Ứng dụng Telegram và các lệnh cấm trên toàn cầu

Mặc dù được đánh giá cao về tính năng nhưng ứng dụng Telegram lại là 'mảnh đất màu mỡ' để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.

Telegram là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến hiện nay trên thế giới với hơn 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Tại Việt Nam, ứng dụng này được sử dụng bởi khoảng 31% người dùng Internet từ 16-64 tuổi nhờ khả năng tạo nhóm nhiều thành viên, chia sẻ tệp tin dung lượng lớn… Tuy nhiên, nền tảng này đang được tội phạm mạng lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng ứng dụng này bị cáo buộc là nơi trú ẩn cho các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm lừa đảo trực tuyến, phát tán nội dung vi phạm bản quyền…

Từ năm 2023 đến nay, cơ quan công an đã nhiều lần cảnh báo tình trạng lừa đảo trên Telegram. Đơn cử như việc công an tỉnh Nam Định đã khởi tố hai đối tượng lập hơn 50 nhóm chat trên Telegram, với khoảng 25.000 thành viên để môi giới mại dâm, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra còn các hình thức lừa đảo khác như tuyển dụng việc nhẹ lương cao, làm nhiệm vụ nhận tiền, kêu gọi đầu tư…

 Ứng dụng Telegram được xem là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm mạng. Ảnh: Canva

Ứng dụng Telegram được xem là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm mạng. Ảnh: Canva

Vừa qua, Cục An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm Sử dụng Công nghệ cao (A05), phối hợp với Cục Viễn thông đã gửi công văn yêu cầu các nhà mạng thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn Telegram tại Việt Nam.

Theo Cục A05, hiện có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam. Nhiều hội, nhóm với hàng chục ngàn đối tượng tham gia, do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, tán phát tài liệu chống phá, xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, ma túy, có trường hợp nghi vấn liên quan đến khủng bố...

Theo quy định, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới trên Internet phải thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, Telegram đã không chấp hành quy định này.

Do đó, Cục Viễn thông đã đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông triển khai các giải pháp, biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan công an.

Các doanh nghiệp viễn thông được yêu cầu báo cáo giải pháp và kết quả thực hiện về Cục Viễn thông trước ngày 2-6.

Các lệnh cấm Telegram trên thế giới

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đặt câu hỏi về tính an toàn của Telegram. Trên toàn cầu, ứng dụng này đã đối mặt với nhiều lệnh cấm hoặc hạn chế do những lo ngại tương tự.

Tại Tây Ban Nha, vào tháng 3-2024, một lệnh cấm tạm thời được ban hành do các cáo buộc về vi phạm bản quyền, nhưng nhanh chóng bị thu hồi sau đó.

Các quốc gia như Đức, Na Uy, Indonesia, và Trung Quốc cũng áp đặt các biện pháp hạn chế hoặc giám sát chặt chẽ Telegram vì các vấn đề liên quan đến nội dung cực đoan, thông tin sai lệch, hoặc cờ bạc trực tuyến.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ung-dung-telegram-va-cac-lenh-cam-tren-toan-cau-post851335.html