Ứng dụng kỹ năng số trong khởi nghiệp và lập nghiệp
Trường Đại học Trà Vinh vừa tổ chức thành công hội thảo 'Ứng dụng kỹ năng số trong khởi nghiệp, lập nghiệp'. Tại hội thảo các đại biểu và học sinh, sinh viên được nghe các diễn giả chia sẻ nhiều thông tin bổ ích nhằm phát triển kỹ năng số trong lĩnh vực khởi nghiệp và lập nghiệp.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiền, Giám đốc chuỗi cửa hàng vật tư nông nghiệp Nông Thịnh cho biết, trước sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, hiện nay trên 60% doanh nghiệp phụ thuộc vào kỹ năng số và có trên 76% doanh nghiệp cần nhân sự có kỹ năng số, đó là xu thế tất yếu.
Theo ông Tiền, khi nhân sự làm việc cho doanh nghiệp có kỹ năng số sẽ nâng cao hiệu suất lao động, tạo môi trường làm việc sáng tạo hơn. Bên cạnh, còn giúp người lao động tiết kiệm hơn về thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong khi người sử dụng lao động sẽ dễ dàng quản lý, điều hành và đánh giá năng suất… Đặc biệt, sử dụng người lao động khi có kỹ năng số sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, dễ tạo tiếng vang và thuận lợi trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Theo ông Nguyễn Thành Gia, Giám đốc công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội Tư vấn và Đào tạo Song Yến, qua nghiên cứu nhận thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại sự bất bình đẳng lớn, đặc biệt là ở khả năng phá vỡ thị trường lao động. Những vấn đề này không chỉ đe dọa đến việc làm của người lao động trình độ thấp, mà lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu học không tự trang bị cho mình các kiến thức mới và các kỹ năng sáng tạo.
Theo đó, ông Nguyễn Thành Gia nhận định cơ hội đối với lao động Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện còn gặp một số trở ngại khi chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp của bậc thang năng lực quốc tế. Bởi người lao động Việt Nam phần lớn còn hạn chế về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm trong làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp… Từ đó, nhận thấy kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là phải trang bị cơ bản về các cơ sở lý thuyết và thực tiễn về kỹ năng nghề nghiệp về lãnh đạo, truyền thông, công nghệ, làm việc nhóm; kỹ năng phân tích, ra quyết định. Đặc biệt, sinh viên cần trang bị vững kỹ năng nghề nghiệp, xem đây là việc làm cần thiết trong trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là đáp ứng nhu cầu từ doanh nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Trường Đại học Trà Vinh cho rằng: năng lực số là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho các công việc từ đơn giản đến phức tạp cũng như khởi nghiệp. Năng lực số là tổng hợp của năng lực sử dụng máy tính, năng lực công nghệ thông tin, năng lực thông tin và năng lực truyền thông.
Theo đó, Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An cho rằng khung năng lực số gồm có 07 nhóm năng lực chính: (1) Vận hành thiết bị và phần mềm, giúp nhận biết, lựa chọn và sử dụng các thiết bị phần cứng và ứng dụng phần mềm để nhận diện, xử lý dữ liệu, thông tin số trong giải quyết vấn đề. (2) Khai thác thông tin và dữ liệu, giúp nhận diện được nhu cầu thông tin của cá nhân; triển khai các chiến lược tìm tin, định vị và truy cập được thông tin; đánh giá các nguồn tin và nội dung của chúng; lưu trữ, quản lý và tổ chức thông tin; sử dụng thông tin phù hợp với đạo đức và pháp luật. (3) Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, giúp chúng ta tương tác và giao tiếp thông qua công nghệ số và thực hành vai trò công dân số. Quản lý định danh và uy tín số của bản thân trong môi trường số. Sử dụng công cụ và công nghệ số để hợp tác, cùng thiết kế, tạo lập các nguồn tin và tri thức. (4) An toàn và an sinh số, giúp bảo vệ các thiết bị, nội dung, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số. Bảo vệ sức khỏe và tinh thần. Nhận thức về tác động của công nghệ số đối với hạnh phúc xã hội và hòa nhập xã hội. Nhận thức về ảnh hưởng của công nghệ số và việc sử dụng chúng đối với môi trường. (5) Sáng tạo nội dung số, giúp tạo lập và biên tập nội dung số. Chuyển đổi, kết hợp thông tin và nội dung số vào vốn tri thức sẵn có. Hiểu rõ về hệ thống giấy phép và bản quyền liên quan đến quá trình sáng tạo nội dung số. (6) Học tập và phát triển kỹ năng số, giúp chúng ta nhận diện được các cơ hội và thách thức trong môi trường học tập trực tuyến. Hiểu được nhu cầu và sở thích cá nhân với tư cách là người học tập trong môi trường số. Thúc đẩy truy cập mở và chia sẻ thông tin. Ý thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời đối với sự phát triển cá nhân. (7) Sử dụng năng lực số cho nghề nghiệp, giúp vận hành các công nghệ số trong các bối cảnh nghề nghiệp đặc thù. Hiểu, phân tích và đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung số đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp. Thực hành đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong môi trường số.
Bài, ảnh: LÂM THY