Ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng
Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), quý I/2025, sản lượng điện thương phẩm toàn quốc đã đạt 63,645 tỷ kWh, tăng khoảng 4,43% so với cùng kỳ năm trước. Những con số trên cho thấy xu hướng phụ tải tiếp tục tăng cao trong mùa khô và mùa nắng nóng sắp tới. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang sử dụng khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

Doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để tiết giảm chi phí tiền điện.
Do vậy, việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với doanh nghiệp là rất cần thiết, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất mà còn đóng góp vào mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của quốc gia.
Năm 2025, EVN đặt mục tiêu sản lượng điện thương phẩm đạt 300,9 tỷ kWh (mức dự phòng là 305,6 tỷ kWh) nhằm đáp ứng kịch bản tăng trưởng cao. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống cũng được dự báo sẽ đạt 54.510 MW, tăng 11,35% so với năm 2024.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ trở thành một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển, việc tham gia của các doanh nghiệp trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, cho cộng đồng và hơn hết cho mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP 26.

Doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy móc hiện đại vào hoạt động sản xuất.
Ngoài những thói quen thông thường mà mọi người đã biết như tắt điện, sử dụng các thiết bị dán nhãn năng lượng có hiệu suất sử dụng cao... thì việc áp dụng các công nghệ mới trong tiết kiệm và chuyển hóa năng lượng được coi là một sự đầu tư hiệu quả và lâu dài.
Công ty cổ phần Bia Sài Gòn-miền trung, Chi nhánh Đắk Lắk có công suất lên tới 70 triệu lít/năm, do đó, để giảm chi phí điện, công ty đã thực hiện nâng cấp hệ thống thiết bị theo hướng tiết kiệm năng lượng, bao gồm: lắp đặt hệ thống chương trình đo đếm kiểm soát năng lượng tiêu hao, sử dụng nồi hơi thứ, lò hơi tầng sôi để tăng hiệu suất, giảm thời gian vận hành.
Không chỉ vậy, theo Giám đốc Công ty cổ phần Bia Sài Gòn-miền trung, Chi nhánh Đắk Lắk Đặng Ngọc Đức, công ty còn cải tiến quy trình vận hành dây chuyền, loại bỏ các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất; xử lý, làm sạch triệt để các phế phẩm, không đưa vào hệ thống xử lý nước thải; lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất 1MWp trên mái kho của nhà máy. Những điều này đã góp phần giảm áp lực, thời gian vận hành của dây chuyền, giảm lượng điện năng tiêu thụ.
Nhiều doanh nghiệp cũng đồng quan điểm, đánh giá việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại là giải pháp hữu hiệu giúp đơn vị tiết giảm chi phí trong hoạt động sản xuất. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) Trương Hải Hưng cho biết, việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại không chỉ giúp đơn vị nâng cao năng suất, chất lượng mà còn cắt giảm các chi phí tiêu hao trong quá trình sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tại khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Dung Quất (Quảng Ngãi), công nghệ chuyển hóa lượng nhiệt dư trong quá trình sản xuất thép để sản xuất điện đã được sử dụng tại Nhà máy Nhiệt điện tại Dung Quất, công suất 240MW. Nhà máy đã cung cấp được khoảng 80% sản lượng điện cần sử dụng cho sản xuất thép.
Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện-Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất Hoàng Ngọc Phượng chia sẻ: Dây chuyền hiện đại đã giúp tối ưu hóa sản xuất, việc tận dụng mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện gang thép đã góp phần nâng cao hiệu quả và năng suất phát điện, tiết kiệm chi phí sản xuất tại Khu liên hợp.

Sơ đồ chu trình vận hành nhà máy nhiệt điện - Công ty thép Hòa Phát Dung Quất.
Ngoài việc chủ động về nguồn điện, nhu cầu điện trong Khu liên hợp thì đây còn là hành động thiết thực bảo vệ môi trường, bởi so với các nhà máy nhiệt điện than có công suất tương đương thì hằng năm, đơn vị đã tiết kiệm hơn 2 triệu tấn than, qua đó giảm lượng phát thải hơn 5 triệu tấn CO2.
Ước tính, sau khi sử dụng giải pháp thu hồi nhiệt, khí dư thừa vào năm 2021, Khu liên hợp gang thép của Hòa Phát có thể tiết kiệm được khoảng 3.900-4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù các doanh nghiệp đã có nhận thức về nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp, song do còn nhiều hạn chế về nguồn vốn nên gặp khó triển khai trong thực tế. Chuyên gia Năng lượng Hà Đăng Sơn nhận định: Chi phí cao nhưng lợi nhuận thấp là điều khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, phần lớn các giải pháp giúp tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng mới chỉ dừng lại ở giải pháp quản lý và giải pháp không yêu cầu đầu tư hoặc yêu cầu mức đầu tư thấp.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và Giải pháp nước Tân Á Đại Thành Trương Công Phong, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, như đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, chi phí nghiên cứu, đầu tư, đào tạo cán bộ, nhân viên.. vì vậy, việc cân đối hài hòa giữa lợi nhuận và sản xuất xanh là việc cần phải được tính toán cụ thể. Doanh nghiệp mong có những chính sách hỗ trợ để có thể sớm chuyển đổi cũng như thay đổi nhận thức của người dân trong quan tâm, hiểu và chấp nhận hơn với những sản phẩm xanh.
Về vấn đề nguồn vốn nêu trên, các chuyên gia tài chính cho rằng: Việc khó tiếp cận nguồn vay, nhất là từ các ngân hàng thương mại, do các ngân hàng này còn hạn chế kiến thức kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là những điều cần được tháo gỡ trong thời gian tới, bởi việc huy động hỗ trợ về vốn hay công nghệ sẽ góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; từ đó góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3). Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2025 và 8-10% giai đoạn từ 2019-2030.
Với nhu cầu sử dụng điện đang ngày càng tăng cao, cùng với các yếu tố bất thường và thời tiết cực đoan thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ không chỉ giúp mỗi cá nhân, cơ sở tránh lãng phí chi phí mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm sự ổn định phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Đây là trách nhiệm của mọi cơ quan, công sở, doanh nghiệp và cá nhân.