Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong phẫu thuật thay khớp gối
Công nghệ thực tế ảo - 'Mắt thần' Navigation Knee+ được Hệ thống BVĐK Tâm Anh đưa vào quy trình thay khớp gối, đảm bảo độ chính xác và hiệu quả trong từng ca phẫu thuật.
- Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Mắt thần đã sẵn sàng thưa bác sĩ.
- OK!
Cuộc đối thoại nhanh của TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh, và cộng sự trong kíp mổ nhanh chóng ngừng lại. So với hàng nghìn ca mổ TS Nam Anh từng thực hiện, quy trình lần này có chút khác biệt vì có thêm một thao tác liên quan đến phẫu thuật viên chính: Mắt thần thực tế ảo - Navigation Knee+.
Ai nấy đều khẩn trương thực hiện công đoạn sát khuẩn, chuẩn bị trang phục, trang thiết bị y tế cần thiết cho ca mổ. Hôm nay, tất cả đều háo hức khi lần đầu tiên Trung tâm Chấn thương chỉnh hình triển khai ca mổ thay khớp gối nhân tạo với thiết bị công nghệ y khoa hiện đại hàng đầu thế giới, điều mà trước đây chỉ thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Một nhóm nhân viên y tế đưa người bệnh vào phòng mổ tiêu chuẩn Hybrid và bác sĩ chuyên khoa Gây mê hồi sức bắt đầu thực hiện việc gây mê tiền phẫu. Bệnh nhân là bà Lư Tuyết Minh (59 tuổi), đến từ TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Trước ca mổ, các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh như Chấn thương chỉnh hình, Nội tổng hợp, Gây mê hồi sức… cùng hội chẩn. Họ xem lại một lần nữa hình ảnh X-quang và MRI của bệnh nhân, xác định khớp gối trái bị thoái hóa toàn phần.
Phần mềm kỹ thuật số TraumaCad chuyên dụng để lập trình kế hoạch trước mổ đã phân tích và cho các thông số chính xác về hệ xương khớp của người bệnh. Phần trục chân bị lệch (cong) khoảng 3 độ - nguyên nhân khiến người bệnh cảm thấy rất đau khi di chuyển. Cũng nhờ phần mềm TraumaCad, kế hoạch mổ chi tiết về các lát cắt, vị trí đặt khớp nhân tạo… được lập ra rất cụ thể, đảm bảo khớp gối nhân tạo sẽ làm thẳng trục chân cho người bệnh sau phẫu thuật.
Cách đây 2 năm, bệnh nhân Minh từng thực hiện ca mổ khớp gối bên phải tại bệnh viện khác. Tuy nhiên hậu phẫu, chân bị lệch vẹo, bên thấp bên cao, di chuyển khó khăn. Lần thay khớp nhân tạo đầu tiên khá đau và lâu phục hồi nên bệnh nhân có phần lo ngại chuyện phải lên bàn mổ lần thứ hai để thay khớp còn lại. Được TS.BS Nam Anh trực tiếp thăm khám, điều trị cùng sự hỗ trợ của kỹ thuật điều trị hiện đại, bà Minh tin tưởng hoàn toàn khi thực hiện phẫu thuật thay khớp gối tại BVĐK Tâm Anh.
Trong phòng mổ, người bệnh được gây mê tủy sống. Các chỉ số sinh tồn hiển thị trên hệ thống thiết bị, màn hình hiện đại giúp bác sĩ khoa Nội tim mạch, Gây mê hồi sức theo dõi và điều chỉnh chính xác lượng thuốc mê, oxy… trước, trong và suốt cuộc phẫu thuật cũng như quá trình hồi tỉnh hậu phẫu.
- Tôi sẽ điều chỉnh độ lệch trục của khớp gối bằng “Mắt thần”. Mọi người sẵn sàng!
Bác sĩ Nam Anh nói lớn tại khu vực mổ để mọi cộng sự đều có thể nghe rõ. “Mắt thần” được tích hợp màn hình tinh vi, thiết kế nhỏ gọn nên có thể gắn trên kính của phẫu thuật viên chính để cung cấp thông tin. Tất cả thông số đo lường thực tế trên phẫu trường được tính toán, đưa kết quả cụ thể liên tục trên màn hình của “Mắt thần”. Nhờ vậy, phẫu thuật viên chính có thể xác định được các vị trí cắt phù hợp nhất, độ nghiêng của vết cắt xương để có thể đạt được độ lệch trục của khớp - cân bằng chính xác chiều dài thực tế của hai chân… theo đúng kế hoạch tính toán trước mổ bởi phần mềm TraumaCad.
