Ứng xử với thị trường vàng
Tôi là người xa lạ với vàng. Từ lúc còn nhỏ đến bây giờ, tôi chưa từng mua một chỉ vàng nào để tích trữ, phòng cơ hay trả nợ.
Tuy vậy, thi thoảng tôi vẫn ra các cửa hàng vàng để xem người ta xếp hàng rồng rắn mua vàng nhân ngày Thần tài để chứng kiến “cơn khát” của người dân với vàng.
Gần đây, khi “thị trường” vàng được tổ chức lại, được bán qua các ngân hàng thương mại, thì cảnh rồng rắn lại tiếp tục xuất hiện, như cách người dân xếp hàng trước các tiệm vàng trong các ngày Thần tài.
Dù không mua vàng, nhưng phải thú nhận là tôi rất quan tâm đến cách “thị trường” vàng vận hành. Xin nhấn mạnh là từ thị trường được đưa vào trong ngoặc kép vì nội hàm của nó là quá xa vời trong trường hợp của vàng.
Lại có chuyện mấy ngân hàng thương mại nhà nước chỉ bán vàng cho khách hàng có tài khoản ngân hàng của họ.
Nhưng đáng kể nhất là việc, ở TP.HCM người ta vừa lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng nhằm các mục tiêu được báo chí phản ánh là: “thu thập thông tin người mua bán vàng miếng và chuyển cho công an nhằm phát hiện nghi vấn đầu cơ”; “phát hiện, xử lý các nghi vấn buôn lậu, đầu cơ, trục lợi, gây bất ổn thị trường vàng”; “thu thập và chuyển giao cho công an thông tin các cá nhân mua vàng tại các điểm bán vàng miếng của SJC và 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn” và “phát hiện các cá nhân nghi vấn được thuê mua, thu gom vàng, cung cấp thông tin kịp thời cho lực lượng công an”.
Cách quản lý này là sự thật và khiến tôi đọc đi đọc lại nhiều lần.
Vì sao lại phải ứng xử như vậy với những người mua vàng? Làm sao phân biệt được đâu là người mua vàng “đầu cơ”, “trục lợi” với những người có nhu cầu thực? Vì sao lại phải báo công an thông tin những người mua vàng? Họ đâu có vi phạm pháp luật!
Ta thử hình dung: nếu các quy định như trên được áp dụng ở thị trường chứng khoán, thị trường xăng dầu, thị trường đất đai hay bất kỳ thị trường nào khác thì hệ lụy sẽ như thế nào?
Trên các thị trường đó, người ta sẽ báo công an danh sách những người tham gia nếu thấy biểu hiện “đầu cơ”, “trục lợi”?
Ứng xử với thị trường nên theo cách thức “đối tác” thay vì “đối tượng”, nhất là nền kinh tế đã trải qua gần 40 năm sau Đổi mới và nhiều quy luật thị trường, quy luật cung cầu đã bén rễ sâu sắc vào thị trường, giúp cho các thị trường vận hành trơn tru, hiệu quả, mang lại sự phồn vinh cho cả Nhà nước và người dân.
Nhân đây, xin kể một vài câu chuyện về cách ứng xử, tôn trọng thị trường hàng hóa của các nhà lãnh đạo trong những năm đầu Đổi mới mà tôi được nghe lại trong quá trình làm báo.
Cuối năm 1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười mời nhiều chuyên gia kinh tế đến để tìm giải pháp cho tình hình lạm phát ở nước ta. Lúc bấy giờ, lạm phát cao là do nhiều nguyên nhân nhưng các vị chuyên gia khuyên phải xử lý được một nguyên nhân cơ bản là tiền nhiều hơn hàng. Lúc đó, hàng hóa vô cùng khan hiếm và vẫn còn chế độ tem phiếu.
Các vị chuyên gia khuyên là nên để cho dân tự do buôn bán lương thực, thực phẩm. Nghe vậy, ông Mười ngần ngại hỏi lại: “Các anh nói lạ, dạ dày của dân Nhà nước còn không lo nổi thì sao mấy bà tiểu thương lo được?”. Tuy nhiên, ông cũng ban hành chỉ thị thử nghiệm cho dân tự do mang hàng hóa vào Thủ đô.
Chỉ thời gian ngắn sau, lương thực, thực phẩm tràn ngập các chợ và các cửa hàng mậu dịch không còn cảnh xếp hàng. Sau Tết âm 1989, ông cho triển khai chính sách trên toàn quốc và từ đó, hệ thống tem phiếu được bỏ đi.
Hồi đó, cán bộ đi công tác nước ngoài mang hàng về đều bị Nhà nước trưng mua với giá rất rẻ. Thấy có bất cập, nên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã bỏ chính sách này, khơi thông cho việc mang hàng về Việt Nam.
Có một chuyện đặc biệt liên quan đến quyết tâm của ông Mười trong nỗ lực khơi thông dòng hàng mà tôi muốn kể thêm. Một lần, ông và vài cán bộ đi lên thăm đường biên giới ở Lạng Sơn, người sau phải đi đúng lên dấu chân của người trước để đề phòng mìn. Ông ở đó hơn ba giờ đồng hồ, nghiên cứu địa hình và sau đó, yêu cầu gỡ mìn để nhân dân biên giới có thể đi lại dễ dàng hơn, mang được hàng về Việt Nam.
Những nỗ lực trên và nhiều hơn nữa đã làm cho hàng hóa dần dần đầy thị trường, khoảng cách tiền – hàng được thu hẹp, nhờ đó mà phạm phát dần được đẩy lùi.
Kể lại câu chuyện trên đây, tôi muốn nói, các nhà lãnh đạo của thời kỳ tem phiếu vẫn có thể thay đổi tư duy quản lý, mà nhờ đó thị trường hàng hóa ở Việt Nam đã phát triển ngoạn mục, trở thành “thị trường nhất” trong các loại thị trường ở nước ta. Gạo, thịt, trứng, sữa,… luôn được thị trường cung cấp đầy đủ, nếu khan hiếm thì giá lên, dư thừa thì giá xuống, Nhà nước không phải can thiệp, “bình ổn” gì cả.
Liên hệ với “thị trường” vàng, tôi cũng hiểu đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến vấn đề tỷ giá. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang gia tăng, mà phải bỏ ra một lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng, thì áp lực đó có thể gia tăng. Vì thế, các nhà quản lý phải tăng cường các biện pháp hành chính.
Tuy vậy, cách làm hiện nay là bán một lượng vàng nhất định, với giá ấn định qua một số ngân hàng Nhà nước được chỉ định không khác gì áp dụng quota và giá bình ổn – một dạng can thiệp rất thô sơ thời kinh tế kế hoạch.
Và nhất là việc can thiệp với những người mua vàng, như trình bày trên đây, là điều rất không nên trong ứng xử với thị trường.
Kể từ năm 2014 đến gần đây, sau khi Nhà nước độc quyền vàng thì cung vàng miếng trên thị trường gần như không có. Đây là huyệt đạo để khơi thông thị trường vàng. Lẽ ra, ứng xử với thị trường vàng cũng nên học kinh nghiệm của thị trường hàng hóa của các nhà lãnh đạo thời đầu Đổi mới.
Tôi chợt nhớ lại đánh giá của ông Đặng Xuân Thanh ở một hội nghị về kinh tế nhà nước ở Viện Hàn lâm Khoa học, rằng gần đây nhiều thị trường được quản lý, siết chặt, kiểm soát như vàng, gây ra nhiều vấn đề rất lớn cho thị trường.
Kinh tế thị trường, trong đó có thị trường vàng, có được nhờ tự thân thay đổi, cải cách là tốt nhất, hiệu quả nhất, hơn hẳn qua cách vận động.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ung-xu-voi-thi-truong-vang-2307829.html