Ứng xử giữa trang đời

Trong đời sống sáng tác và phê bình văn học hiện nay đa phần là những tiếng nói ngợi ca một màu, cùng chiều.

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Một tác giả trẻ mới được kết nạp vào Hội Nhà văn thành phố có những phát ngôn trên trang Facebook cá nhân khiến nhiều người viết thế hệ đi trước ngạc nhiên, cảm thấy xúc phạm vì sự chủ quan, ái kỷ và có phần ngạo nghễ của tác giả.

Một nhà thơ nổi tiếng ra mắt tác phẩm vốn được ủ ấp nhiều năm, khiến dư luận phân chia thành những luồng ý kiến đối lập: Khen hết lời và chê cũng hết lời. Người khen dùng mọi mỹ từ. Người chê cũng ra sức “vùi hoa dập liễu”. Kết lại của câu chuyện này có thể là những lời kể lể, xúc phạm, khước từ quan hệ xã giao.

Đôi dòng như vậy để hình dung phần nào về thực trạng sáng tác, phê bình cũng như cách ứng xử giữa không ít người viết với nhau hiện nay. Mạng xã hội giúp chúng ta có cơ hội bộc lộ cá tính, ý kiến riêng, song hình như cũng khiến chúng ta nóng nảy hơn.

Sự chất vấn, phê bình về tác phẩm, về quan điểm, lối sống là cần thiết. Nhưng chẳng lẽ cứ không vừa lòng, trái ý là quay sang làm tổn thương nhau? Mà chuyện này, làng văn Việt lại cứ lặp đi lặp lại.

Văn sĩ, trí thức là lực lượng quan trọng thúc đẩy tiến bộ xã hội. Trong cơ chế thị trường, khi mọi lĩnh vực đều đặt ra yêu cầu về lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế thì những trang viết vẫn có giá trị và sức mạnh riêng, ảnh hưởng đến xã hội, đến đời sống văn hóa.

Vì thế, người sáng tác, người làm lý luận phê bình không chỉ cần tài năng, trình độ, vốn sống, mà còn phải có nhận thức sâu sắc về trách nhiệm công dân. Nhà văn “best seller” có thể sống tốt bằng tác phẩm. Nhưng nhà văn lớn cần tầm nhìn và trái tim rộng mở. Có như vậy các danh xưng mới trở nên giá trị và cao quý.

“Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối”. Nhân vật Điền trong truyện ngắn “Trăng sáng” của nhà văn Nam Cao đã thốt lên như vậy từ bao nhiêu năm trước.

Cũng trong tác phẩm Nam Cao, nhân vật giáo Kim (truyện ngắn “Mua nhà”) cứ tự dằn vặt, ân hận, tự trách mình là kẻ ích kỷ, cơ hội, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của bạn để mua lại nhà bạn với giá rẻ. Nam Cao là nhà văn hiện thực duy nhất luôn đặt ra những phê phán chính mình. Điều ấy tạo nên sự khác biệt của ông so với các nhà văn cùng thời. Đó cũng là cái lớn của ông.

Đối lập với nhân vật trí thức của Nam Cao, nhân vật của Vũ Trọng Phụng, điển hình là Xuân tóc đỏ lưu manh cầu bất cầu bơ, song tự biết mình là kẻ khốn nạn gặp thời, không cố tình đeo mặt nạ như các ông quan bà phán khác.

Trong đời sống sáng tác và phê bình văn học hiện nay đa phần là những tiếng nói ngợi ca một màu, cùng chiều. Nếu có khác biệt, thì sự khác biệt ấy lại bị đẩy thành cực đoan. Càng không có tiếng nói phản biện, chất vấn từ bên trong.

Chúng ta đẹp hơn trong những bộ trang phục chỉn chu và lớp điểm trang kỹ lưỡng. Chúng ta rất trách nhiệm, rất tốt với mình và cộng đồng. Nhưng chúng ta đã không đủ nhẫn nại, không đủ bình tĩnh, không đủ thấu hiểu và khoan dung với những cá thể khác.

Vũ Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ung-xu-giua-trang-doi-post724642.html