Ứng phó 'cơn sốt' giá xăng, dầu

Suốt hai tháng qua, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và liên tục phá vỡ các đỉnh lịch sử đã đẩy giá xăng dầu bán lẻ trong nước lên cao, gây 'sốt' thị trường. Hiện, mỗi lít xăng đã lên gần 30.000 đồng/lít, chỉ sau hai năm ở mức đáy chỉ hơn 11.000 đồng/lít.Chính phủ nhiều nước cũng đã áp dụng các giải pháp chưa từng có tiền lệ nhằm giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau hơn hai năm kiệt quệ do tác động của dịch Covid-19.

Giá xăng, dầu tăng cao ảnh hưởng khá lớn đến đời sống người dân. Ảnh: MINH LÊ

Giá xăng, dầu tăng cao ảnh hưởng khá lớn đến đời sống người dân. Ảnh: MINH LÊ

Giá xăng Việt Nam đang ở đâu so thế giới?

Hiện, giá xăng RON95 là 29.820 đồng/lít, tương đương 1,297 USD/lít. Theo số liệu của Gas Petrol Price, mức bình quân của các nước là 1,29 USD/lít. Như vậy, giá xăng hiện tại của Việt Nam nhỉnh hơn một chút so mức này. Còn so các nước trong khu vực, giá xăng ở Việt Nam đều cao hơn các nước như Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippines… với mức giá cho mỗi lít xăng lần lượt là 26.600 đồng (tương đương 1,157 USD), 11.300 đồng (tức 0,491 USD), 20.560 đồng (tức 0,895 USD), 28.978 đồng (tức 1,261 USD).

Với mốc 1,279 USD, mỗi lít xăng chiếm khoảng 12,7% thu nhập bình quân một ngày người Việt. Trong khi, ở Campuchia chiếm 24,4%; còn Indonesia chỉ chiếm 7,5%; Philippines là 13,4%; Singapore gần 1,3%; Thailand 7,5%;... Điều này cho thấy, có mức thu nhập bình quân đầu người thấp, nhưng mỗi người dân Việt Nam lại đang phải bỏ lượng tiền nhiều hơn một số nước trong khu vực, hay các nước có thu nhập cao, để mua mỗi lít xăng.

Xăng dầu có chịu thuế chồng thuế?

Ở Việt Nam, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng hơn 40% là thuế, phí và giá cơ sở = Giá nhập khẩu x % sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu + Giá xăng dầu sản xuất trong nước x % sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước. Trong đó, giá nhập khẩu = Giá CIF (Giá xăng dầu thế giới + Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam) + Chi phí kinh doanh định mức + Mức trích lập Quỹ bình ổn giá + Lợi nhuận định mức + Chi phí thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), thuế giá trị gia tăng - VAT) + Phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành nếu có.

Riêng với chi phí thuế, giá tính thuế không tính rời rạc từng loại dựa trên giá CIF mà có sự liên quan, gối lên nhau. Cụ thể, giá tính thuế nhập khẩu là giá CIF x thuế suất 12%, nhưng sau đó giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là (giá CIF + thuế nhập khẩu) x thuế suất 10%. Tương tự, giá tính thuế VAT là giá đã bao gồm giá CIF, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt sau đó nhân với thuế suất 10%.

Một chuyên gia cho rằng, chính vì cách tính này mà từ cách đây 10 năm, khi giá xăng dầu tăng cao, cũng đã gây ra tranh cãi khá gay gắt. Khi đó, có khá nhiều ý kiến cho rằng cách tính như trên dẫn tới xăng dầu phải “gánh” thuế chồng thuế hoặc cho rằng xăng dầu bị đánh thuế hai, thậm chí là ba lần.

Nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới leo cao vừa qua, thì với cách tính thuế theo tỷ lệ tương đối (%) vừa với cách tính được cho là “thuế chồng thuế” nêu trên khiến giá xăng dầu chịu áp lực từ ba phía.

Hiện nay, giá xăng dầu lại tăng “nóng”, trong phiên điều chỉnh ngày 11/3, giá bán lẻ xăng lên gần 30.000 đồng/lít, một lần nữa làm dấy lên ý kiến cho rằng, nên đổi lại cách tính ba loại thuế trên theo mức tuyệt đối như đang áp dụng với thuế BVMT đang áp dụng.

Các ý kiến cho rằng, nếu tính theo cách này sẽ làm giảm áp lực tăng giá, đồng thời hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Các nước ứng phó ra sao?

Để kìm đà tăng, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2.000 đồng thuế BVMT trên mỗi lít xăng, nhưng sớm nhất đến ngày 1/4, mức giảm này mới có hiệu lực. Mặc nhiên, những sắc thuế, phí khác không được nhắc đến trong phương án điều tiết này. Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh phản đối giảm thuế BVMT, bởi ông lý giải so với mức giá gần 30.000 đồng/lít xăng, thậm chí giá xăng dầu còn có thể tăng thêm thì mức giảm 2.000 đồng/lít thuế BVMT không “thấm” vào đâu so với đà tăng.

“Về nguyên tắc, tôi cũng đã có ý kiến là không nên giảm thuế. Nếu nói Nhà nước phải ưu tiên, ưu đãi thì lại quay về thời bao cấp. Nhưng bây giờ kinh tế thị trường thì phải chấp nhận giá lên xuống theo thị trường. Chứ sao khi giá lên thì đòi làm cách nào cho giá xuống. Vậy sao lúc giá xuống không kiến nghị nâng thuế lên?”, ông Thịnh nói và đồng tình quan điểm, bản thân thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT là hai sắc thuế nhằm điều tiết tiêu dùng và điều tiết thu nhập của xã hội nên không bao giờ đánh theo mức cứng mà đánh theo tỷ lệ phần trăm.