Nhóm bác sĩ tiến hành đặt một miếng hợp kim bên trên, một miếng kim loại phía dưới khớp gối. Hai phần kim loại cố định hai xương đùi và xương chày này có QR Code để “Mắt thần” quét vị trí định vị. “Mắt thần” sẽ dựa vào định vị đó để xác lập không gian 3 chiều trong mắt kính, đưa ra những hình ảnh và thông số thực tế ảo với khớp gối nhân tạo…
Trước đây, khi chưa có “Mắt thần”, việc xác định vị trí cắt, độ nghiêng, lệch trục của các vết cắt hay đặt và điều chỉnh vị trí khớp nhân tạo cân đối giữa hai chân… đều dựa vào kinh nghiệm và “con mắt nhà nghề” của các bác sĩ thâm niên.
Tiến sĩ Nam Anh quan sát toàn bộ bàn mổ bằng cả mắt thường và Mắt thần. Ông cũng trao đổi nhanh, liên tục với cộng sự để phối điều chỉnh vị trí xương theo yêu cầu. Phẫu thuật viên đảm trách nhiệm vụ cắt xương, loại bỏ phần khớp đã thoái hóa và đặt khớp nhân tạo đúng theo yêu cầu của phẫu thuật viên chính.
Trục chân của bệnh nhân bị vẹo bên ngoài 3 độ. Bác sĩ Nam Anh, bằng kinh nghiệm của mình, là người đưa ra phương án tối ưu nhất để điều chỉnh hết độ lệch. “Mắt thần” là hệ thống dẫn đường, nhưng mọi sự chủ động đều nằm trong tầm kiểm soát, quyết định của bác sĩ. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa máy móc và con người này khác hẳn với việc phẫu thuật bằng robot. Đây cũng là xu hướng công nghệ đang được áp dụng trong việc mổ chấn thương, chỉnh hình xương khớp tại các quốc gia có nền y học phát triển trên thế giới.
Theo phương pháp cổ điển, bác sĩ cố gắng làm thẳng hết mức có thể khớp gối của người bệnh. Tuy nhiên, việc này không hẳn phù hợp với thể trạng xương khớp ban đầu của bệnh nhân, vì mỗi người có độ lệch trục chân nhất định do yếu tố di truyền.
“Giờ đây, bằng sự hỗ trợ của ‘Mắt thần’, chúng tôi sẽ tìm được ra trục chân chính xác của bệnh nhân trước khi bị thoái hóa khớp gối và thực hiện giải pháp đưa nó về nguyên bản, đó mới là giá trị cao nhất của cuộc mổ thành công”, bác sĩ Nam Anh nhấn mạnh.
Thiết bị này giúp các bác sĩ không mất nhiều thời gian để xác định vị trí mổ, mà chỉ tập trung vào thao tác trên thông số kỹ thuật của máy móc. Y bác sĩ thực hiện công việc hiệu quả, tiết kiệm năng lượng hơn trong khi hiệu suất và kết quả lại vượt trội so với cách mổ thay khớp gối quan sát bằng mắt thường như trước.
Cũng theo tiến sĩ Nam Anh - Chủ tịch Hội Nội soi khớp và Thay khớp Việt Nam, phẫu thuật khớp gối với sự hỗ trợ của công nghệ kính thực tế ảo 3D là quy trình y khoa tiên tiến hàng đầu thế giới. So với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nơi tiếp cận thành tựu này sớm nhất. Trong thời gian qua, tất cả bác sĩ ngoại khoa Chấn thương chỉnh hình của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đều được học tập và thực hành một cách bài bản để khai thác, sử dụng công nghệ này tối ưu nhất.
“Với sự phát triển của công nghệ y khoa, chúng tôi tin rằng trong tương lai, việc đảm bảo cho người bệnh phục hồi hiện trạng khớp gối sau thoái hóa một cách hoàn hảo nhất là điều nằm trong tầm tay”, bác sĩ Nam Anh nhấn mạnh.
