Ứng dụng công nghệ vào tranh sinh học

BioPicture là dự án tranh sinh học do nhóm sinh viên Trường ĐH Văn Lang (TP HCM) nghiên cứu, nhằm mang lại những giá trị mới bền vững trong lĩnh vực trang trí nội thất đô thị, sống xanh.

Nhóm trưởng Nguyễn Phúc Tân, sinh viên ngành nông nghiệp công nghệ cao, khoa công nghệ ứng dụng, cho biết sản phẩm được tái sử dụng từ gỗ và tre, sau đó trồng một hoặc nhiều loài thực vật để tạo thành bức tranh nghệ thuật.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Văn Lang nghiên cứu dòng tranh sinh học độc đáo giúp bảo vệ môi trường

Nhóm sinh viên Trường ĐH Văn Lang nghiên cứu dòng tranh sinh học độc đáo giúp bảo vệ môi trường

"Nhóm có 5 thành viên đến từ khoa công nghệ ứng dụng, quản trị kinh doanh, môi trường. Dự án được khởi động vào giữa tháng 3-2024. Song song với nghiên cứu tranh, nhóm còn tiến hành lên ý tưởng, tạo lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng một số kênh truyền thông cho sản phẩm" – Tân cho biết.

Nhóm chia sẻ dòng tranh này thích hợp để đặt trên bàn làm việc, tủ đồ thấp của phòng khách, phòng ngủ hoặc treo lên lan can ở ban công, sân thượng,...

Sản phẩm không chỉ có chức năng trang trí mà còn tạo không khí trong lành, cải thiện sức khỏe tinh thần, thậm chí cung cấp thực phẩm sạch liên tục tại nhà tùy theo nhu cầu và không gian của mỗi gia đình.

Nhóm nghiên cứu nhiều loại tranh sinh học, vừa trang trí vừa có thể làm thực phẩm sạch cho gia đình

Nhóm nghiên cứu nhiều loại tranh sinh học, vừa trang trí vừa có thể làm thực phẩm sạch cho gia đình

Khung tranh sinh học được tái chế từ gỗ, tre cũ

Khung tranh sinh học được tái chế từ gỗ, tre cũ

Thành viên Dư Tuấn Lâm, sinh viên khoa quản trị kinh doanh, cho biết nhóm có 2 dòng sản phẩm chính. Những sản phẩm thiết kế sẵn có kích thước từ 30x30 cm đến 60x60 cm có giá dao động dưới 1 triệu đồng. Các sản phẩm tranh được thiết kế riêng theo yêu cầu có giá dao động từ 1 -10 triệu đồng tùy vào kích thước, chất liệu, công nghệ đi kèm và loại cây trồng bên trong khung tranh.

Là sinh viên khoa môi trường, em Nguyễn Vũ Hương Giang khẳng định thông qua các quy trình xử lý chống mối mọt và ẩm mốc, nhóm đã "nâng cấp" tuổi thọ của tranh lên đáng kể. Giúp tăng số lần tái sử dụng và thời gian sử dụng của tranh từ 5 -10 năm.

Họa sĩ một số nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản... thường sử dụng các loài sinh vật bậc thấp như nấm, rêu, tảo để tạo ra những tác phẩm tranh tường độc đáo.

Các thành viên nhóm đến từ khoa công nghệ ứng dụng, khoa quản trị kinh doanh và khoa môi trường

Các thành viên nhóm đến từ khoa công nghệ ứng dụng, khoa quản trị kinh doanh và khoa môi trường

TS Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường ĐH Văn Lang, cho rằng tranh sinh học ở Việt Nam vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ và chưa được nhiều người biết đến. Việc thương mại hóa sản phẩm chắc chắn sẽ có nhiều thách thức.

"Nếu nhóm ứng dụng thêm các công nghệ vào bức tranh như công nghệ gây biến tính vật liệu để tăng tuổi thọ cho khung tranh, công nghệ IoT để giảm công chăm sóc và quản lý bảo vệ bức tranh thực vật,..song song với việc tăng cường truyền thông, quảng bá thì dòng sản phẩm này hoàn toàn có khả năng thương mại hóa được trên thị trường" – TS Quyền cho biết.

Ưu điểm của sản phẩm là được cấu tạo phần lớn từ vật liệu hữu cơ có thể tái chế và thân thiện môi trường, không sử dụng chậu trồng bằng nhựa tổng hợp.

Sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp Ra khơi 2024 do Trường ĐH Văn Lang tổ chức, nhóm tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự án, từng bước thương mại sản phẩm.

Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ung-dung-cong-nghe-vao-tranh-sinh-hoc-196240731092249507.htm