Do đó, đối với giải pháp thị trường hiện nay, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, không phải ở thuế mà là ở cung - cầu, tăng cung trong nước. Việc mở rộng công suất hoặc đầu tư thêm nhà máy, nhất là nhà máy chế biến sản xuất xăng sinh học như chiến lược trước đây đã đề ra là cần thiết và là bài toán lâu dài.

“Tuy nhiên, khi đầu tư thêm cũng là một bài toán cần cân nhắc thật kỹ về hiệu quả bởi chi phí đầu tư lớn. Nếu trường hợp giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm tăng cao theo thì không sao. Nhưng nếu giá dầu thế giới giảm dẫn đến đẩy chi phí sản xuất xăng sinh học làm giá xăng này cao hơn giá xăng khoáng thì lại không hiệu quả. Nhưng xét đến cùng thì phải đa dạng hóa nguồn cung. Về vấn đề này tôi luôn ủng hộ”, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Dẫn chứng kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới, một chuyên gia xăng dầu thuộc Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, hồi cuối tháng 1, thời điểm giá xăng nước này lần đầu tiên lập đỉnh mới sau hơn 13 năm, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chương trình trợ giá cho 29 nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu trong nước để kiềm chế đà tăng giá của mặt hàng chiến lược này sau khi giá bán lẻ xăng ở nước này chạm ngưỡng 170 yen (khoảng hơn 33.000 đồng/lít). Đây là lần đầu tiên Nhật Bản sử dụng biện pháp này. Thời gian trợ cấp sẽ kéo dài từ ngày 27/1 đến cuối tháng 3/2022, với mức trợ giá là 3,4 yen/lít. Sau đó, Nhật Bản tiếp tục nâng mức trợ cấp lên 3,7 yen/lít, sau đó giảm về 5 yen/lít. Tuy nhiên, dưới áp lực tăng giá từ cuối tháng 2 đến nay, nước này kế hoạch nâng lên 25 yen/lít nhằm duy trì giá bán lẻ xăng dầu ở mức khoảng 172 yen/lít. Mức trợ giá mới dự kiến được áp dụng từ ngày 10/3.

Tại Mỹ, nước chịu tác động giá xăng dầu lớn từ diễn biến xung đột Nga - Ukraine khi áp dụng các biện pháp trừng phạt dầu với Nga. Đầu tháng 3, Bộ Năng lượng cam kết giải phóng 30 triệu thùng dầu thô từ Cục Dự trữ dầu mỏ chiến lược Mỹ (SPR) để đảm bảo nguồn cung. Việc phát hành SPR này là một phần của nỗ lực phối hợp giữa 31 thành viên của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Các nước thành viên IEA khác đã đồng ý giải phóng thêm 30 triệu thùng dầu từ kho dự trữ khẩn cấp của họ, nâng tổng lượng giải phóng lên 60 triệu thùng.

Tại Trung Quốc cũng đã có kế hoạch mở kho dự trữ dầu mỏ quốc gia bắt đầu từ tháng 2, trong khuôn khổ kế hoạch phối hợp với Mỹ và nhiều quốc gia tiêu thụ “vàng đen” lớn khác nhằm nỗ lực giảm giá dầu mỏ toàn cầu. Còn Hàn Quốc, ngoài việc sẽ dự kiến mở kho dự trữ thì còn áp dụng việc giảm thuế xăng dầu.

Khó đoán định giá

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV): Trong thời gian tới, giá hàng hóa trở nên khó đoán định hơn. Bởi một mặt, nguồn cung các loại hàng hóa đều bị sụt giảm sẽ khiến giá hàng hóa vẫn neo ở các mức cao. Trong khi các quốc gia sẽ có xu hướng tích trữ tồn kho hàng hóa, đặc biệt là năng lượng và nông sản, dẫn đến nhu cầu tăng đột biến. Nhưng ngược lại, Mỹ sẽ buộc phải đưa ra các biện pháp kiềm chế đà tăng của giá hàng hóa, trước sức ép lạm phát đang lớn hơn bao giờ hết khi CPI tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất từ năm 1982 tới nay.

Các biện pháp Mỹ có thể sử dụng để kiềm chế đà tăng của giá hàng hóa là giải phóng tồn kho dự trữ dầu, tác động để OPEC tăng sản lượng khai thác và kiềm chế giá dầu, tăng sản lượng ngũ cốc để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Nga. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mang tính lý thuyết, chưa thể tạo ra một cú sập đối với giá hàng hóa nên giá sẽ vẫn neo ở các vùng giá cao trong ít nhất 1-2 tháng tới.

Lo ngại về nguồn cung

Một doanh nghiệp nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp đầu mối được giao nhiệm vụ tăng sản lượng nhập khẩu để bù đắp phần thiếu hụt từ sản xuất trong nước nhận định, với tình hình hiện nay thì “chưa nói trước được điều gì” khi thị trường có rất nhiều yếu tố đáng quan ngại.

Theo vị này, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể đánh giá được khoảng dừng của giá xăng, dầu thế giới. Bởi vậy, các doanh nghiệp rất lo ngại về nguồn cung khi mỗi ngày càng khan hiếm.

HỒNG HẠNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-kinhte/ung-pho-con-sot-gia-xang-dau-689266/