Ứng phó với thời tiết cực đoan
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên liên tục ghi nhận nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân. Để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân và những dự báo sắp tới, phóng viên Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh.

Lực lượng chức năng di chuyển người dân vùng ngập úng ở phường Lương Sơn, TP. Sông Công (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính) đến nơi an toàn trong trận mưa lớn ngày 21/6/2025. Ảnh: T.L
P.V: Thưa ông, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ghi nhận một số hình thái thời tiết cực đoan, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ông có thể thông tin rõ hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Từ tháng 4 đến tháng 6-2025, trên toàn tỉnh chủ yếu chịu ảnh hưởng của các hình thái thời tiết như: Rãnh áp thấp bị nén qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió từ 1.500-5.000m, gây ra những đợt mưa dông và mưa lớn diện rộng, kèm theo gió giật mạnh.
Mưa dông thường kèm theo lốc, sét, gió giật mạnh, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, nhà cửa và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Mưa lớn thường gây ra lũ, lũ lớn trên các sông, lũ quét trên thượng nguồn các sông suối nhỏ; sạt lở đất trên các sườn núi dốc, ta luy dương, khu dân cư, các tuyến đường giao thông; ngập lụt vùng ven sông, ngập úng vùng trũng thấp, khu đô thị...

Một điểm sạt trượt sau mưa lớn trên Quốc lộ 3, đoạn qua xã Phủ Thông (ảnh chụp đầu tháng 7-2025).
Những hình thái thiên tai kể trên gây ra nhiều thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản và các hoạt động kinh tế, xã hội.
Cụ thể như đợt mưa lớn đêm 17 sáng ngày 18/5/2025 đã gây ra 2 trận lũ quét tại thôn Tẩn Lượt, xã Đồng Phúc và thôn Phiêng Khăm, xã Thượng Minh, làm 4 người chết, 3 người bị thương và thiệt hại về nhà cửa, sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ thầng, giao thông…
P.V: Theo dự báo, thời gian tới tình hình thời tiết cực đoan có những diễn biến ra sao và người dân nên làm gì để bảo đảm an toàn trong sản xuất, đời sống, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian tới là các tháng của mùa lũ năm nay, những hình thái thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét và mưa lớn, lũ, lũ quét sạt lở đất... vẫn có khả năng xảy ra trên tất cả các khu vực trong tỉnh.
Những hình thái thời tiết cực đoan này có xu hướng gia tăng về tần suất và cường độ.
Bởi thế, người dân nên theo dõi thường xuyên thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết từ Đài Khí tượng thủy văn, các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thanh cơ sở, đặc biệt là trong những thời điểm có khả năng xảy ra mưa lớn, dông, lốc, sét hay nắng nóng kéo dài.
Đồng thời, chủ động kiểm tra, gia cố nhà cửa, mái che, công trình tạm, chặt tỉa cây xanh có nguy cơ gãy đổ; cất giữ an toàn vật dụng, nông cụ và chuẩn bị phương án sơ tán khi có lũ quét, sạt lở đất.

Dòng chảy sông Công qua địa bàn xóm Chũng Na, phường Bá Xuyên, cuốn trôi đất và hoa màu xuống sông (ảnh chụp ngày 28/6/2025).
Tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây to, gần trụ điện hay công trình không an toàn trong thời điểm xảy ra mưa dông, sét.
Thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, như hạn chế ra đường vào giờ cao điểm nắng, bổ sung nước và dinh dưỡng, nhất là với người già, trẻ em, người lao động ngoài trời.
Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, các lực lượng chức năng và người dân trong công tác phòng chống thiên tai, bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Chúng tôi rất mong người dân nâng cao ý thức phòng tránh, chủ động ứng phó với thiên tai để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
P.V: Xin cảm ơn ông!