại gia cầm nuôi giống lai có năng suất cao, như: Isa, Sasso, Brown, Ai Cập, Ross 308, Hubbard lai gà Mía.
Các trang trại bò sữa, bò thịt sử dụng 100% giống được lai tạo với các giống lai cao sản, như: Lai Sind, Brahman, Droughtmaster, BBB, Angus. Một số mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại đem lại hiệu quả kinh tế tốt và khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp của thành phố như: Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh); Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội; HTX Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai), HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), HTX Chăn nuôi và Tiêu thụ Gà đồi Ba Vì; HTX Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Vinh Anh…
Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho nên công ty bảo đảm được việc phòng, chống dịch cúm trên đàn gia cầm, tiết kiệm thức ăn, giảm được sức lao động chân tay; cung cấp nhiều sản phẩm trứng chất lượng cao cho người tiêu dùng.
Cùng với Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố (Đắk Lắk, Bình Định, Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, An Giang…) cũng đang tập trung phát triển mô hình này trong chăn nuôi, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến theo chuỗi về giống, thức ăn, sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ, như: Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Tập đoàn Deuhes, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam... Mới đây, Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam đã tổ chức Lễ khánh thành trang trại chăn nuôi lợn giống tại tỉnh Tây Ninh, với công nghệ cho ăn tự động giúp quản lý tốt lượng thức ăn theo khẩu phần phù hợp, thiết kế máng ăn khoa học giúp đàn lợn phát triển đồng đều về trọng lượng; sử dụng giải pháp biến tần trong hệ thống thông gió giúp điều hòa không khí thoáng mát, loại bỏ hơi ẩm, bụi bẩn và các vi sinh vật gây bệnh để lợn có sức khỏe tốt.
Trang trại có quy mô 30.000 lợn hậu bị, dự kiến sẽ cung ứng cho thị trường từ 60 nghìn đến 75 nghìn con/năm. Trước đó, ở tỉnh Gia Lai, đã diễn ra Lễ khởi công Dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.030 tỷ đồng, chuyên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín bao gồm: chọn lọc, sản xuất lợn giống, gà giống; nhà máy giết mổ lợn tự động; sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ...
Theo các chuyên gia, bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi vẫn gặp không ít thách thức: Chính sách chưa sát hợp với thực tế. Thiếu nguồn vốn để đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực và nhập khẩu thiết bị. Thực tế cho thấy, để thành lập và phát triển trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ cao ở mức quy mô trung bình thì chi phí gấp từ 4 đến 5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống. Quỹ đất sử dụng ít, thiếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của một số mặt hàng chưa tương xứng với mức độ đầu tư…
Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” này, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để phát triển chăn nuôi hiện đại, theo chuỗi khép kín. Chú trọng xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ trong chăn nuôi, thú y theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; thúc đẩy phát triển các mô hình chăn nuôi tuần hoàn.
Tiếp tục sản xuất dòng, giống vật nuôi chủ lực mới có năng suất, chất lượng cao, như: bò, lợn, gia cầm phù hợp từng vùng và phân khúc thị trường. Ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong chăn nuôi gia cầm, lợn, bò; sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các loại thức ăn chăn nuôi, vắc-xin, bộ kít mới sử dụng trong chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh. Hiện đại hóa trang thiết bị và công nghệ chuồng trại đáp ứng yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Áp dụng thêm các công nghệ mới để xử lý chất thải chăn nuôi và chế phẩm sinh học từ nguồn chất thải này. Tiếp tục đổi mới công nghệ trong sản xuất và quản lý thức ăn chăn nuôi. Đẩy mạnh công nghiệp chiết xuất, công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm vi sinh, thảo dược thay thế kháng sinh và phụ gia trong thức ăn chăn nuôi…
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, có thêm nhiều ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì đây sẽ là “chìa khóa” để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-chan-nuoi-a338002.html