Ứng tuyển 250 công ty sau khi ra trường nhưng vẫn không tìm được việc

Tốt nghiệp đại học với khoản nợ sinh viên khổng lồ, người trẻ tại Mỹ lại rơi vào khó khăn mới khi nộp đơn ứng tuyển hàng loạt vẫn không thể tìm được việc làm.

 Người trẻ ở Mỹ chật vật tìm việc trong bối cảnh thị trường lao động lao đao. Ảnh: Pexels.

Người trẻ ở Mỹ chật vật tìm việc trong bối cảnh thị trường lao động lao đao. Ảnh: Pexels.

Trong vòng hai năm, Rebecca Atkins (25 tuổi) đã nộp hơn 250 đơn ứng tuyển việc làm, nhưng cảm giác như tất cả đều rơi vào một hố sâu không đáy. Cô vẫn không thể tìm được việc.

"Điều đó thực sự khiến tôi suy sụp. Tôi đã tin rằng mình là một người kém cỏi và cũng tệ trong công việc," cô gái tốt nghiệp năm 2022 từ một trường đại học ở Washington chia sẻ với AFP.

Bất ổn cực độ

Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đối với sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học hiện ở mức 5,8% - cao nhất kể từ tháng 11/2013, nếu không tính 15 tháng trong đại dịch Covid-19.

Không chỉ vậy, con số này vẫn dai dẳng, cao hơn tỷ lệ thất nghiệp chung. Hiện tượng này được các chuyên gia phân tích cho là rất bất thường. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung tại Mỹ đã ổn định quanh mức 3,5%-4% kể từ sau đại dịch, mức thất nghiệp trong nhóm sinh viên mới tốt nghiệp lại có xu hướng tăng lên.

 Mỹ là quốc gia có chi phí đại học đắt đỏ bậc nhất thế giới. Ảnh: Pexels.

Mỹ là quốc gia có chi phí đại học đắt đỏ bậc nhất thế giới. Ảnh: Pexels.

Theo công ty quản lý tiền lương Gusto, thị trường lao động cho nhóm lao động mới ra trường đã suy yếu đều đặn kể từ năm 2022. Mức tuyển dụng mới trong năm 2025 giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia cho rằng xu hướng này chủ yếu do sự giảm tốc theo chu kỳ trong tuyển dụng hậu đại dịch, đặc biệt ở các ngành thường tuyển nhiều sinh viên mới như công nghệ, tài chính và kinh doanh. Cùng với đó là sự bất ổn kinh tế nói chung trong những ngày đầu đầy biến động của chính quyền Tổng thống Trump.

“Tất cả công việc tôi muốn làm thì tôi lại không đáp ứng đủ điều kiện. Thường thì những vị trí đầu vào lại yêu cầu bạn phải có 4 hoặc 5 năm kinh nghiệm”, Atkins chia sẻ, đồng thời cho biết cô đã làm nhiều công việc bán thời gian và làm việc trong các nhà hàng suốt nhiều năm.

Chung cảnh ngộ, Katie Bremer, 25 tuổi, tốt nghiệp Đại học American năm 2021 với bằng kép về Khoa học môi trường và Y tế công cộng, phải mất hơn một năm mới tìm được một công việc toàn thời gian nhưng công việc đó không thuộc lĩnh vực chuyên môn. Thậm chí khi đó, cô vẫn phải làm thêm công việc giữ trẻ để bù đắp thu nhập.

“Tôi cảm thấy như mình luôn phải làm việc không ngừng nghỉ. Tôi quá tải khi nhìn vào các chi phí, rồi cố gắng làm sao để lương của mình đủ chi trả cho tất cả cột mốc được kỳ vọng sẽ đạt tới khi bước vào tuổi trưởng thành”, Bremer chia sẻ với AFP.

Mỹ có thể là quốc gia có chi phí đại học đắt đỏ nhất thế giới với mức trung bình cho một năm học cử nhân là 27.673 USD. Vào năm 2020, 36,3% sinh viên đại học tại Mỹ đã vay khoản vay liên bang để chi trả cho các chi phí học tập ngày càng tăng. Tổ chức Education Data Initiative cho biết số nợ sinh viên trung bình đối với sinh viên tốt nghiệp là 29.550 USD.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có khoản nợ vay sinh viên, thị trường việc làm suy yếu vẫn có thể khiến một số sinh viên mới tốt nghiệp cảm thấy kiệt sức.

 Chuyên gia kinh tế cho rằng hiện tượng người trẻ thất nghiệp hàng loạt là điều bất thường. Ảnh: Pexels.

Chuyên gia kinh tế cho rằng hiện tượng người trẻ thất nghiệp hàng loạt là điều bất thường. Ảnh: Pexels.

Bất ổn cực độ

"Đây chắc chắn là điểm bất thường" là điều mà ông Matthew Martin, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, nhận định khi bàn về hiện tượng nêu trên. Theo ông, người ta thường nghĩ rằng các công việc văn phòng sẽ không dễ bị ảnh hưởng bởi các chu kỳ suy thoái như những loại việc làm khác.

Nhưng theo một nghiên cứu do ông Martin thực hiện, số lượng vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh đã giảm hơn 40% kể từ năm 2021, trong đó ngành công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Một phần là do tốc độ tuyển dụng chậm lại khi các công ty điều chỉnh lại quy mô sau khi tuyển ồ ạt vào năm 2022. Đồng thời, mức giảm sâu như vậy cũng phản ánh tác động của trí tuệ nhân tạo (AI)”, ông nói với AFP, chỉ ra khả năng công nghệ AI có thể thay thế một số vị trí đầu vào.

Nhà kinh tế Gregory Daco tại EY-Parthenon cũng cho biết việc các công ty công nghệ chậm lại trong tuyển dụng để giữ chân nhân tài đã tác động đến sinh viên mới tốt nghiệp. Đà giảm trong tuyển dụng cũng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chính sách sâu rộng kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.

“Trải nghiệm sự bất ổn cực cao liên quan chính sách thương mại, thuế quan hay các chính sách khác của chính quyền đã khiến nhiều công ty làm chậm hoặc đóng băng quá trình tuyển dụng", ông Daco nhận định.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo không nên vội vàng kết luận rằng AI đã bắt đầu thay thế các công việc đầu vào, vì hầu hết ngành vẫn chỉ mới bắt đầu áp dụng công nghệ này.

Nhìn chung, các chuyên gia cảnh báo rằng thị trường lao động sẽ cần thêm thời gian để tự điều chỉnh. Trong đó, một phần của quá trình này có thể là việc người trẻ phải chuyển hướng chọn các ngành học khác.

“Có khả năng mọi thứ sẽ tệ hơn trước khi khá lên”, ông Martin dự đoán.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ung-tuyen-250-cong-ty-sau-khi-ra-truong-nhung-van-khong-tim-duoc-viec-post1566650.html