Ủng hộ các đề xuất giải pháp để Ninh Thuận phục hồi kinh tế sau đại dịch
Chiều 6/11, Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Thuận; nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh Covid-19, xem đây là giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.
Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, theo chủ trương của Trung ương, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 năm 2016 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận một quyết sách rất quan trọng, đúng đắn, kịp thời.
Để thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 và chủ trương chung, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế- xã hội, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân của giai đoạn 5 năm 2018-2023. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, rất thiết thực, có nội hàm và chính sách rất cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ phấn khởi nhận thấy, nhờ nỗ lực của tỉnh, sự ủng hộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp là Nghị quyết số 31/2016/QH14 và Nghị quyết số 115/NQ-CP, Ninh Thuận đã có khởi sắc, phát triển tương đối toàn diện về kinh tế - xã hội; thu nhập và đời sống nhân dân, thu ngân sách đều tăng.
Cuộc làm việc được thực hiện để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nắm được thực trạng tình hình thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội cũng như Nghị quyết số 115/NQ-CP, bao gồm những kết quả, tác động tích cực từ chủ trương của Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Bên cạnh đó đánh giá làm rõ những vấn đề còn vướng mắc để tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Ninh Thuận là tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Tuy nhiên, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh đã có quyết tâm, nỗ lực rất lớn.
Điều đó cũng nhờ sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, bước đầu đã quan tâm, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc của tỉnh. Đảng, Nhà nước đã có chủ trương dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; đây là quyết định đã được tính toán rất kỹ lưỡng và với quyết tâm rất cao.
Ngay sau đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14, trong đó có giao Chính phủ một số nội dung quan trọng, như ban hành chính sách, thể chế hỗ trợ Ninh Thuận để thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam khẳng định, Nghị quyết số 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Ngay sau khi có 2 Nghị quyết này, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Chương trình hành động, Nghị quyết và kế hoạch triển khai thực hiện với 4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 30 nhiệm vụ cụ thể.
Nhờ đó, hai năm (2019- 2020), Ninh Thuận thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước; thu ngân sách đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, về đích trước ba năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Trong ba năm liên tục gần đây, Ninh Thuận đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất cả nước; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 4%; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được triển khai đạt kết quả tích cực, với hơn 90% dân số đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, cơ bản kiểm soát được dịch trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Chia sẻ những khó khăn, tồn tại của tỉnh, như quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao hơn bình quân chung cả nước, chăn nuôi gia súc giảm do diện tích đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp, thời tiết khô hạn, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn... Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, thời gian tới, Ninh Thuận sẽ tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được trong thời gian qua.
Tại cuộc làm việc chiều nay, Chủ tịch Quốc hội nêu hai vấn đề trọng tâm: Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội, giao Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp địa phương thực hiện việc này, đánh giá căn cơ hơn những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn và những vấn đề đang đặt ra. Nếu cần thiết có thể nghiên cứu để có cơ chế, chính sách đặc thù cho Ninh Thuận.
Đối với cơ chế giá điện mặt trời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, nhất là Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện mặt trời. Đây là vấn đề đang vướng nhưng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành. Chủ trương này đã bàn từ năm 2017, 2018 nhưng hiện vẫn chưa ban hành được cơ chế cụ thể.
Đối với nhóm chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét cho phép Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% đối với các dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA quan trọng, cấp bách theo đúng tinh thần Nghị quyết 115, trước mắt, có thể áp dụng đến năm 2023 khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh nghiên cứu kỹ báo cáo của các bộ, các cơ quan; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; tiếp tục cơ cấu lại nền nông nghiệp; phát huy hiệu quả công trình thủy lợi; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; hỗ trợ ngư dân; tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.
Theo đó, tỉnh cần tiếp tục duy trì các động lực tăng trưởng, khắc phục khâu yếu như giải ngân vốn đầu tư công; có chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa; tiết kiệm các khoản chi, nhất là các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết.
Nội dung quan trọng khác là tiếp tục quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chú trọng phát triển an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu- nghèo; quan tâm đến liên kết vùng.
Cho rằng các vấn đề kiến nghị, đề xuất khác của tỉnh đều là những vấn đề lớn nêu trong nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với đề xuất gia hạn thời gian áp dụng bảng giá điện tái tạo, nhất là ở các dự án đã hoàn thành nhưng gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, coi đây là một trong những giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.
Ghi nhận và đồng tình với các kiến nghị của Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các nội dung tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội trong thời gian tới.