Ứng phó bão: Chủ động mọi phương án, không để bất ngờ
Thái Nguyên chủ động, quyết liệt, không để bị động, bất ngờ - đó là tinh thần xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, triển khai ứng phó với cơn bão số 3 (WIPHA) đang tiến gần đất liền. Với dự báo mưa lớn diện rộng, nguy cơ cao gây lũ quét, ngập úng và sạt lở đất, các cấp, ngành và lực lượng chức năng trong tỉnh đang vào cuộc khẩn trương với phương án chi tiết theo từng lĩnh vực nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Cán bộ Hạt Quản lý đê Hà Châu kiểm tra vật tư trước cơn bão số 3.
Kích hoạt toàn bộ hệ thống ứng phó
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 21-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 120km, cách Hải Phòng 260km về phía Đông; cách Hưng Yên khoảng 280km, cách Ninh Bình khoảng 310km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10-15km/h. Từ ngày 21 đến 23-7, Thái Nguyên dự kiến có mưa vừa đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 19/7/2025 và nhiều văn bản chỉ đạo khẩn, yêu cầu toàn hệ thống chính trị thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ". Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các xã, phường đều đã kích hoạt phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai.

Đá hộc dùng để vá đê trong tình huống khẩn cấp được tập kết đầy đủ.
UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán đến nơi an toàn. Các xã, phường thành lập ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, triển khai phương án ứng phó theo tình huống cụ thể.
Hệ thống thông tin dự báo được kết nối liên tục từ Trung ương đến tỉnh, xã. Các đài truyền thanh cơ sở phát liên tục bản tin thời tiết, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó lốc xoáy, sạt lở, mưa lớn.
Các trạm y tế cấp xã và trung tâm y tế được chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư sơ cứu, sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu người bị thương nếu có thiên tai xảy ra.
Người dân trong tỉnh đã nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động gia cố nhà cửa, kiểm tra mái tôn, chằng chống chuồng trại, di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Tại vùng sâu, vùng xa, chính quyền hỗ trợ người dân đưa người già, trẻ em đến khu vực an toàn trước khi mưa lớn xảy ra.
Chị Hoàng Hương Liên, tổ dân phố Hương Lâm, phường Vạn Xuân, cho biết: Bà con ai cũng ý thức phòng chống bão, không chờ nước đến mới lo.
Dồn sức bảo vệ vụ mùa

Người dân tổ dân phố Hương Lâm, phường Vạn Xuân, tháo bớt nước chân ruộng đề phòng ngập úng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành trong tỉnh tập trung thực hiện tại thời điểm này là bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Vụ mùa năm nay, phần lớn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã được cấy từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7; đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, rất nhạy cảm với ngập úng. Tại các vùng trũng như xã Điềm Thụy, phường Vạn Xuân..., nông dân đang khẩn trương tát nước, dọn mương, thông rãnh để bảo vệ lúa.
Ông Nguyễn Viết Đài, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy, chia sẻ: Chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân theo dõi sát dự báo thời tiết, chuẩn bị phương tiện tiêu úng, bảo vệ sản xuất. Chính quyền địa phương cũng tổ chức trực 24/24 giờ để xử lý sự cố khi cần.
Ngành Nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các hợp tác xã, đơn vị thủy nông kiểm tra hệ thống kênh mương, cống tiêu, chuẩn bị sẵn sàng vận hành các trạm bơm chống úng khi mưa lớn kéo dài.
Giám sát chặt, ứng trực liên tục các hồ đập

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên kiểm tra xả tràn tại hồ Núi Cốc.
Xác định bảo vệ đê điều, hồ đập là nhiệm vụ trọng tâm, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên - đơn vị đang quản lý 104 hồ chứa nước, đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi mực nước, chủ động xả tràn, điều tiết tại các hồ có mực nước cao.
Tại hồ Núi Cốc, hồ chứa lớn nhất tỉnh với dung tích 176,6 triệu m³ - hai cửa xả đã được mở từ ngày 21-7 với lưu lượng 250m³/s. Đồng thời, người dân ở hạ lưu sông Công được thông báo để chủ động phòng tránh. Tại các điểm nguy hiểm, lực lượng chức năng căng dây, cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng canh gác.

Xả tràn hồ Núi Cốc.
Tại khu vực Bắc Kạn (cũ), Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn, đơn vị đang quản lý hơn 30 hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn, đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó nhằm bảo đảm an toàn công trình. Các đơn vị trực thuộc được yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tổ chức trực ban 24/24 giờ, kiểm tra, gia cố công trình, khơi thông dòng chảy, chủ động phương án điều tiết nước hợp lý, tuyệt đối không xả lũ bất ngờ gây mất an toàn vùng hạ du.
Còn tại tuyến đê Hà Châu (có chiều dài 16,4km), ông Ma Văn Trường, quyền Hạt trưởng Hạt Quản lý đê, cho biết: Chúng tôi kiểm tra kỹ các điểm xung yếu, bố trí tổ trực 24/24h, dự trữ đủ bao tải, rọ đá, vải địa kỹ thuật, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp.
Huy động tối đa lực lượng xung kích

Công ty Điện lực Thái Nguyên họp thống nhất phương án ứng phó bão.
Ứng phó bão WIPHA, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã họp triển khai phương án, kích hoạt toàn bộ các tiểu ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại. Các đội xung kích, lực lượng ứng trực được thành lập và phân công nhiệm vụ cụ thể.
Tại các trạm biến áp 110kV Thịnh Đán, Yên Bình - nơi có nguy cơ ngập úng - Công ty đã bố trí máy phát điện dự phòng, máy bơm xăng, Diesel, tổ chức ứng trực 100% quân số.
Ngoài ra, hệ thống viễn thông công nghệ thông tin được kiểm tra, đảm bảo điều hành, thao tác, xử lý sự cố từ xa. Công ty Điện lực Thái Nguyên chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, phương án di dời tài sản nếu có nguy cơ ngập úng. Mọi kênh liên lạc đều thông suốt để huy động nhân lực khi cần.
Trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan, công tác phòng, chống thiên tai tại Thái Nguyên đã có những thay đổi căn bản về nhận thức và hành động. Từ chủ động phòng ngừa, triển khai đồng bộ đến sẵn sàng cơ động, tất cả đều nhằm mục tiêu bảo vệ an toàn cho người dân và ổn định sản xuất.
Việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị, phối hợp liên ngành và sự đồng thuận của người dân đã, đang và sẽ là yếu tố then chốt giúp Thái Nguyên vững vàng ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại trong mọi tình huống.