Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, khẳng định thương hiệu chè Nhật Thức
Vùng chè Phục Linh vốn dĩ không được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều đặc biệt như những vùng chè nổi tiếng khác của Thái Nguyên. Nhưng, bằng quy trình trồng và chế biến chè khắt khe, HTX Chè Nhật Thức (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã giúp những búp chè nơi đây trở nên thơm ngon và trở thành những sản phẩm trà nức tiếng...
Đã từ lâu, uống trà đã trở thành một văn hóa, thói quen thường ngày của người Việt. Dù ngày nay có vô vàn thức uống để con người lựa chọn, nhưng trà vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam.
Miền quê nuôi lớn ước mơ
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, chị Đào Thị Thức, Giám đốc HTX Chè Nhật Thức (Xã Phục Linh, huyện Đại từ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, bản thân chị được sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, trong gia đình từ lâu đời đã có nghề truyền thống làm chè tại vùng núi Phục Linh. Là người có cơ hội được gắn bó với cây chè từ khi còn nhỏ, chị luôn trăn trở phải làm sao thay đổi cách thức làm chè để các sản phẩm do chính tay mình làm ra có chất lượng ngày càng cao hơn và có chỗ đứng trên thị trường.
Ngay từ tuổi đôi mươi, chị đã ấp ủ ước mơ thành lập một cơ sở sản xuất và có thương hiệu chè của vùng đất quê hương. Ý tưởng sản xuất các sản phẩm chè chất lượng cao có thương hiệu và chỗ đứng xứng đáng trên thị trường của chị đã thuyết phục được một số hộ trong và ngoài xóm, vì vậy HTX Chè Nhật Thức được thành lập vào năm 2017 với 20 hộ làm chè tham gia sản xuất trên diện tích gần 40 ha, trong đó có 20ha theo tiêu chuẩn hữu cơ, hơn 20 ha còn lại theo tiêu chuẩn VietGap.
Nhận thấy, trước nay bà con vẫn trồng và sản xuất chè theo phương pháp truyền thống, không áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân để sản xuất, điều này dẫn đến việc năng suất không cao, chất lượng sản phẩm còn ở mức độ hạn chế. Bằng sự quyết tâm vươn lên để đổi mới, chị cùng một số thành viên của HTX đã tìm hiểu và học tập qua các lớp đào tạo, tập huấn do Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật thuộc Đại học Thái Nguyên tổ chức.
Chính lớp học này đã cho chị và thành viên HTX những hành trang kiến thức bổ ích ban đầu về kỹ thuật trồng và sản xuất chè sạch, an toàn. Từ việc lựa chọn và nhận biết các loại phân bón để đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như năng suất của cây trồng; phương pháp cải tạo đất; ủ và bón phân hữu cơ; chế biến chè sạch và an toàn; nâng cao năng lực sản xuất bằng cách đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất ... “Đây chính là chìa khóa để HTX xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”, chị Thức cho biết.
Để có được những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đòi hỏi người trồng chè phải bỏ nhiều công sức và sự tâm huyết. Chè phải được trồng, chăm sóc và chế biến theo quy trình rất khắt khe, đảm bảo chè thật sự sạch và đầy đủ chất dinh dưỡng. HTX cũng là đơn vị tiên phong trong khu vực không dùng thuốc diệt cỏ mà chuyển sang sử dụng phương pháp thủ công để cắt cỏ, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục thay cho các loại phân bón vô cơ.
Ngay như việc tưởng như quen thuộc nhất là hái chè cũng đã thay đổi phương thức và kỹ thuật, thay vì như trước đây vẫn thu hái chè theo kiểu “tận dụng tối đa” thì giờ đây đã chuyển sang thu hái non hơn với phương thức “1 tôm 1 lá” hoặc “1 tôm 2 lá”. Đây là những nguyên liệu tốt nhất để chế biến các sản phẩm chè búp, chè nõn, chè đinh…
Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất
HTX chè Nhật Thức thuộc vùng nguyên liệu vốn không được thiên nhiên ưu đãi như những vùng khác ở Thái Nguyên, song, bằng bản lĩnh và kinh nghiệm của mình, chị Thức và các thành viên hiểu rõ rằng “không có chè ngon nhất, chỉ có chè phù hợp với khách hàng nhất”. Chính vì vậy, HTX đưa ra thị trường nhiều sản phẩm với các phân khúc khác nhau, từ cao cấp đến bình dân nhằm đáp ứng điều kiện kinh tế và khẩu vị của nhiều đối tượng khách hàng.
Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất, chị Thức cho biết, trước đây hầu hết bà con canh tác và chế biến theo phương pháp thủ công, truyền thống, việc sử dụng các loại phân bón không đúng chủng loại, quy trình, kỹ thuật; việc thực hiện sao, sấy, đóng gói sản phẩm bằng phương pháp thủ công đã khiến năng suất và sản lượng còn ở mức độ hạn chế, chất lượng chưa được cao.
Quyết tâm đổi mới, HTX đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến chè quy mô trên diện tích gần 300m2, với 01 nhà kho để lưu chứa sản phẩm sau chế biến; nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, như: máy sấy, máy vò, máy sao dùng năng lượng gas và điện, máy đóng gói tự động, máy co màng hút chân không...
Việc đẩy mạnh đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang bị máy móc, thiết bị, phát triển mẫu mã bao bì, đóng gói, thực hiện mô hình sản xuất chè khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Điều này đã giúp HTX vừa giảm sức lao động, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, giá trị sản phẩm chè của HTX cũng được nâng lên với nhiều phân khúc sản phẩm và giá thành khác nhau, từ 250 nghìn đồng/kg đến trên 3 triệu đồng/kg tùy loại.
Trong đó, đặc biệt nhất là sản phẩm Trà nõn cao cấp “Thức Tâm Trà” và Trà đinh có thương hiệu “Thức Đỉnh Trà”. Đây là 2 trong số các dòng sản phẩm cao cấp chứa đựng nhiều tâm huyết của các thành viên HTX và đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao năm 2020; Các sản phẩm “Trà sâm mật ong”, “Lễ phẩm trà” đã được UBND tỉnh Thái nguyên chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023".
Các sản phẩm chè của HTX được đóng gói, dán nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng trước khi cung cấp ra thị trường. Đến nay, HTX đã thu hút 25 thành viên tham gia sản xuất; ngoài ra, HTX liên kết với hơn 100 hộ dân để thu mua nguyên liệu chè tươi để sản xuất, chế biến.
Trung bình mỗi ngày HTX chè sản xuất được khoảng 1 tấn chè tươi, tương đương với 2 tạ chè khô các loại, cao điểm gần Tết nguyên đán có thể lên tới gần 2 tấn chè tươi/ngày. Sản lượng tiêu thụ từ 50 - 60 tấn/năm. Doanh thu năm 2023 đạt hơn 3 tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho 15 lao động thường xuyên tại địa phương với mức thu nhập bình quân đạt gần 7 triệu đồng/người/tháng.
Đưa thương hiệu chè Nhật Thức vươn xa
Mặc dù được thành lập chưa lâu, tuy nhiên với quy mô và tầm vóc, thương hiệu “Chè Nhật Thức” của HTX đã vươn xa khắp mọi miền đất nước. Các sản phẩm của HTX đã khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường với hơn 40 đại lý phân phối trên cả nước, đồng thời đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Để bắt nhịp theo “hơi thở” xu hướng hiện đại, những năm gần đây, các sản phẩm chè Thái Nguyên đã thường xuyên được quảng bá, xúc tiến qua nhiều kênh bán hàng trực tuyến. HTX đã cử cán bộ, thành viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ bán hàng trực tuyến, livestream bán hàng trên các nền tảng số, một số sản phẩm chủ lực của HTX đã được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: lazada, shopee, tiktokshop... Nhờ đó, các sản phẩm của HTX không chỉ dừng lại ở địa phương, mà còn đến với người tiêu dùng trên toàn quốc.
Hiện nay, các sản phẩm của HTX ngày càng khẳng định vị trí của mình trên thị trường trong nước, nhiều sản phẩm chè cao cấp mang thương hiệu Nhật Thức đã được rất nhiều người tiêu dùng gần xa ưa chuộng. Thông qua một số doanh nghiệp tại địa phương, một số sản phẩm chè cao cấp của HTX đã bước đầu có mặt tại một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc ...
"Trăn trở lớn nhất hiện nay của HTX là làm sao chúng tôi xuất được chè hoàn toàn theo hướng hữu cơ, để đảm bảo nguồn chè sạch, an toàn và chất lượng. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu của HTX. Ngoài ra, không ngừng tìm hiểu, học tập các đơn vị bạn cùng lĩnh vực để chính thức đưa các dòng sản phẩm chất lượng cao của mình xuất khẩu ra thị trường quốc tế”- chị Thức chia sẻ.