Ứng dụng công nghệ hiện đại, rút ngắn thời gian xét nghiệm
Các xét nghiệm hóa sinh, miễn dịch, huyết học được tự động hóa trên các hệ thống máy hiện đại, cho ra kết quả nhanh chóng, rút ngắn rất nhiều thời gian so với trước đây.
Đây là nhận định tại Hội nghị khoa học cận lâm sàng Bệnh viện Chợ Rẫy lần thứ II năm 2024 với chủ đề Tiếp cận công nghệ cận lâm sàng mới trong chẩn đoán và điều trị, diễn ra vào ngày 21/9. TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức – Thứ trưởng Bộ Y tế tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng khoa học – công nghệ là một trong hai lĩnh vực được xác định là quốc sách hàng đầu, động lực cho sự phát triển của đất nước.
Trong lĩnh vực y tế, để phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân ngày một tốt hơn, các thầy thuốc luôn là những người đi tiên phong trong tìm tòi nghiên cứu, tiếp thu tiến bộ khoa học thế giới, ứng dụng sáng tạo vào hoạt động chẩn đoán, điều trị cho người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, những năm qua, với sự bùng nổ về tiến bộ khoa học kỹ thuật, nền y học thế giới và trong nước ngày càng phát triển mạnh.
Bên cạnh kỹ thuật điều trị lâm sàng thì cận lâm sàng cũng không nằm ngoài guồng quay của cách mạng công nghiệp 4.0 vì có liên quan trực tiếp đến 3 lĩnh vực: công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Đây cũng là một trong những ngành của y học hiện đại có sự ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của trí tuệ nhân tạo AI, kết nối internet vạn vật và big data (dữ liệu lớn).
Nhờ đó, hiện nay phần lớn các xét nghiệm hóa sinh, miễn dịch và huyết học - truyền máu, một số xét nghiệm vi sinh… đã và đang được tự động hóa trên các hệ thống máy hiện đại, cho ra kết quả nhanh chóng, rút ngắn rất nhiều thời gian so với trước đây.
"Đối với xét nghiệm vi sinh, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử hiện đại đã giúp phòng xét nghiệm có thể định danh vi khuẩn, các gen kháng thuốc của vi khuẩn trực tiếp từ các mẫu bệnh phẩm trong thời gian rất ngắn, giúp bác sĩ lựa chọn kháng sinh điều trị thích hợp ngay từ đầu, hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh đang được quan tâm.
Bên cạnh đó, những phát triển vượt bậc trong chẩn đoán hình ảnh, nội soi, y học hạt nhân góp phần khẳng định vai trò quan trọng của cận lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhận định.
Ông Trần Trung Toàn (Trung tâm Giải phẫu bệnh – Sinh học phân tử, Bệnh viện K) đã chia sẻ phương pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư sử dụng công nghệ giải trình gen thế hệ mới.
Theo đó, công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) đang tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực ung thư học, mang lại khả năng chẩn đoán và điều trị ung thư theo hướng cá nhân hóa một cách hiệu quả.
"Với khả năng xử lý dữ liệu gen lớn một cách chi tiết, NGS giúp phát hiện các biến đổi di truyền quan trọng trong các loại ung thư khác nhau. Với các ung thư mô đặc như ung thư vú, phổi và đại trực tràng, NGS giúp phát hiện các đột biến chính và tối ưu hóa liệu pháp điều trị dựa trên các kết quả di truyền học.
Về các bệnh ung thư huyết học như bạch hầu và u lympho, NGS hỗ trợ phân loại bệnh dựa trên dấu ấn di truyền, hỗ trợ bác sĩ xác định chiến lược điều trị và đánh giá tiên lượng cho bệnh nhân", ông Trần Trung Toàn chia sẻ.