- Vệ sinh vết mổ và tiến hành khâu.
- Dạ, bác sĩ.
Nhóm cộng sự thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ Nam Anh khi ca mổ được thực hiện gần đến công đoạn cuối cùng. Thời gian mổ mất khoảng 1 giờ, chỉ bằng 1/3 thời gian so với phương pháp phẫu thuật truyền thống không có sự hỗ trợ của công nghệ kính “Mắt thần”. Ngay sau ca mổ, người bệnh được đưa về khu vực hồi sức và nghỉ dưỡng tại bệnh viện.
“Chúng ta đã quen với việc dùng mắt thường để quan sát khi phẫu thuật xương khớp và thực hiện ca mổ theo quy cách ước lượng, dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ. Nay có công nghệ thực tế ảo, quá trình ‘ước lượng’ đó trở nên cực kỳ chính xác, không xảy ra sai sót. Công nghệ sẽ là trợ thủ đắc lực để bác sĩ phẫu thuật thành công trong các ca mổ”, bác sĩ Nam Anh chia sẻ.
Trong những ngày hậu phẫu, bác sĩ Vật lý trị liệu tiến hành tập vận động nhẹ nhàng khớp gối cho bệnh nhân tận giường, đồng thời sử dụng tia laser để các vết mổ mau lành hơn. 2 ngày sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể tự di chuyển bằng chân với sự trợ giúp của khung trợ lực cầm tay - điều mà lần thay khớp đầu tiên cô đã có trải nghiệm không mấy hài lòng.
“Tôi không cảm thấy đau như lần phẫu thuật khớp gối cách đây 2 năm. Mọi thứ đang khá ổn và tôi dần hồi phục. Tôi đã thấy chân trái của mình không còn cong và lệch so với chân phải. Các bác sĩ bảo tôi cứ về nghỉ dưỡng, tập luyện để quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn”, bà Minh nói.
Lý giải việc bệnh nhân ít cảm thấy đau sau phẫu thuật, tiến sĩ Nam Anh cho biết nhờ kính “Mắt thần” nên bác sĩ thực hiện việc cắt mổ chuẩn xác theo hướng hạn chế đến mức tối thiểu xâm lấn hay tác động đến hệ xương, chỉ xử lý các phần sụn bị thoái hóa.
Cùng với đó, chính việc cân bằng lại trục chân giúp các nhóm cơ, dây thần kinh dọc khớp gối được khôi phục lại vị trí phát triển như trước. Đây là một trong những điểm cộng đáng chú ý trong việc thực hiện mổ khớp gối bằng phương pháp mới này.
Bà Minh là người bệnh đầu tiên được phẫu thuật thay khớp gối với sự trợ giúp hiệu quả của “Mắt thần”. Nhưng từ nay, tất cả bệnh nhân thay khớp gối nhân tạo tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đều có thể phẫu thuật bằng công nghệ tiên tiến này, giải tỏa hoàn toàn mối lo chân bị lệch, hạn chế đi lại hay mất thẩm mỹ.
Tổ chức đào tạo y khoa quốc tế MicroPort đã cấp chứng nhận Center of Excellent cho TS.BS Tăng Hà Nam Anh và Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Hệ thống BVĐK Tâm Anh. Với chứng nhận này, BVĐK Tâm Anh chính thức trở thành Trung tâm huấn luyện thay khớp gối MedialPivot cho các phẫu thuật viên khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Hệ thống BVĐK Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung "Vì sức khỏe cộng đồng" mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của người Việt. Hệ thống BVĐK Tâm Anh là một trong những bệnh viện chất lượng cao tại Việt Nam, thực hiện thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu khách hàng, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu cả nước.
Để đặt lịch tư vấn và thăm khám tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống BVĐK Tâm Anh, độc giả liên hệ hotline 02871026789 (TP.HCM) / 18006858 (Hà Nội), inbox trực tiếp fanpage hoặc đặt lịch trực tuyến tại đây.
https://tamanhhospital.vn/chuyen-khoa/chan-thuong-chinh-hinh/?fbclid=IwAR2B-AaFrqq3qX0gj8C9XWtNLT_dYc0p82Tfq2TCmxCkED3u9uJ_txNp3xs