Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm
Trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng thể hiện vai trò quyết định đối với việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhận thức rõ được vấn đề này, các lĩnh vực sản xuất trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, xem đây là giải pháp quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất khẩu Việt Nam - khu Liên Đồng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn đầu tư máy móc, công nghệ chế biến gỗ để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Hoạt động thông tin khoa học công nghệ và công tác ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội. Các mô hình ứng dụng thí điểm từng bước đi vào sản xuất đại trà, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.
Thời gian qua, chương trình phát triển tài sản trí tuệ được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn lực về sở hữu trí tuệ, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ phù hợp với thực tiễn. Các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường được kiểm tra, quản lý chất lượng, nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt, qua đó tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng và từng bước khẳng định vị thế vững chắc của sản phẩm trên thị trường.
Giai đoạn 2016-2021 toàn tỉnh có trên 350 sản phẩm hàng hóa được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm nhãn hiệu hàng hóa, văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích. Các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có lợi thế của tỉnh, của doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ được hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng các quy trình kiểm soát tốt nguồn gốc và chất lượng, nâng cao giá trị.
Với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, hoạt động sản xuất công nghiệp đang nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là các doanh nghiệp chính là yếu tố nền tảng, giải pháp có tính căn cơ để ngành công nghiệp thực hiện tái cơ cấu cũng như tận dụng tốt nhất cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Công ty CP cơ khí đúc Việt Nam, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác. Ông Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Công ty cho biết: “Công ty đã xây dựng mô hình áp dụng tích hợp hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và công cụ thực hành 5S, đồng thời đổi mới công nghệ sản xuất, chuyển giao lò trung tần đồng bộ, hệ thống hút chân không giúp các chi tiết đúc có độ chính xác cao, không xuất hiện hiện tượng rỗ, bề mặt đúc có chất lượng tốt”.
Việc ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất giúp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm, hàng hóa có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của quốc tế và khu vực đạt trên 30%.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất khẩu Việt Nam - khu Liên Đồng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn chuyên sản xuất ván ép. Chín tháng đầu năm, Công ty sản xuất trên 15.000m3 sản phẩm, trong đó 50% sản lượng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, 50% tiêu thụ nội địa. Ông Nguyễn Văn Hoàn- Giám đốc Công ty cho biết: “Dịch bệnh COVID-19 cùng với biến động thị trường thế giới, giá nguyên vật liệu đầu vào khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, nộp ngân sách Nhà nước gần bốn tỉ đồng trong chín tháng đầu năm nay. Đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng, trực tiếp góp phần giúp nâng cao năng suất, thời gian qua, Công ty đã đầu tư một số máy móc, từng bước hiện đại hóa như máy sấy, máy ép, máy chà... Ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất giúp doanh nghiệp có thể kiểm soát chặt chẽ hơn các công đoạn làm việc, chất lượng sản phẩm được đồng đều về tỉ lệ, mẫu mã và màu sắc”.
Những thành tựu của khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cải tiến điều kiện, môi trường làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Nguyễn Huế