Ứng phó với thiếu hụt xăng, dầu: Hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu
Khó mua xăng, dầu là tình trạng đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước từ cuối tháng 10 trở lại đây, trong đó có Thái Nguyên. Điều này khiến đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Từ đây, nhiều bất cập đã nảy sinh.
Có thời điểm, một số cửa hàng xăng, dầu bị quá tải do lượng khách hàng đến mua quá đông.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên cho thấy, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu bình quân trên địa bàn hiện ở mức khoảng 700-800m3/ngày. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay, lượng hàng các đại lý phân phối nhập từ doanh nghiệp đầu mối chỉ đáp ứng khoảng 65-70% nhu cầu (thiếu hụt khoảng 200-300m3/ngày).
Hiện nay, hệ thống cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ 1 đầu mối hoạt động theo ủy quyền (Công ty Xăng dầu Bắc Thái) và 5 nhà phân phối xăng, dầu có trụ sở chính tại Thái Nguyên, với 208 cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương: Có nhiều nguyên nhân khiến xăng, dầu thiếu hụt trong thời gian qua. Đầu tiên phải kể đến là do nguồn cung phụ thuộc vào điều phối của các tập đoàn xăng dầu Nhà nước; các doanh nghiệp tư nhân phân phối xăng, dầu ngoài hệ thống của hai tập đoàn Nhà nước là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVOil) hiện gặp rất nhiều khó khăn về nguồn hàng, do các tập đoàn, thương nhân đầu mối chủ yếu ưu tiên cho hệ thống nội bộ.
Thứ hai, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng, dầu thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động với biên độ lớn... đã tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trong nước và tại Thái Nguyên. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp đầu mối tư nhân khi nhập hàng giá cao nhưng theo điều hành của Nhà nước lại bán với giá dưới hoặc bằng giá nhập, trong khi phải gánh thêm nhiều chi phí khác (lãi suất ngân hàng, trả lương công nhân, khấu hao tài sản)… dẫn tới thua lỗ. Bởi vậy, không ít doanh nghiệp chỉ nhập hàng cầm chừng.
Tiếp đến là do chu kỳ điều hành giá của liên bộ Tài chính - Công Thương chưa linh hoạt đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu, mới chỉ coi trọng đảm bảo kiềm chế lạm phát, an sinh xã hội. Nguyên nhân cuối cùng là bởi ảnh hưởng của việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất, có thời điểm không sản xuất, cũng khiến tình trạng khan hiếm xăng, dầu gia tăng.
Tình trạng lúc bán, lúc đóng cửa do hết hàng tại nhiều cửa hàng xăng, dầu trong những ngày qua đã trở nên khá quen thuộc với người dân.
Trước những biến động của thị trường xăng, dầu, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu đối với đời sống nhân dân. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu được chú trọng.
Chỉ tính riêng đợt cao điểm từ ngày 8 đến 14/11/2022, Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên đã tiến hành giám sát đối với 188 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu. Qua giám sát cho thấy, chỉ có 40 cửa hàng hoạt động bình thường, còn lại 148 cửa hàng xảy ra tình trạng hết xăng hoặc dầu, hoặc hết cả xăng và dầu. Nhưng không có cửa hàng nào đầu cơ, găm hàng.
Cùng với đó, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, ngày 14-11, Cục Quản lý Thị trường đã tổ chức ký cam kết đối với 1 thương nhân nhượng quyền và 5 doanh nghiệp đầu mối về việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng, dầu; không vận chuyển, kinh doanh xăng, dầu nhập lậu, giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không thực hiện các hành vi đầu cơ, găm hàng… Việc ký cam kết sẽ tiếp tục được Cục Quản lý Thị trường triển khai trong thời gian tới đối với các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, trong đó có nội dung chấp hành thời gian bán hàng đầy đủ…
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung xăng, dầu, đảm bảo phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh xem xét, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Petrolimex và PVOil cam kết cung ứng đầy đủ sản lượng xăng dầu theo nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thay đổi hình thức từ trích lập Quỹ bình ổn xăng, dầu bằng tiền sang bình ổn bằng dự trữ xăng, dầu để đảm bảo an ninh năng lượng và an sinh xã hội.
Có thể thấy, tình trạng thiếu nguồn cung xăng dầu trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có tồn tại bất cập trong chính sách. Vì thế, trong khi chờ những thay đổi từ Trung ương, các cơ quan của tỉnh vẫn đang tiếp tục tăng cường các giải pháp để hạn chế tối đa việc gián đoạn nguồn cung. Đối với doanh nghiệp và người dân, cơ quan chức năng khuyến cáo cần nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác và có các biện pháp phù hợp, vừa nhằm chia sẻ, vừa chủ động thích ứng với tình trạng thiếu hụt xăng, dầu hiện nay.