Ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu: Cần xây dựng chính sách ưu đãi phù hợp
Để ứng phó với những khó khăn, thách thức khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các nhà đầu tư FDI cho rằng, cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư…
Trong suốt nhiều năm qua, ưu đãi thuế luôn được xem là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng thực tế, đây không phải công cụ duy nhất. Khảo sát gần đây nhất của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho thấy, khi được hỏi Việt Nam nên làm thế nào để nào để cải thiện việc thu hút đầu tư đã có đến 70% thành viên trả lời là cần cải thiện thủ tục hành chính, 53% muốn nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, 47% đề xuất đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, giấy phép lao động cho người nước ngoài, ưu đãi thuế gần như là đứng cuối cùng với 28%.
Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam không thể chậm trễ trong việc xây dựng các chính sách ưu đãi khác nhất là khi quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng.
Theo ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng. Về thuế và phí, EuroCham đánh giá quyết định gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA.
Theo hướng đó, EuroCham cũng khuyến nghị, Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Chính phủ có thể xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng sắc thuế này đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.
“Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Cần miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện”, Chủ tịch EuroCham đề xuất.
Cũng liên quan đến vấn đề về thuế, ông Nitin Kapoor - Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đề xuất, cần nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.
Còn theo ông Kim Sung Hun - Tổng Giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam, Chính phủ cần sớm đưa ra quyết định cũng như các biện pháp để đối phó với tình trạng xấu đi của môi trường đầu tư trong khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Trước đó, xoay quanh việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cũng cho biết, việc thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai áp dụng sẽ khiến chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI, thậm chí còn đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể, khi thuế suất này được áp dụng, các công ty đang hưởng ưu đãi thuế của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp bổ sung lên mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ đặt trụ sở. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính về thuế cho tập đoàn, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
“Khó khăn thậm chí còn lớn hơn với các tập đoàn đang đặt cứ điểm sản xuất tại các nước thu hút đầu tư bằng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với những quốc gia đã và đang áp dụng đa dạng chính sách thu hút đầu tư như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi dựa trên chi phí sẽ bị ảnh hưởng ít hơn”, ông Choi Joo Ho chia sẻ.
Theo vị lãnh đạo Samsung Việt Nam, trong bối cảnh này, nếu không có giải pháp ứng phó triệt để sẽ dẫn tới sự gia tăng khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp FDI, kéo theo sự giảm sút trong năng lực cạnh tranh của chính những doanh nghiệp này.
Hiện tại, theo chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, Samsung có 6 pháp nhân sản xuất, 1 trung tâm nghiên cứu phát triển, với tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD và chiếm 50% tỷ trọng sản lượng điện thoại được sản xuất trên toàn thế giới. Việt Nam cũng được coi là cứ điểm sản xuất quan trọng của Samsung. Tuy nhiên, dự kiến từ 2024, Samsung và nhiều công ty lớn khác sẽ chính thức trở thành doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Vì vậy, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đề xuất, cần xây dựng các hình thức hỗ trợ mới để bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có thể nghiên cứu thay đổi chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sang hỗ trợ đầu tư mang lại hiệu quả thực cho nhà đầu tư.
“Chúng tôi kiến nghị áp dụng cơ chế ưu đãi khoản hỗ trợ bằng tiền đang được áp dụng phổ biến tại các quốc gia khác như Mỹ, Đức, Ấn Độ…”, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Choi Joo Ho cũng cho rằng, có thể áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp