Ứng dụng công nghệ số nâng cao hiệu quả xóa nhà tạm, nhà dột nát
Ứng dụng hiệu quả công nghệ số là một giải pháp hay đã và đang được một số địa phương áp dụng để tăng hiệu quả xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tháng 4 vừa qua, Thái Nguyên là một trong những địa phương “về đích” đầu tiên trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát của cả nước.
Sự tiên phong, mạnh dạn ứng dụng công nghệ số trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành "bí quyết" hay giúp Thái Nguyên đạt thành tích ấn tượng này.
Từ trung tuần tháng 11/2024, Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) đã ban hành văn bản về việc ứng dụng nền tảng GapoWork vào công tác thống kê, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ xóa nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Cơ sở dữ liệu ban đầu nhanh chóng được thiết lập, gồm 191 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/3/2025, và 400 hộ hoàn thành trước 30/6/2025.
10 nhóm quản trị được tạo trên hệ thống GapoWork, với 366/366 thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đăng nhập và sử dụng trên nhiều loại thiết bị (máy tính, điện thoại di động).

Số liệu được cập nhật trên nền tảng GapoWork.
Dữ liệu được cập nhật chính xác theo thời gian thực, quản lý tập trung, với các tính năng thông báo tự động để tránh bỏ sót thông tin, nhiệm vụ. Hệ thống dữ liệu được bảo mật đa lớp, đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
Với nền tảng GapoWork, các khâu từ lập, rà soát, quản lý danh sách đối tượng thụ hưởng các chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến theo dõi tiến độ, cập nhật hình ảnh trước, trong và sau khi xây/sửa nhà đều được thực hiện, lưu trữ trên nền tảng số.
Ứng dụng công nghệ số đã góp phần quan trọng giúp tỉnh Thái Nguyên đã “về đích” trước 8 tháng so với mục tiêu Chính phủ giao.
Tại tỉnh Quảng Trị, để công tác vận động, điều phối các nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà đảm bảo thống nhất, hiệu quả và minh bạch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chủ trì triển khai Cổng Thông tin cứu trợ - thiện nguyện tại địa chỉ http://cuutro.quangtri.gov.vn. Tất cả các nguồn kinh phí kêu gọi hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo đều được công khai tại cổng này.
Mặt khác, 4.995 hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm đã được quản lý thông qua hồ sơ điện tử với những thông tin cụ thể gồm: Họ và tên, địa chỉ, hoàn cảnh hộ hưởng lợi, số căn cước công dân; hình ảnh chụp nhà và chủ hộ được hỗ trợ trước và sau khi xây dựng hoàn thành; các hồ sơ liên quan theo yêu cầu… Qua đó góp phần đảm bảo công tác quản lý, rà soát đối tượng, kiểm duyệt nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng.
Cũng thông qua cổng, cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp có thể nắm được báo cáo hàng ngày tiến độ xây/sửa nhà với danh sách chi tiết từng hộ dân.
Tương tự, tại tỉnh Quảng Nam, trang “Địa chỉ tình nguyện của Tuổi trẻ Quảng Nam” cũng đã được vận hành với mục đích kết nối các nguồn lực tình nguyện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Với sự linh hoạt, sáng tạo ứng dụng công nghệ số, các địa phương đã giúp rất nhiều ngôi nhà ba cứng (nền móng cứng, khung tường cứng, mái cứng) sớm được trao tận tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gặp khó khăn về nhà ở, lan tỏa tính nhân văn của phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.