Ứng phó với biến đổi khí hậu: Góc nhìn từ chai nhựa của Coca-Cola

Sẽ mất tới hàng trăm tỉ đô la Mỹ để đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong vòng 1 thập kỷ tới, như chuyên gia từ IFC chia sẻ tại sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề 'Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero', thuộc chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh thường niên do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Tuy nhiên, hành trình ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ đến từ những câu chuyện vĩ mô như cánh đồng điện mặt trời hay turbin điện gió mà còn khởi nguồn từ những thứ tưởng chừng như rất nhỏ ở quanh ta như chai nhựa.

(KTSG Online) – Sẽ mất tới hàng trăm tỉ đô la Mỹ để đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong vòng 1 thập kỷ tới, như chuyên gia từ IFC chia sẻ tại sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero”, thuộc chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh thường niên do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Tuy nhiên, hành trình ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ đến từ những câu chuyện vĩ mô như cánh đồng điện mặt trời hay turbin điện gió mà còn khởi nguồn từ những thứ tưởng chừng như rất nhỏ ở quanh ta như chai nhựa.

Tập trung vào các trụ cột bền vững

Chia sẻ trong Diễn đàn Kinh tế Xanh vào sáng ngày 19-9 vừa qua, bà Bùi Đặng Duyên Mai, Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững của Coca‐Cola Việt Nam và Campuchia, cho biết mục tiêu của tập đoàn trên quy mô toàn cầu có sáu trụ cột phát triển bền vững, gồm sản phẩm, con người, cộng đồng, bồi hoàn nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp bền vững và bao bì bền vững.

Để hiện thực hóa các trụ cột này, đại diện Coca-Cola cho rằng vấn đề phát triển bền vững phải nhìn từ hướng “đồng hành với từng sản phẩm bán ra và tăng nhận thức của người tiêu dùng về giảm thiểu rác thải nhựa”. Nghĩa là các hoạt động liên quan đến bán hàng hay tiếp thị đều cần phải hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững, đưa câu chuyện bền vững đi vào hoạt động kinh doanh một cách tự nhiên nhất.

Bà Bùi Đặng Duyên Mai chia sẻ về các trụ cột bền vững của Coca-Cola tại sự kiện.

Bà Bùi Đặng Duyên Mai chia sẻ về các trụ cột bền vững của Coca-Cola tại sự kiện.

Hành trình phát triển bền vững của Coca-Cola không chỉ câu chuyện về những chai nhựa mà còn nhiều trụ cột khác nhưng bao bì bền vững được xem là mục tiêu rất quan trọng trong ngành công nghiệp nước giải khát mà tập đoàn này đang hoạt động. Tầm nhìn “Vì một thế giới không rác thải” được khởi động từ năm 2018, đang được Coca-Cola cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động khác nhau.

Theo đó, các chai nhựa của Coca-Cola liên tục được tái thiết kế theo những cách mới nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Tiêu biểu có thể kể đến việc thay thế chai nhựa PET màu xanh đặc trưng của Sprite bằng chai nhựa trong suốt năm 2021 hoặc tháo bỏ màng co trên các chai, giúp đơn giản hóa quy trình tái chế; hay từ năm 2022, bao bì chai Coca-Cola 300ml làm từ 100% nhựa tái chế (rPET) trừ nắp và nhãn chai, từ đó giúp tập đoàn giảm sử dụng 2.000 tấn nhựa nguyên sinh hàng năm.

Bên cạnh khâu thiết kế, hoạt động thu gom và tái chế cũng không kém phần quan trọng. Tháng 8 vừa qua, trong lễ kỷ niệm đánh dấu tròn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, Coca-Cola cũng đồng thời công bố tiếp tục thực hiện chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” sau những thành công của năm thứ nhất. Sáng kiến này nhằm truyền cảm hứng cho người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc phân loại và tái chế chai và lon đã qua sử dụng.

Tiếp tục hướng đến mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa, Coca-Cola chính thức khởi động chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” năm thứ 2.

Tiếp tục hướng đến mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa, Coca-Cola chính thức khởi động chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” năm thứ 2.

Mục tiêu chung là đến năm 2030 sẽ thu gom và tái chế tương đương 100% số lượng chai và lon mà công ty đã bán ra đồng thời sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì. “Không chỉ Việt Nam mà trên 200 quốc gia Coca-Cola đang hoạt động đều phải đạt được mục tiêu đó. Coca-cola Việt Nam cũng đã có lộ trình của doanh nghiệp đồng thời cũng luôn nỗ lực chuyển tải thông điệp, hỗ trợ Chính phủ trong hoạt động thu gom rác thải tại nguồn”, bà Mai chia sẻ.

Bên cạnh trụ cột về bao bì sản phẩm, các trụ cột quan trọng khác mà Coca-Cola cũng đang hướng đến là bồi hoàn nguồn nước sạch, nông nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu. Điểm chung là cách tiếp cận theo hướng thuận thiên, tức là khuyến khích áp dụng các giải pháp tự nhiên hướng đến bền vững. “Làm thế nào để sử dụng giải pháp thuận thiên để đảm bảo sinh kế cho người dân Đồng bằng Sông Cửu Long mà vẫn đảm bảo môi trường”, bà Mai đặt vấn đề về hướng đi của Coca-Cola. Ngoài ra, quỹ TCCF cũng xây dựng quan hệ đối tác trong suốt 10 năm với WWF Việt Nam nhằm chung tay phục hồi nguồn nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Hoạt động điển hình là cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) triển khai hoạt động hỗ trợ biến vùng lúa thành vùng trữ lũ, nuôi tôm kết hợp phục hồi rừng ngập mặn, trồng sen để sản xuất lụa. Các sản phẩm tơ lụa đã bắt đầu có, cùng với đó là đã tái tạo hơn 100 ha cho vùng trữ lũ, tương đương 1,7 triệu khối nước. Chương trình kết thúc năm đầu tiên và đang lên kế hoạch cho hai năm tiếp theo.

Với tài nguyên nước, thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Coca-Cola Foundation (TCCF), tổ chức từ thiện toàn cầu thuộc công ty Coca-Cola, trong 6 năm qua, đã có 39 hệ thống lọc nước uống được Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng lắp đặt tại 39 trường trung học ở Đà Nẵng và các khu vực lân cận, mang lại lợi ích cho hàng nghìn học sinh, giáo viên và cư dân địa phương. Hàng loạt các chương trình hỗ trợ cộng đồng khác cũng được Coca-Cola tổ chức liên tục trong nhiều năm qua.

Cần sức mạnh của cộng đồng

“Tái chế tôi” – Rất dễ nhận thấy hình ảnh này trên các sản phẩm nước giải khát của Coca-Cola, gửi gắm thông điệp khuyến khích người dùng tìm hiểu thêm và chung tay vào các hoạt động hỗ trợ tái chế bao bì sau khi sử dụng sản phẩm.

Coca-Cola vị nguyên bản dung tích 300ml là sản phẩm có bao bì được làm từ 100% nhựa tái chế (không bao gồm nắp và nhãn chai).

Coca-Cola vị nguyên bản dung tích 300ml là sản phẩm có bao bì được làm từ 100% nhựa tái chế (không bao gồm nắp và nhãn chai).

Trong hành trình phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, không chỉ có cộng đồng người dùng mà sự bắt tay của các đối tác cũng đóng vai trò rất quan trọng, cải thiện những hệ sinh thái riêng lẻ để hợp sức thành hệ sinh thái tuần hoàn. Coca-Cola là một trong những tập đoàn điển hình đi đầu trong việc tìm kiếm và bắt tay với nhiều bên khác nhau để cùng nỗ lực giảm thải ra môi trường và chung tay tác động tích cực đến xã hội.

Chẳng hạn, ở lĩnh vực thu gom rác thải, Coca-Cola hợp tác với ứng dụng thu gom ve chai công nghệ VECA (lên lịch thu gom và nhận phần thưởng). Cùng với VECA và Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, năm 2023, Coca-Cola cùng triển khai chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” dự kiến kéo dài 3 năm. Hai đơn vị này không chỉ góp phần hoàn thiện hệ sinh thái từ tiêu dùng đến tái chế mà còn cùng nhau nâng cao nhận thức của cộng đồng để biến rác thải nhựa thành bao bì mới, thân thiện với môi trường. Trong năm nay, Coca-Cola Việt Nam hợp tác với BOTOL lắp đặt các máy thu gom chai và lon tại các khu dân cư và trường đại học ở TPHCM.

Giai đoạn 2022 – 2023, quỹ TCCF đã đồng hành cùng GreenHub trong chương trình “Quản lý rác thải nhựa dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn” tại huyện Cần Giờ (TPHCM), thành công thu gom và tái chế 152 tấn rác thải nhựa.

Dự án thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Cần Giờ.

Dự án thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Cần Giờ.

Coca-Cola Việt Nam còn là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam). Cùng với các công ty đầu ngành, đơn vị tái chế và cơ quan chính phủ thúc đẩy việc thu gom và tái chế bao bì địa phương.

Bên cạnh đó, Coca-Cola cũng đã hợp tác với The Ocean Cleanup tại Việt Nam để triển khai hệ thống làm sạch sông ngòi Interceptor trên sông Cần Thơ, nhằm ngăn chặn rác thải nhựa đổ ra đại dương.

Theo bà Mai, khó khăn trên hành trình phát triển bền vững thì có rất nhiều, đặc biệt là khi tiên phong với nhiều hoạt động mà thị trường chưa làm nhưng điều may mắn là tập đoàn có được sự hỗ trợ rất tốt từ cấp chính quyền từ Trung ương cho đến địa phương cũng như các đối tác đồng hành. Nếu như những người tiêu dùng, khách hàng cùng đồng hành tham gia hỗ trợ, điều này sẽ rất tốt cho mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-goc-nhin-tu-chai-nhua-cua-coca-cola/