Ứng phó vụ Solomon

Thượng đỉnh Bộ Tứ (QUAD) tuần tới ở Úc sẽ lại nóng vấn đề Trung Quốc (TQ). Một trong những trọng tâm là ứng phó với chuyện họ bắt tay Solomon. Chiến tích của đối thủ hầu chắc buộc Mỹ đẩy nhanh hơn tái hiện diện tại Thái Bình Dương (TBD).

Trước bầu cử Úc ngày 21/5, báo Diễn đàn Buổi sáng Sydney thăm dò dân ý về Solomon. Khoảng 72% cử tri quan tâm quốc đảo này, cách Úc gần 2.000 km. Chỉ vì tính sống còn của quần đảo vỏn vẹn 28.400 km2 đất, nhằm bảo vệ đồng minh, năm 1943, trận chiến sáu tháng chống Nhật khiến số lính Mỹ chết nhiều hơn giai đoạn bốn năm gây thương vong nhiều nhất tại chiến tranh Afghanistan.

Từ khi chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức, TQ hai lần tạo dấu ấn tại nơi Mỹ cảm thấy hầu như thái bình. Tám quốc gia TBD trở thành đối tác chiến lược toàn diện với TQ, mức cao nhất trong phân loại quan hệ của họ. Chưa kể các quan chức hàng đầu thường xuyên thăm khu vực, riêng ông Tập hai lần dự thượng đỉnh ở đó năm 2014 và 2018.

TQ luôn chuẩn bị kỹ trước khi làm một việc tưởng nhỏ. Hơn ba thập kỷ, họ gắn với Nam TBD qua loạt hợp tác như Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Diễn đàn Hợp tác Phát triển Kinh tế các Quốc đảo Thái Bình Dương (EDCF). Họ cấp một triệu USD mỗi năm cho ban thư ký EDCF. Năm 2020, họ lập quỹ 1,9 triệu USD hỗ trợ khu vực ứng phó COVID-19.

Các chiến lược gia Mỹ hùng mạnh có vẻ toàn đi sau. Đầu tháng 5, Mỹ tuyên bố sẽ tổ chức trong năm nay một thượng đỉnh đầu tiên tại Washington với đủ dàn lãnh đạo 18 quốc đảo TBD. Thực tình, động thái xảy ra sau chiến tích ngoạn mục TQ-Solomon. Chưa kể, từ năm ngoái, bất chấp đại dịch COVID, TQ đã làm cuộc tương tự và chỉ cần ở cấp ngoại trưởng.

TQ có lẽ luôn thành thục vận hành phương ngôn “tiền đi trước tiền khôn”. Mười năm qua, họ thành nhà tài trợ ở TBD chỉ sau Úc. Họ biến TBD thành trung tâm vận tải cho Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI) trên không, nối Châu Á với Trung và Nam Mỹ. Năm 2021, họ ký BRI với mười quốc đảo TBD đã có quan hệ ngoại giao.

Chủ trì thượng đỉnh QUAD sau chuyển thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, tổng thống Biden sẽ bàn tái lập cơ quan ngoại giao tại loạt quốc đảo TBD. Kế hoạch ứng phó diễn ra giữa lúc TQ cắm rễ ngày càng sâu khi chi riêng đầu tư trực tiếp của họ ở TBD tăng 400% từ năm 2013 đến 2018. Ngó lơ vùng biển chiến lược này từ sau chiến tranh lạnh, Mỹ không dễ lấy lại thế thượng phong tại TBD khi tham vọng đẩy nhanh sửa lỗi thường hay chậm nhịp.

HOÀNG QUỐC DŨNG

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ung-pho-vu-solomon-post1440195.tpo