Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Càng ngày, biến đổi khí hậu (BĐKH) càng gây nhiều diễn biến bất thường về thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, gây tổn hại cho trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế nông dân. Nhằm thích ứng với BĐKH, các ngành, các địa phương cùng nông dân đã và đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi mùa vụ... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Càng ngày, biến đổi khí hậu (BĐKH) càng gây nhiều diễn biến bất thường về thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, gây tổn hại cho trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế nông dân. Nhằm thích ứng với BĐKH, các ngành, các địa phương cùng nông dân đã và đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lớn tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường).

Cánh đồng 8ha trồng măng tây xanh, dưa lê, đinh lăng, các loại cây ăn quả của anh Trần Hữu Chung, xã Giao Lạc (Giao Thủy) vốn bị nhiễm phèn mặn, đất bạc màu nên trồng lúa kém hiệu quả. Anh Chung đã thuê lại, đầu tư cải tạo chuyển đổi sản xuất. Trong mô hình chuyển đổi này, măng tây xanh vốn mệnh danh là “rau hoàng đế”, “rau vua” có hàm lượng dinh dưỡng cao được anh chọn là đối tượng trồng chủ lực. Trang trại được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, tối ưu chi phí đầu tư, tất cả các loại cây trồng được sản xuất theo phương pháp hữu cơ theo quy trình “6 không”: Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gien, không sử dụng chất bảo quản sau thu hoạch. Anh cho biết, phân bón được sử dụng cho cây trồng trong trang trại là phân bón hữu cơ vi sinh tự sản xuất từ cá tạp, các loại phụ phẩm nông nghiệp và nhiều loại vi sinh vật. “Thuốc” phòng trừ sâu bệnh hại cũng được anh tự chế từ những loại cây có nhiều tinh dầu như tỏi, sả, bạc hà, chanh, ớt và các nguyên liệu tự nhiên như mật ong, tro bếp, thậm chí cả những con sâu được bắt thủ công từ vườn rau. Từ cánh đồng gần như không cho thu nhập trước đây, anh Chung đã biến thành “cánh đồng vàng” với thu nhập đạt trên dưới 3 tỷ đồng mỗi năm. Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Xuân do anh thành lập đã được trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với BĐKH” năm 2017 - Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.

Những năm qua, ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường như: nắng nóng gay gắt kéo dài, các trận mưa lớn khi chuyển mùa khiến người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do tôm bị mẫn cảm với thời tiết dễ nhiễm bệnh và chết. Trước tình trạng trên, với sự hỗ trợ của các cơ quan khoa học kỹ thuật và sự năng động của người sản xuất nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm thích ứng với BĐKH. Điển hình là ông Nguyễn Lương Bằng, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc. Ông Bằng cho biết: Nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc, ở giai đoạn 1 nuôi trong bể ương, giai đoạn 2 nuôi trong ao nhỏ giúp người nuôi có thể tiết kiệm chi phí đầu tư áp dụng công nghệ cao như nuôi trong nhà vòm, nhà lưới, nhà kính… so với nuôi ở diện tích lớn. Ngoài ra, nuôi tôm theo công nghệ Biofloc giúp tôm tránh được các bệnh hay mắc phải trong giai đoạn 25-40 ngày tuổi như: bệnh gan tụy, hội chứng tôm chết sớm… Ở giai đoạn 3, khi đạt kích cỡ lớn, sức chống chịu tốt hơn, tôm ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết bất thuận sẽ được đưa ra ao lớn ngoài trời. Với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo công nghệ Biofloc, ông Bằng có thể rút ngắn thời gian nuôi, tăng mật độ, năng suất, sản lượng; giảm thiểu rủi ro, chi phí sản xuất nên tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. Mỗi năm ông Bằng nuôi tôm 3 vụ, lãi trên 1,5 tỷ đồng.

Hiện nay, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH là một trong những giải pháp quan trọng để gia tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích sản xuất; hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành và các địa phương tập trung hỗ trợ nông dân triển khai áp dụng khoa học, công nghệ vào trong sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhằm thích ứng với BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp. Đã có hàng chục giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất, chất lượng cao được nghiên cứu, tuyển chọn, làm chủ công nghệ và đưa vào sản xuất như: giống lúa Dự hương, M1-NĐ, TBR225, Thiên ưu 111, Kim cương 111; giống cây rau màu là lạc Trạm dầu 207, khoai tây Đức, bí xanh Thành Nông 1; gà Lương Phượng, Kabir, Sacso, Isa; vịt siêu trứng, vịt Super M; giống lợn ngoại, lợn lai; hải sản có ngao, cá bống bớp, cá song, cá vược, chim biển vây vàng… Việc ứng dụng khoa học, tiến bộ kỹ thuật trong thay đổi các quy trình sản xuất nhằm thích ứng với BĐKH cũng đã được thực hiện tích cực. Trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ trong nhà màng, nhà lưới theo phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước theo công nghệ của Israel ngày càng được mở rộng. Trong chăn nuôi, nhiều trang trại đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh); sử dụng hệ thống máng ăn tự động cho lợn; sử dụng thiết bị núm uống tự động cho lợn, gà uống theo nhu cầu. Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ nuôi đã sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi, vừa kích thích tăng trưởng nguồn thức ăn tự nhiên (tảo, phù du, sinh vật nhỏ) cho đối tượng nuôi; sử dụng hệ thống máy quạt nước, máy sủi trong các ao nuôi làm tăng hàm lượng ô-xy, giúp cho đối tượng nuôi ổn định thể chất, chống chịu với thời tiết bất thuận như nắng nóng nhiệt độ cao, kéo dài, hoặc mưa nhiều kéo dài và khi giao mùa.

Có thể nói, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là giải pháp tất yếu để giúp sản xuất nông nghiệp thích ứng tốt với BĐKH, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên do tiềm lực kinh tế, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn ít, trình độ của người dân chưa đều nên việc phổ biến, áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng còn gặp khó khăn. Đây là những tình trạng cần sớm có giải pháp khắc phục để phát triển nền nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH trong thời gian tới. Hiện tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đối với những sản phẩm đặc thù để phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có giá trị và tính cạnh tranh cao. Cùng với đó, tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện để người dân liên kết với doanh nghiệp tham gia đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc; phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch... giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất khi BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5090/202005/ung-dung-tien-bo-ky-thuat-trong-san-xuat-nong-nghiep-thich-ung-bien-doi-khi-hau-2537698/