Ung thư đại trực tràng gia tăng toàn cầu, 3 dấu hiệu đáng chú ý
Nếu thấy xuất hiện những bất thường này, bạn nên đi kiểm tra sớm vì chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng ở người dưới 50 tuổi đang gia tăng đáng lo ngại trên toàn cầu, với tỷ lệ tăng 1,4% mỗi năm. Điều đáng sợ là bệnh này thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến việc phát hiện sớm trở nên khó khăn.
Chia sẻ với New York Post, TS Parul Shukla, bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng tại Northwell Health (Mỹ), cho biết:"Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ tuổi thực ra là không có triệu chứng gì cả. Điều này mới đáng sợ."
Ông cũng cho biết gần đây đã phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân ở độ tuổi 40, trong đó có cả những người ăn chay hoặc vận động viên chuyên nghiệp trông rất khỏe mạnh. Ngoài ra, dữ liệu cho thấy độ trễ trong chẩn đoán là một vấn đề lớn, dẫn đến nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu sớm bạn cần chú ý để kịp thời phát hiện và xử lý căn bệnh nguy hiểm này.
Thói quen đi vệ sinh thay đổi
Táo bón thỉnh thoảng xảy ra là điều bình thường và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên đi tiêu đều đặn hàng ngày nhưng đột nhiên bị táo bón kéo dài trong vài ngày và tình trạng này lặp lại trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng, đó có thể là dấu hiệu ung thư đang cản trở hoạt động của đường ruột.
"Nếu một người, trong nhiều năm, đi tiêu đều đặn và sau đó đột nhiên gặp khó khăn khi đi đại tiện, điều đó đáng để kiểm tra," TS Parul Shukla, bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng tại Northwell Health, nhấn mạnh.
Ban đầu, mọi người thường đổ lỗi cho chế độ ăn uống thiếu chất xơ hoặc thực phẩm tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi này diễn ra thường xuyên và khác biệt so với thói quen bình thường, bạn không nên bỏ qua. Ngoài ra, phân mỏng bất thường hoặc tiêu chảy kéo dài cũng là những dấu hiệu cần được chú ý, theo một số bác sĩ.
Bị chảy máu
Chảy máu khi đi tiêu thường được cho là dấu hiệu của bệnh trĩ. TS Parul Shukla khẳng định rằng tình trạng này, dù gây khó chịu, thường không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu bạn đã thực hiện các biện pháp như tăng cường chất xơ, dùng thuốc làm mềm phân, tránh rặn hoặc giảm tần suất đi vệ sinh mà tình trạng chảy máu vẫn kéo dài trong nhiều tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ nội khoa để kiểm tra trực tràng.
Một dấu hiệu đáng lo ngại hơn là khi máu trộn lẫn trong phân, thay vì chỉ xuất hiện do chảy máu hậu môn. Ngoài ra, thiếu máu cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị mất máu khi đi tiêu mà không nhận ra. Nếu các xét nghiệm hàng năm cho thấy bạn bị thiếu máu không rõ nguyên nhân, ung thư đại trực tràng có thể là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn
Đau bụng
Theo TS Parul Shukla, cơn đau bụng có thể báo hiệu ung thư đại trực tràng đã tiến triển. "Nếu một khối u gây tắc nghẽn và đại tràng cố gắng co bóp để đẩy phân qua, điều này có thể tạo ra cơn đau bụng dữ dội, xảy ra theo từng đợt", ông giải thích.
Ngoài ra, căng thẳng ở đại tràng có thể dẫn đến cảm giác khó chịu do đầy hơi và chướng bụng. Đau bụng sau khi ăn cũng có thể là một dấu hiệu, nhưng thường xuất hiện vài giờ sau bữa ăn
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nhiều người có xu hướng phớt lờ các triệu chứng trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng hoặc năm, vì nghĩ rằng chúng không nghiêm trọng. Tuy nhiên, TS Shukla khuyến cáo:"Nếu bất kỳ triệu chứng nào kéo dài trong vài tuần, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức".
Dù không có triệu chứng, các cơ quan y tế khuyến nghị nên bắt đầu nội soi đại tràng từ tuổi 45 và lặp lại sau mỗi 10 năm nếu kết quả bình thường. Đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc bị các bệnh lý về đường ruột như Crohn, việc thăm khám nên được tiến hành sớm hơn