Ứng dụng công nghệ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng nông sản, thực phẩm thì việc ứng dụng, phát triển công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ được xem là giải pháp hiệu quả giúp nông sản, thực phẩm thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng nông sản, thực phẩm thì việc ứng dụng, phát triển công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ được xem là giải pháp hiệu quả giúp nông sản, thực phẩm thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, tỉnh ta đang tập trung phát triển sản xuất áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, hình thành các chuỗi nhằm tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình nuôi cá trắm đen bằng thảo dược của ông Trần Thanh Năm, xóm 19, xã Xuân Vinh (Xuân Trường).

Một trong những đơn vị tiên phong sản xuất gạo hữu cơ là HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải Toàn (Hải Hậu) với sự hỗ trợ của Sở KH và CN và Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Bộ NN và PTNT). Từ đầu năm 2018, HTX đã quy hoạch vùng trồng lúa theo định hướng hữu cơ trên diện tích 10ha. Ông Hà Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: Quy trình công nghệ sản xuất các loại gạo đặc sản như Tám xoan, Nếp bắc theo định hướng hữu cơ được HTX tuân thủ nghiêm ngặt, không bón phân, không phun thuốc hóa học mà chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh, phân xanh tự ủ bằng: ruột ốc bươu vàng, cây điền thanh, cây chùm ngây, cá, chuối, mẻ, sữa chua… để bón cho lúa trong các thời kỳ sinh trưởng và phát triển; có bổ sung các loại phân hữu cơ được Bộ NN và PTNT chứng nhận, cho phép sử dụng. Việc phòng trừ sâu bệnh cho lúa cũng được “hữu cơ hóa” sử dụng loại thuốc sinh học tự chế từ các hợp chất vi sinh tự nhiên như: vôi bột, tỏi, ớt, dấm…; tổ chức bắt sâu, diệt chuột bằng bả sinh học theo phương thức dẫn dụ để hạn chế tối đa các loại hóa chất ảnh hưởng đến cây lúa. Với công nghệ sản xuất “mới” và “sạch” đã tạo ra thương hiệu gạo hữu cơ uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hiện nay, HTX đang sản xuất gạo hữu cơ với 3 sản phẩm “Tám xoan bao tử”, Nếp bắc và Bắc thơm số 7 theo quy trình khép kín từ sản xuất đến sơ chế sản phẩm tới tay người tiêu dùng, trong đó sản phẩm “Tám xoan bao tử” của HTX được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao năm 2019. Tiêu biểu về nông nghiệp hữu cơ nữa là mô hình nuôi cá hữu cơ bằng thảo dược của ông Trần Thanh Năm, xóm 19, xã Xuân Vinh (Xuân Trường). Nhận thấy cá trắm đen là loại cá có giá trị kinh tế cao nên ông Năm chọn làm con nuôi chủ lực của gia đình. Đây là loại cá truyền thống nên tương đối dễ nuôi tuy nhiên hay mắc các bệnh về tiêu hóa. Sau hơn chục năm “vật lộn” với con cá trắm đen, ông Năm đã đúc kết ra công thức ủ thảo dược để trộn vào thức ăn phòng bệnh cho cá rất hiệu quả, không những không bị bệnh mà cá còn phát triển tốt. Chia sẻ về công thức, ông Năm cho hay: “Tôi thường xay tỏi khô, trộn cùng với đường, dấm, gạo nếp và ủ trong 5 ngày cho hỗn hợp lên men rồi mang trộn vào cám và cho cá ăn. Tỷ lệ là cứ 1 bao cám có trọng lượng 25kg tôi trộn 3 bát tỏi ủ lên men, cho ăn thường xuyên nên không bao giờ sợ cá bị bệnh đường ruột. Không những vậy, hỗn hợp này còn có tác dụng kích thích tiêu hóa nên đàn cá luôn phát triển nhanh, con nào cũng đạt trọng lượng từ 10kg, thậm chí có con nặng gần 20kg. Thịt cá cũng thơm ngon hơn so với phương pháp nuôi truyền thống”. Với phương pháp “đơn giản, rẻ tiền” nhưng cực kỳ hiệu quả này, trong suốt quá trình nuôi, ông Năm không phải sử dụng chất kích thích tăng trọng cũng như các loại thuốc kháng sinh chữa bệnh nên tạo ra sản phẩm sạch, được thị trường ưa chuộng. Đến nay, ông đã mở rộng diện tích nuôi cá lên 6ha. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Năm xuất bán trên 100 tấn cá, doanh thu đạt 6-7 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Thời gian qua, một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển hướng áp dụng các mô hình công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong lĩnh vực trồng trọt, HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) đang thực hiện mô hình sản xuất rau, củ, quả theo công nghệ Nhật Bản, được kiểm soát chặt chẽ và phân tích chất lượng từ đất, nước, phân bón, mẫu rau theo các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ bởi các chuyên gia Nhật Bản theo chương trình hợp tác giữa tỉnh ta và tỉnh Ibaraki (Nhật Bản). Từ năm 2018, tổ liên kết gồm 8 hội viên Hội Phụ nữ xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo định hướng hữu cơ với quy mô gần 1ha. Các sản phẩm rau hữu cơ của tổ liên kết được nhiều người tin dùng, dần có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, tổ sản xuất đã phát triển lên gần 20 thành viên với quy mô sản xuất gần 3ha, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha/năm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tiêu biểu là trang trại của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) và các trang trại của HTX chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên) thực hiện nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ thảo dược áp dụng tiêu chuẩn VietGAHP… Với mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch liên kết để thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh. Sau 3 năm đi vào hoạt động,

Hiệp hội đưa vào hoạt động Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch và xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sạch tại thành phố Nam Định, tạo địa chỉ cung cấp nông sản, thực phẩm sạch, an toàn, uy tín cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa nhiều. Các doanh nghiệp trong quá trình vận hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hầu hết các sản phẩm này mới chỉ được phân phối chủ yếu qua các siêu thị; trung tâm, cửa hàng nông sản, thực phẩm sạch mà chưa được tiêu thụ phổ biến trên thị trường. Sản xuất ở tỉnh ta chủ yếu vẫn là quy mô nông hộ, manh mún nên tiềm lực khoa học, công nghệ, nhân lực, nguồn vốn, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật… còn thấp, đây là rào cản lớn để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết về quy định, trách nhiệm sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của nông dân cũng đang là một trở ngại không nhỏ cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Theo đó, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần xác định sản phẩm lợi thế, lĩnh vực chủ lực, vùng có lợi thế về sản xuất hữu cơ, phối hợp với Bộ NN và PTNT xây dựng đề án, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tiêu chuẩn ngành Nông nghiệp. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương như: đất đai, hạ tầng, giống, công nghệ sản xuất hữu cơ... phục vụ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đây là cơ hội và cũng là thách thức để tỉnh ta đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5090/202007/ung-dung-cong-nghe-thuc-day-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-2538872/