Ứng phó với tình trạng chậm cấp phát trang thiết bị dạy học chương trình mới
Năm học 2023-2024, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã áp dụng đến lớp 4 đối với bậc tiểu học, lớp 8 đối với bậc THCS và lớp 11 đối với bậc THPT. Tuy nhiên, đến nay nhiều loại trang thiết bị phục vụ cho chương trình mới vẫn chưa được cấp phát. Để ứng phó, các trường học đã linh hoạt thích ứng, chủ động tháo gỡ khó khăn.
Thầy, trò Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Xương) khai thác học liệu trên internet thông qua tivi thông minh.
Với 5 phòng học thông minh, mỗi phòng trị giá từ 300 - 400 triệu đồng đã giúp các thầy, cô giáo tại Trường THCS thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) khắc phục được phần nào việc thiếu trang thiết bị dạy học bằng cách trình chiếu các thí nghiệm ảo hoặc hình ảnh mô phỏng bài học... Thầy giáo Trịnh Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vạn Hà, chia sẻ: "Nhà trường đã tận dụng các trang thiết bị của lớp 6 đã được cấp, chỉ đạo giáo viên khai thác tối đa thiết bị cũ. Những đồ dùng dễ thì giáo viên tự làm để sử dụng trong quá trình dạy học như: Máy điều hòa không khí mini, tranh ảnh, bản đồ... để phục vụ cho bài giảng".
Tại Trường THCS thị trấn Bến Sung (Như Thanh), để khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học, từ nguồn xã hội hóa và huyện đầu tư, nhà trường đã có đủ 19 ti vi thông minh kết nối internet/19 lớp học. Đồng thời sử dụng các trang thiết bị được trang cấp trước đó, mua sắm một số thiết bị cơ bản có kinh phí nhỏ, khai thác thêm các thí nghiệm trên internet...
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp môn Khoa học Tự nhiên, thầy Nguyễn Tiến Hồng, Tổ trưởng Tổ Khoa học Tự nhiên, Trường THCS thị trấn Bến Sung, chia sẻ: "Bộ môn Khoa học Tự nhiên được cấu thành từ 3 môn: Sinh, Lý, Hóa. Muốn tổ chức dạy học tốt môn học phải có các trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Vì chưa được trang cấp trang thiết bị đối với lớp 7, 8 nên nhà trường đã chủ động khắc phục bằng cách đẩy mạnh khai thác công nghệ thông tin vào dạy học; huy động giáo viên làm đồ dùng dạy học, tận dụng lại thiết bị dạy học cũ, tận dụng các thí nghiệm trên internet...".
Chủ động, tích cực huy động nguồn xã hội hóa mua sắm thiết bị dạy và học tối thiểu cần thiết, Trường Tiểu học số 2 thị trấn Nông Cống (Nông Cống) đã có thể tạo hứng thú dạy, học cho giáo viên và học sinh như: Phân công chuyên môn đúng chuyên ngành đào tạo; thực hiện nghiêm việc bồi dưỡng chuyên môn theo các mô - đun; tận dụng tối đa trang thiết bị dạy học hiện có, sử dụng trang thiết bị cũ còn phù hợp để giảng dạy; linh động sử dụng máy tính cá nhân để tải trên mạng internet những hình ảnh minh họa gần gũi, thiết thực với học sinh minh họa cho bài giảng; chủ động tự làm tranh ảnh, đồ dùng, mẫu vật...
Ông Đỗ Ngọc Phan, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống, chia sẻ: "Phòng đã chỉ đạo các nhà trường huy động nguồn lực đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu. Đối với lớp 3 và lớp 6, thực hiện môn Tin học bắt buộc, để có phòng máy phục vụ dạy học, từ nguồn huy động xã hội hóa, đến nay, cơ bản 100% các trường học trong huyện đã có phòng máy phục vụ học môn Tin học".
Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã tổng hợp nhu cầu trang cấp của các cơ sở giáo dục và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí cấp phát trang thiết bị giáo dục phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 cho khối lớp 4, 8 và 11. Sở cũng đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và tiến hành các bước tiếp theo phê duyệt dự án cấp phát thiết bị cho khối lớp 3, 7 và 10.
Mặc dù đã được khắc phục bằng nhiều cách khác nhau, nhưng việc thiếu trang thiết bị dạy kèm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu mà chương trình mới hướng tới. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của ngành giáo dục, các nhà trường, giáo viên và học sinh trong việc đổi mới, sáng tạo, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ.