Ủng hộ cấm dịch vụ mà 'công cụ lao động là dao kiếm'
Nhiều đại biểu Quốc hội đã ủng hộ quan điểm cấm dịch vụ đòi nợ thuê vì loại hình dịch vụ này đóng góp cho xã hội chưa thấy đâu nhưng tiêu cực thì rất nhiều.
Góp ý vào dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) tại phiên họp chiều 26/5, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) ủng hộ quan điểm là cấm dịch vụ đòi nợ thuê.
Ông chỉ rõ, chúng ta đã có một thời gian để quan sát, không có một doanh nghiệp nào mà người lao động chủ yếu là người xăm trổ, ba trợn, ba trạo. Công cụ lao động để đạt mục đích ở đây là dao kiếm và phương thức, thủ đoạn để đạt mục đích là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực.
“Tôi cho rằng hoạt động đấy trong thực tiễn chúng ta tổng kết mà bây giờ để như thế thì sẽ dẫn tới sự an nguy cho xã hội, thể hiện sự bất lực của nhà nước trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật và cơ bản nữa nó gây ra hoang mang trong xã hội và một phần nào đó sẽ dẫn tới mất niềm tin của Nhân dân đối với lực lượng của chúng ta khi thực hiện việc quản lý xã hội”, Đại biểu Bộ lưu ý.
Tương tự Đại biểu Bộ, khá nhiều đại biểu Quốc hội cũng tán thành việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung khẳng định lý do bà tiếp tục đề nghị cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì thực tiễn trong thời gian qua, những đóng góp cho xã hội, cho Nhà nước của loại hình kinh doanh thu hồi nợ chưa được đánh giá để thể hiện rõ kết quả tích cực. Nhưng ngược lại, việc kinh doanh ngành, nghề này nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại, tiêu cực thì thể hiện rõ.
Cụ thể thay vì sử dụng công cụ pháp lý, biện pháp phù hợp với quy định pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ thì các doanh nghiệp này đã lợi dụng hình thức kinh doanh cho vay tài chính để song hành biến tướng thành các băng nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, gây áp lực bằng các biện pháp trái pháp luật như xã hội đen khủng bố tinh thần, đe dọa... đối với con nợ để cưỡng đoạt tài sản, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn đến hệ quả xấu.
Đã có rất nhiều nhiều trường hợp như trên gây dư luận xã hội làm cho nhân dân bất an, bất bình. Nhà nước phải can thiệp, trấn áp và bỏ ra nhiều nguồn lực để giải quyết và xử lý, khắc phục hậu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thì rất băn khoăn, thậm chí rất quan ngại về loại hình đòi nợ thuê này, bởi vì thực tế thời gian qua đa số các loại hình đòi nợ thuê đều thiếu lành mạnh và phần lớn là các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ.
Bà dẫn chứng, hiện cả nước có 115 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự với một 1.076 người làm nghề này. Riêng năm 2019 đã xử lý vi phạm 48 doanh nghiệp, thu hồi 8 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và khởi tố 573 vụ với 1.136 bị can, xử phạt 719 vụ với 1.040 đối tượng.
Đại biểu Xuân cũng được biết cũng với tính chất phức tạp, biến tướng hết sức nguy hiểm của loại hình đòi nợ này, ở địa bàn TP HCM với hơn 1 triệu dân, UBND TP năm 2017 và 2019 đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Tài chính yêu cầu đưa các loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.
Hơn nữa, về bài toán kinh tế về đóng góp của loại ngành, nghề này, theo Đại biểu Xuân, không có đóng góp bao nhiêu vào ngân sách cũng như vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định rất đầy đủ, rõ ràng, cụ thể để các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền đòi nợ của mình và đây cũng là các thiết chế xử lý các tranh chấp.
Chia sẻ thực tế là tỷ lệ doanh nghiệp khởi kiện ra tòa và thu nợ qua các cơ quan thi hành án thì hiệu quả chưa cao và chưa được như mong muốn nhưng bà Xuân nêu vấn đề: “Tại sao chúng ta lại không hướng đến các thiết chế lành mạnh, văn minh theo đúng pháp luật của loại hình hoạt động đòi nợ này?” và kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ thời gian tới cần sớm củng cố cải cách các thủ tục hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trên.