Ứng phó linh hoạt trước chính sách thuế quan của Mỹ

Việc Mỹ tăng áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia có tác động rất lớn tới thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam. Giới chuyên gia dự báo, không loại trừ khả năng sắp tới hàng Việt cũng sẽ bị Mỹ áp thuế.

Vì vậy, cơ quan quản lý và cộng đồng DN Việt Nam cần sớm đưa ra kế hoạch ứng phó kịp thời, linh hoạt nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực.

Cẩn trọng các khả năng nếu hàng Việt bị áp thuế

Mới đây (ngày 4/2), chính quyền Tổng thống Trump tạm dừng áp thuế với hàng hóa từ Canada, Mexico nhưng hiện vẫn tiến hành với Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Mỹ sẽ có động thái tương tự đối với các nước có thặng dư thương mại lớn.

Nhận định về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng: việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp thuế với hàng hóa nhập khẩu đã được dự báo từ trước. Đây cũng được coi là khởi đầu của xung đột thương mại, bởi ngoài 3 nước nói trên bị ảnh hưởng trực tiếp, thương mại quốc tế cũng chịu tác động của sự kiện này.

Cả Trung Quốc, Canada và Mexico đều là các nước đang xuất khẩu sang Mỹ rất nhiều mặt hàng, từ thiết bị điện, máy móc, đồ dùng trong nhà, đến hàng dệt may, da giày, nông sản... Do đó, các chuỗi cung ứng liên quan đến những sản phẩm trên ít nhiều đều sẽ bị ảnh hưởng.

Việt Nam đang có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, lên đến hơn 113 tỷ USD. Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Chung nhận định, nếu Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động. Trước hết, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó nếu thuế suất tăng cao, các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử sẽ giảm lợi thế cạnh tranh. Điều này có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu và cũng có thể kéo theo sự suy giảm tăng trưởng GDP, vì xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

“Ví dụ, hằng năm lĩnh vực dệt may và da giày xuất khẩu sang Mỹ khoảng 35 tỷ USD. Nếu thuế nhập khẩu tăng 10 - 25%, hàng Việt sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm từ Bangladesh và Ấn Độ. Ngoài ra, các DN FDI, đặc biệt những tập đoàn lớn như Samsung, Nike, Foxconn, có thể phải tái phân bổ sản xuất sang các quốc gia khác để tránh thuế, gây ảnh hưởng đến việc làm trong nước” - ông Phan Đức Chung dẫn chứng.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Mỹ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn theo TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam là nơi sản xuất lớn của các công ty Mỹ như: Apple, Google, Nike và Intel… đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính sách thương mại của chính quyền Trump nhiệm kỳ 2 lại nhấn mạnh vai trò của thuế quan trong việc giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất nội địa Mỹ.

Như vậy, nếu chính quyền Trump coi Việt Nam là nơi các DN Trung Quốc tăng cường sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ, nhằm tránh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam sẽ là mục tiêu ngay sau Trung Quốc trong chiến lược thương mại nhiệm kỳ Trump 2.0, đẩy thuế nhập khẩu các mặt hàng “made in Vietnam” vào Mỹ tăng cao.

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng quan điểm, nếu các đề xuất tăng thuế nhập khẩu của ông Trump được áp dụng toàn diện, có thể gây ra những tác động sâu rộng lên kinh tế Việt Nam thông qua cán cân thương mại, tỷ giá hối đoái, chuỗi cung ứng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bởi, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may và da giày sẽ chịu áp lực lớn từ chính sách tăng thuế.

Chặn gian lận xuất xứ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi sắp tới nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, sẽ có khả năng hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhãn mác hàng hóa để tránh trường hợp hàng hóa nước ngoài “đội lốt” là hàng Việt.

Bởi, bài học nhãn tiền cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời điểm 2018 - 2019 cho thấy, hành vi giả mạo xuất xứ, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp thường xảy ra đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam như: dệt may, thủy sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép... Điển hình là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thay bao bì hoặc bỏ bao bì, ghi “Made in Việt Nam”, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

“Hơn bao giờ hết, quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa có nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp, gian lận C/O nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, xác định hành vi vi phạm để xử lý theo quy định, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước cần được các cơ quan quản lý siết chặt” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Lê Quốc Phương lưu ý, việc Mỹ áp thuế cao với các quốc gia lân cận có thể xảy ra tình trạng DN tại các quốc gia đó xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, gian lận xuất xứ rồi xuất khẩu ngược sang Mỹ. Trước đây, đã có chuyện này xảy ra và khi bị phát hiện đã ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, DN Việt Nam cần nhìn nhận sâu sắc vấn đề lợi ích về lâu dài, tránh tuyệt đối tình trạng cho các đối tác gian lận xuất xứ, "ăn xổi" để ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ngành, quốc gia.

Xuất khẩu được nhận định vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh hiện nay, giới chuyên gia khuyến cáo các DN xuất khẩu Việt Nam cần vạch ra những kịch bản sẵn sàng ứng phó với việc có thể bị áp thuế từ phía Mỹ. Trong trường hợp bị áp thuế ở mức thấp, DN cần tiếp tục bám trụ thị trường và thực hiện các giải pháp đầu tư công nghệ, tối ưu hóa chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận.

Bên cạnh đó, DN cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, thực hiện chiến lược “không bỏ trứng vào một giỏ” để tránh những rủi ro có thể có từ phía thị trường nhập khẩu. Đồng thời, DN cần bám sát các thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở Mỹ để nắm bắt thông tin, có các đối sách ứng phó kịp thời với sự thay đổi từ phía bạn (nếu có).

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2025 diễn ra ngày 5/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng… dự báo, phân tích thật sát tình hình kinh tế thế giới thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề nổi lên, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu. Từ đó, đề xuất giải pháp tham mưu Chính phủ để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ung-pho-linh-hoat-truoc-chinh-sach-thue-quan-cua-my.html