Ứng dụng khoa học - công nghệ, phát huy giống có năng suất cao trong chăn nuôi
Sáng 22-5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh Tiền Giang (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang) phối hợp Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Nhà máy Tiền Giang tổ chức Lớp tập huấn quản lý giống vật nuôi 'Ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm phát huy giống có năng suất cao và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng'.

Quang cảnh lớp tập huấn.
Theo Chi cục CN&TY, Tiền Giang là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển chăn nuôi và luôn nằm trong tốp 2 của các tỉnh phía Nam về chăn nuôi gia cầm với tổng đàn trên 17,8 triệu con, tăng 10,0% so cùng kỳ năm 2024. Hằng năm, ngành gia cầm Tiền Giang cung cấp cho thị trường trên dưới 1,2 tỷ quả trứng.
Gia cầm cũng là đối tượng được chọn để cơ cấu lại của ngành chăn nuôi tỉnh Tiền Giang. Do vậy, nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm phát triển theo hướng bền vững, nhất là gia cầm hướng trứng thì các giải pháp công nghệ về giống được xem là giải pháp hàng đầu cần quan tâm.

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh Tiền Giang phát biểu tại lớp tập huấn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi của tỉnh nhà hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn như giá cả chăn nuôi không ổn định, nhiều thời điểm giá thành sản xuất cao hơn giá bán ra, dẫn đến thua lỗ kéo dài.
Công tác giống vật nuôi còn nhiều bất cập, hệ thống giống chưa hoàn chỉnh, thiếu liên kết giữa khâu sản xuất - nhân giống - tiêu thụ. Nhận thức về vai trò của giống trong nâng cao năng suất và chất lượng còn hạn chế.
Tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đến hơn 95%, gây khó khăn truy xuất nguồn gốc và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Điều này khiến năng suất chăn nuôi chưa cao, sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.

Đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Nhà máy Tiền Giang giới thiệu về giống gà đẻ trứng hồng CP. T1 - và quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh.
Theo lãnh đạo Chi cục CN&TY, trong thực tế sản xuất, giống vật nuôi được xem là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. Vấn đề này đã được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm, chú trọng.
Do vậy, nhiều chủ trương, chính sách đã được triển khai nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư xây dựng trang trại giống vật nuôi, du nhập con giống có năng suất, chất lượng cao.
Đồng thời, hỗ trợ chính quyền địa phương, người chăn nuôi được tiếp cận với nguồn giống vật nuôi này để đem lại hiệu quả kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa giảm chi phí sản xuất và đạt lợi nhuận cao hơn. Qua đó, từng bước kiểm soát nguồn giống, hạn chế dịch bệnh, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Do đó, lớp tập huấn được tổ chức nhằm giới thiệu đến những con giống phổ biến, hiệu quả đã và đang phát triển trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là giới thiệu giống gà CP. T1 - Gà đẻ trứng hồng với tỷ lệ đẻ đạt đỉnh cao >96% ở 26 tuần tuổi.
Tại lớp tập huấn, đại diện Khoa Chăn nuôi, Trường Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ đã thông tin nội dung về chọn giống vật nuôi “Ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm phát huy giống có năng suất cao và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng”; đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Nhà máy Tiền Giang giới thiệu về giống gà đẻ trứng hồng CP. T1 - và quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh.
Cũng tại lớp tập huấn, các đại biểu còn thảo luận các nội dung liên quan đến công tác quản lý giống vật nuôi; ứng dụng khoa học - công nghệ trong chăn nuôi…