Ứng dụng số hóa trong điều trị, chăm sóc bệnh nhânTin khácTri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốcNghĩa tình nơi biên giới

Cung cấp suất ăn bằng phần mềm trên máy tính là câu chuyện được nhắc đến nhiều ở Bệnh viện Quân y (BVQY) 103 (Học viện Quân y) trong thời gian này.Đây là đề tài của Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng (BVQY 103) đang được triển khai rộng rãi, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân, phục vụ người nhà bệnh nhân và đội ngũ thầy thuốc-chiến sĩ, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.Bác sĩ Phạm Đức Minh thăm khám, trao đổi với bệnh nhân về công tác bảo đảm dinh dưỡng.

Theo chia sẻ của Thượng tá, TS, bác sĩ Phạm Đức Minh, Chủ nhiệm Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng, hiện nay, tình trạng suy dinh dưỡng của bệnh nhân khá phổ biến ở các bệnh viện. Đây là nguyên nhân làm tăng biến chứng, tăng thời gian điều trị và tỷ lệ tử vong. Vì vậy, đối với người bệnh, công tác bảo đảm dinh dưỡng luôn được quan tâm đặc biệt. Tại các cơ sở y tế, dinh dưỡng được xác định là một phương thức trong điều trị. Tuy nhiên, việc bảo đảm dinh dưỡng (thông qua cung cấp suất ăn) chủ yếu bằng phương pháp thủ công; yêu cầu bảo đảm dinh dưỡng cho từng đối tượng bệnh nhân còn nhiều hạn chế.

Nhận thấy điều đó, đội ngũ thầy thuốc Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng đã lên ý tưởng về phần mềm báo ăn nhằm bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho người bệnh. Đầu năm 2018, Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng phối hợp với Ban Công nghệ thông tin (BVQY 103) thiết kế mô-đun báo ăn trên phần mềm quản lý của bệnh viện. Khi đưa mô-đun vào hoạt động, các suất ăn được chỉ định trên phần mềm. Từ đây có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng chung cho bệnh nhân và chế độ dinh dưỡng bổ sung khi bệnh nhân cần can thiệp dinh dưỡng tích cực theo chỉ định của bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ điều trị. Đặc biệt, bệnh nhân nhập viện muộn, khi giờ báo ăn chính đã qua sẽ vẫn nhận được suất ăn khi bệnh nhân chỉ định trên hệ thống.

Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, mô-đun này bộc lộ những hạn chế nhất định, như: Mô-đun báo ăn rời với mô-đun chỉ định điều trị nên nhiều khi báo chậm; chưa thể hiện dinh dưỡng như một phần của điều trị toàn diện… Cuối năm 2021, theo yêu cầu của bệnh viện, mô-đun báo ăn được đội ngũ cán bộ, nhân viên Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng nghiên cứu bổ sung, cải tiến. Theo đó, việc chỉ định suất ăn được thực hiện giống như quy trình kê đơn thuốc. Để phần mềm hoạt động tốt hơn, công nghệ AI (nhận diện bằng trí tuệ nhân tạo) cũng được các thầy thuốc nghiên cứu tích hợp, tiến đến tự động nhắc nhở khi bệnh nhân chưa báo chế độ ăn hoặc chế độ ăn lệch với chỉ định của bác sĩ, không tốt cho thể trạng người bệnh…

Khi phần mềm cải tiến được ứng dụng, bác sĩ điều trị sẽ dựa trên tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân để chỉ định chế độ ăn cho người bệnh và hệ thống tự động báo xuống các khoa. Toàn bộ quá trình được thực hiện trên hệ thống đồng bộ, khoa học, thuận tiện theo dõi cho cả thầy thuốc, bệnh nhân và bộ phận phục vụ. Các suất ăn được báo trên phần mềm có thể theo từng bữa ăn riêng biệt và thay đổi thường xuyên theo bệnh lý hay nhu cầu của bệnh nhân. Lệnh báo ăn chỉ cần trước giờ ăn 60 phút nên thuận tiện cho người bệnh cũng như các khoa lâm sàng theo dõi, thống kê. Hầu hết bệnh nhân đều đánh giá, việc đăng ký suất ăn trên máy tính không chỉ bảo đảm việc ăn uống dễ dàng mà còn được các thầy thuốc điều chỉnh dinh dưỡng, giúp sức khỏe nhanh phục hồi, quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Theo đánh giá của đội ngũ y, bác sĩ BVQY 103, phần mềm cung cấp suất ăn hoạt động khoa học, có nhiều thông tin, như: Tên suất ăn, tên bệnh lý, cách chế biến, liều lượng và những lưu ý, giúp đội ngũ điều dưỡng dễ theo dõi và thực hiện. Còn bác sĩ căn cứ trên các thông tin đó thao tác nhanh chóng và chính xác. Trung tá, TS Đỗ Đức Thuần, bác sĩ Khoa Đột quỵ (BVQY 103) cho biết: “Khoa Đột quỵ có nhiều đối tượng bệnh nhân, nhiều mặt bệnh, nhiều chế độ ăn khác nhau. Phần mềm báo ăn này giúp các thầy thuốc chỉ định dinh dưỡng, thuận tiện cung cấp suất ăn cho bệnh nhân, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc, điều trị”.

Theo chia sẻ của Đại úy Trần Tuấn Anh, Hành chính trưởng Khoa Ống tiêu hóa (BVQY 103), nhờ có phần mềm cung cấp suất ăn trên máy tính, hiện nay, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên có thể theo dõi chỉ số xét nghiệm, chỉ số dinh dưỡng của bệnh nhân, từ đó có cơ sở để kê đơn, cấp thuốc và chỉ định dinh dưỡng cho bệnh nhân. Hơn nữa, trên phần mềm có sẵn thực đơn rất đa dạng, thuận tiện cho bệnh nhân và người nhà lựa chọn, bảo đảm dinh dưỡng và theo thói quen, sở thích trong ăn uống.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá, TS, bác sĩ Phạm Đức Minh khẳng định: “Phần mềm cung cấp suất ăn không chỉ hỗ trợ đắc lực điều trị bệnh nhân nội trú mà còn thể hiện quyết tâm, bước tiến mới trong việc số hóa các mặt của công tác tại Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng nói riêng và BVQY 103 nói chung. Trong thời gian tới, Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tham mưu với lãnh đạo BVQY 103 bổ sung, phát triển, đáp ứng tốt nhất yêu cầu công tác chăm sóc, phục vụ, điều trị bệnh nhân trong tình hình mới”.

Theo Quandoinhandan

MAI TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/an-ninh-quoc-phong/513292-ung-dung-so-hoa-trong-dieu-tri-cham-soc-benh-nhan.html