Ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trong phát triển kinh tế VAC
Kinh tế vườn hay kinh tế VAC (vườn-ao-chuồng) là một thành tố quan trọng của kinh tế hộ gia đình nông thôn và nền nông nghiệp ở nước ta. Hằng năm, kinh tế vườn đóng góp sản lượng lớn rau, quả, thịt, trứng, thủy sản cho thị trường; mặt khác, nhiều sản phẩm OCOP hiện nay cũng xuất phát từ kinh tế VAC. Để nâng cao hiệu quả kinh tế VAC, hiện nay các địa phương, người dân đang ứng dụng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn trong phát triển kinh tế VAC.
Hiện nay, mô hình VAC đã phát triển rộng khắp trên cả nước với các hình thức đã được cải tiến cùng những ứng dụng linh hoạt trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh tại nhiều hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.
Tiến sĩ Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: "Ngoại trừ các đại điền trang quy mô lớn của các công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nông nghiệp, còn lại các loại hình vườn hộ, trang trại, gia trại nhỏ và vừa của các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã đều thuộc phạm vi kinh tế VAC.
Theo thống kê sơ bộ năm 2021, kinh tế VAC chiếm hơn 80% sản lượng rau, quả, hơn 60% sản lượng thịt, trứng và khoảng hơn 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và hơn 70% các sản phẩm OCOP cũng xuất phát từ đây".
Mặt khác, kinh tế vườn cũng tạo điều kiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng đa giá trị; kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái và các dịch vụ đào tạo, giải trí, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia tăng giá trị, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân.
Đồng thời, cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái và góp phần trong xây dựng nông thôn mới và nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.
Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang Đỗ Xuân Bình cho biết, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp khác nhau phù hợp theo từng giai đoạn.
Theo thống kê sơ bộ năm 2021, kinh tế VAC chiếm hơn 80% sản lượng rau, quả, hơn 60% sản lượng thịt, trứng và khoảng hơn 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và hơn 70% các sản phẩm OCOP cũng xuất phát từ đây".
Tiến sĩ Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam
Trên cơ sở đó, tỉnh Bắc Giang đưa ra một trong những mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thông minh; phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác.
Do vậy, đến nay nhiều mô hình kinh tế VAC đang mang lại hiệu quả cho người dân. Trong đó, mô hình phát triển nông nghiệp thông minh gắn với du lịch trải nghiệm tại Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng được thành lập từ năm 2016.
Từ diện tích ban đầu là 13 ha, đến nay hợp tác xã đã mở rộng lên 60ha, trong đó 12ha sản xuất nhà lưới công nghệ cao và bón phân tự động.
Sau gần 7 năm hoạt động, Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng đã xây dựng hơn 35.000 m2 nhà lưới công nghệ cao. Cuối năm 2022, hợp tác xã có doanh thu khoảng 40 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng; tạo việc làm cho 85 lao động với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói chung và trong lĩnh vực trồng trọt nói riêng, thời gian tới cần xem phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, xã Hồng Xuân, huyện Lục Ngạn ngoài việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm vải thiều, hoa quả cho thành viên và các hộ dân trên địa bàn tỉnh, hợp tác còn liên kết bao tiêu sản phẩm vải, cam, bưởi… cho nhân dân các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình... Doanh thu của hợp tác xã đạt hơn 25 tỷ đồng/năm.
Theo Hội Làm vườn tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.076 trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, tạo ra các vùng sản xuất tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Trong đó, có trang trại của gia đình anh Nguyễn Quang Khải ở xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc với 10.000 m2 mặt nước nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi 10 con lợn nái, 100 con lợn thịt. Doanh thu bình quân trong nuôi lợn đạt 800 triệu/năm và nuôi trồng thủy sản đạt 1,4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.
Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói chung và trong lĩnh vực trồng trọt nói riêng, thời gian tới cần xem phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chiến lược, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn gắn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn; chú trọng ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch, thiết kế sản xuất, thiết kế sản phẩm để tăng cường kết nối chuỗi sản xuất tuần hoàn.
Đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ cho kinh tế tuần hoàn như: Các mô hình công nghệ cao, chuyển đổi số, mô hình tổ chức quản lý, liên kết sản xuất, công nghệ nối dài vòng đời sản phẩm, phụ phẩm.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ mở rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn bằng việc thiết lập các chỉ tiêu, tiêu chí phổ biến để giảm thiểu, quản lý chất thải, ứng dụng các mô hình thu gom chất thải bền vững và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp…