Ứng xử với trẻ em
Ngày 1/9/2023, Brown được cả thế giới biết đến khi nhặt được viên kim cương màu nâu vàng, nặng 2,95 carat trong lễ sinh nhật tại công viên Crater of Diamonds, bang Arkansas (Mỹ). Khi ấy, cô bé 7 tuổi đã thốt lên: 'Bố ơi! Bố ơi! Con đã tìm thấy kim cương'.
Niềm vui mà cô bé có được là ước mơ của hàng triệu người trên trái đất. Nhưng liệu đó có phải là thứ quý giá nhất mà con người có được trong cuộc đời của mình, có phải là cái "đích" sớm đạt được hay còn nhiều điều quý giá hơn ở một con người…
Người viết còn nhớ Ralph Waldo Emerson (1803-1882) đã từng nói: "Những người nông cạn tin vào may mắn. Những người mạnh mẽ tin vào nhân quả". Yếu tố "nhân quả" mà nhà thơ người Mỹ nói đến chính là sự nỗ lực, sự quyết tâm, trí tuệ, tầm nhìn để đạt được thành công chứ không chỉ sự may mắn của số phận. Trẻ em cần điểm xuất phát để nỗ lực chứ không chỉ trông đợi những cái đích bất ngờ nhưng điểm khởi đầu ấy ở đâu thì cần câu trả lời từ phía chúng ta.
Có lẽ, Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức vào sáng 10/9 tại Nhà Quốc hội là một sự khởi đầu như thế. Tham dự sự kiện này, các bạn nhỏ vừa có thêm động lực học tập, phấn đấu để thành người công dân ưu tú, đóng góp cho đất nước trong tương lai vừa khẳng định được vai trò của trẻ em trong xã hội hiện nay.
Kết quả của sự kiện này đã được khẳng định như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói: "Tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới" (theo: Linh Phan-Duy Linh-Báo Nhân dân). Trẻ em đã làm chúng ta thay đổi nhận thức và từ đó xã hội sẽ phát triển theo hướng tốt đẹp hơn. Thực tế đã chứng minh cộng đồng, quốc gia nào quan tâm chăm sóc trẻ em đều đạt đến sự tiến bộ, văn minh và phát triển. Nhưng trẻ em có vị thế như thế nào để có ảnh hưởng trong xã hội hôm nay vẫn là một ẩn số cần được "giải mã". Trước hết, cần phải nhìn lại quan điểm về trẻ em trong từng thời điểm lịch sử.
Đã khi nào chúng ta tự hỏi: Trẻ con biết gì? Trẻ con đã thực sự có tiếng nói hay mới chỉ là đối tượng đang dần hình thành tư duy và nhận thức. Trong xã hội phong kiến đề cao trật tự, trẻ em được quan niệm là "người lớn thu nhỏ" khi được: "được lao động, sản xuất, ăn uống, vui chơi, hội hè bên cạnh người lớn mà không được quan tâm chăm sóc và giáo dục riêng". Ở thời hiện đại với tinh thần mới, trẻ em được giải phóng khỏi những quy định khắt khe như nhà giáo dục học người Ý Maria Montessori (1870-1952) đã nói: "Chơi đùa là công việc của trẻ nhỏ". Còn trong thời đại ngày nay các em nhỏ có đứng ngoài những xu thế, những "cuộc chơi"?
Không thể phủ nhận trẻ em ngày nay bị lệ thuộc vào công nghệ, vào thế giới ảo và mất đi sự kết nối hòa nhập với cộng đồng, dẫn đến vô cảm với gia đình và xã hội thực tại. Tuy nhiên, nhiều khi các em cũng từng bị người lớn "không tính đến" trong cuộc sống. Còn nhớ, cách đây chừng một năm, một quán cà phê ở TP Đà Nẵng từng ra thông báo "xin phép từ chối khách dẫn theo trẻ em dưới 12 tuổi" hay hiện tượng ''No kids zone" (khu vực hạn chế trẻ em) từng xuất hiện ở một số nơi.
Khi chúng ta không cần đến trẻ em liệu trẻ em có cần chúng ta? Công nghệ có thể cuốn hút được các bạn nhỏ khi người lớn chưa thực sự có một văn hóa ứng xử với trẻ em thực sự thay vì chỉ dọa và dỗ, cấm và chiều chuộng.
Người viết cho rằng trong cuộc sống này mọi quan niệm, tình cảm thẩm mỹ trong ứng xử phải xuất phát từ giá trị. Có lẽ, chưa cần đọc "Cây vĩ cầm Ave Maria" của Kagawa Yoshiko để cảm nhận nỗi đau trước cái chết của một đứa trẻ trong chiến tranh chúng ta đã ý thức được sự may mắn của bản thân khi được lớn lên ở một đất nước độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định, phát triển... Tuy nhiên, để trẻ có thể phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần còn phụ thuộc vào mỗi chúng ta, vào cuộc sống trong từng ngôi nhà. Như Orlando Aloysius Battista (1917-1995) đã nói: "Di sản tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con cái là chút ít thời gian mỗi ngày", thời gian, tâm trí, ý tưởng mà bạn dành cho con trẻ còn giá trị hơn khoản thừa kế mà bạn để lại cho chúng sau này. Trẻ được thừa nhận như thế nào sẽ lớn lên bằng sự đối xử đó.
Cách đây ít lâu, khi đang ngồi trà đá vỉa hè, tôi giật mình bởi tiếng quát của bà bán hàng với đứa cháu nội như một sự cự tuyệt tình bà cháu. Chuyện là gần đây giữa bà nội và bố mẹ cháu có xích mích dẫn đến từ mặt nhau. Nhưng điều đau đớn nhất là khi đứa cháu nội muốn lấy một viên đá lạnh từ cái thùng đá của bà, đứa trẻ đã phải nhận những lời cay nghiệt mà có thể sẽ khiến nó tổn thương suốt cuộc đời. Nhiều người vẫn nghĩ trẻ em chỉ là nhân vật phụ, là nơi trút giận, hồ nghi, đay nghiến và thể nghiệm những quan điểm sống hà khắc. Họ quên mất rằng trẻ em có quyền và đương nhiên phải có một cuộc đời riêng, cơ hội phát triển riêng, thậm chí các em còn mang trên vai gánh nặng bởi những quan điểm mà hôm nay chúng ta áp đặt cho các em.
Một người già đã kể với tôi về mối quan hệ giữa ông và anh con trai: "Ngày trước tôi đèo nó ngồi sau xe, chỉ bảo cho nó về các con đường. Sau này lớn lên nó và tôi mỗi người đi một xe ít khi đi cùng và đến giờ tôi ngồi sau vô lăng, phó mặc cho nó đưa đâu thì đi, không phản đối và an phận với tuổi già". Tôi cười rồi hỏi ông có cảm thấy bị mất vị thế không? Ông trả lời: "Ồ không, sở dĩ tôi giữ được sự ảnh hưởng với con tôi không phải bởi "quyền huynh thế phụ", bởi cái uy mà ở chính tình cảm như một người bạn từ lúc con tôi còn nhỏ".
Coi con cái như một người bạn có phải là một ý kiến hay? Chỉ biết rằng một đứa trẻ thông minh trong xã hội hiện đại không chỉ biết tư duy sáng tạo, học hỏi mà còn phải biết tự tin và chia sẻ cảm xúc. Vậy đứa trẻ ấy sẽ chia sẻ với ai, sẽ tự nhiên như thế nào để phát huy hết sự sáng tạo. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang sứ mệnh là chỗ dựa của cha mẹ, là "của để dành" cho tương lai nhưng cũng là cơ hội để chúng ta soi lại bản thân mình. Trước mỗi đứa trẻ, ta nhận ra con người hồn nhiên vốn có của mình và sự nhân ái, chân thành. Bài test mang tên sự suy ngẫm đó đã và đang rất cần thiết cho cuộc sống này.
Theo một thống kê được nêu trên Báo Thanh niên trong bài viết của tác giả Thu Hằng sau 19 năm hoạt động (2004-2023): "Tổng đài 111 đã tiếp nhận gần 5,4 triệu cuộc gọi đến. Trong đó, đã tư vấn 469.408 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.601 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em". Thiết nghĩ, chỉ khi nào chúng ta xác lập một mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng với trẻ em thì những nỗi đau này mới được giảm thiểu.
Có thể một em bé bỗng trở nên nổi tiếng khi nhặt được viên kim cương; có thể một em bé được nhiều người biết đến khi đoạt một giải thưởng hay dũng cảm cứu người khác trong gang tấc. Nhưng có những em bé chỉ hồn nhiên sống trong những năm tháng tuổi thơ của mình với sự tinh nghịch, hiếu động, vô lo, vô nghĩ khiến chúng ta mệt nhoài nhưng vẫn là điều quý giá trong cuộc sống này.
Dù trẻ em chưa bước vào tuổi lao động, chưa tạo ra giá trị vật chất và tư cách về mặt pháp lí nhưng lại luôn có một vị thế, một ảnh hưởng đặc biệt. Một xã hội văn minh, tiến bộ là một xã hội tôn trọng pháp luật về bảo vệ trẻ em. Bởi thế, khi ứng xử tôn trọng và bình đẳng với trẻ em, chúng ta sẽ tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống, được nhận diện lại bản thân mình để không tự trói buộc mình vào trạng thái overthinking (tình trạng suy nghĩ quá nhiều) trong cuộc sống này…
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/ung-xu-voi-tre-em-i708006/