Unicef: Một tỷ trẻ em đang chịu 'rủi ro cực độ' do tác động của khí hậu

Theo báo cáo của Unicef, gần một nửa trong số 2,2 tỷ trẻ em trên thế giới đang có 'nguy cơ cực kỳ cao' bị ảnh hưởng do tác động của khủng hoảng khí hậu và ô nhiễm. Người đứng đầu cơ quan Liên Hợp Quốc gọi tình huống này là 'thảm khốc không thể tưởng tượng được'.

Mưa lớn gây ngập lụt ở Trung Quốc. Ảnh: GI

Bài liên quan

Bill Gates đề nghị tài trợ 1,5 tỷ USD nếu Mỹ ban hành luật chống biến đổi khí hậu

Nhiều quốc gia có thể biến mất trong 1 thế kỷ do biến đổi khí hậu

Báo cáo khí hậu phải là “hồi chuông báo tử” cho nhiên liệu hóa thạch

Liên hợp quốc cảnh báo thiên tai sẽ xảy ra thường xuyên do biến đổi khí hậu

Báo cáo cho biết gần như mọi trẻ em trên khắp thế giới đều có nguy cơ chịu ít nhất một trong những tác động của biến đổi khí hậu: bao gồm sóng nhiệt, lũ lụt, lốc xoáy, dịch bệnh, hạn hán và ô nhiễm không khí. Nhưng 1 tỷ trẻ em sống ở 33 quốc gia phải đối mặt với ba hoặc bốn tác động cùng một lúc. Các quốc gia này bao gồm Ấn Độ, Nigeria và Philippines, và phần lớn châu Phi cận Sahara.

Đây là báo cáo đầu tiên kết hợp các báo cáo về tác động của khí hậu và môi trường với các báo cáo về tình trạng dễ bị tổn thương của trẻ em, chẳng hạn như nghèo đói và khả năng tiếp cận nước sạch, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Ông Nick Rees, một trong những tác giả của báo cáo cho biết: “Về cơ bản, báo cáo cho thấy khả năng thích nghi của trẻ em sau biến đổi khí hậu".

Báo cáo được đưa ra cùng ngày kỷ niệm 3 năm nhà hoạt động trẻ Greta Thunberg biểu tình tại trường học đầu tiên, điều đã làm dấy lên một phong trào toàn cầu. Sau khi tạm dừng các cuộc biểu tình vì đại dịch, một cuộc biểu tình vì khí hậu toàn cầu được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 24/9.

Cô Henrietta Fore, giám đốc điều hành Unicef, cho biết: “Lần đầu tiên, báo cáo đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về vị trí và cách thức trẻ em dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, và bức tranh đó gần thật thảm khốc ngoài sức tưởng tượng. Hầu như cuộc sống tất cả trẻ em sẽ bị ảnh hưởng".

“Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước các hiểm họa khí hậu”, cô nói. “So với người lớn, trẻ em đòi hỏi nhiều thức ăn và nước hơn và ít có khả năng sống sót qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn”.

Cô Fore nói: “Các quyết định bây giờ sẽ xác định tương lai của trẻ em. Trẻ em và những người trẻ tuổi cần được công nhận là những người thừa kế hợp pháp của hành tinh này".

Nhà hoạt động Thunberg nói: “Chúng tôi không chỉ là nạn nhân, chúng tôi còn đang dẫn đầu cuộc chiến. Nhưng thế giới vẫn không coi khủng hoảng khí hậu như một trường hợp khẩn cấp. Chúng tôi vẫn chỉ đang nói chuyện thay vì hành động thực sự. Nhưng mặt khác, đã có hàng triệu người được truyển cảm hứng, đặc biệt là giới trẻ, và đó là một bước đi đúng hướng rất quan trọng”.

Nkosilathi Nyathi, một nhà hoạt động khí hậu đến từ Zimbabwe, cho biết những đợt nắng nóng và lũ lụt đã làm gián đoạn việc học của anh và những người nông dân trong làng của anh đang phải vật lộn với thời tiết khó lường. "Những người trẻ tuổi là tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất của thế giới”, anh nói.

Báo cáo của Unicef cho biết tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu rất có thể trở nên tồi tệ hơn và phản ánh một sự bất bình đẳng sâu sắc. Cô Rees cho biết: “10 quốc gia hàng đầu có nguy cơ cực kỳ cao chỉ chịu trách nhiệm cho 0,5% lượng khí thải toàn cầu”.

Báo cáo cho thấy 920 triệu trẻ em đang tiếp xúc nhiều với tình trạng khan hiếm nước, 820 triệu trẻ em phải đối mặt với sóng nhiệt và 600 triệu trẻ em mắc các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết, điều có khả năng trở nên tồi tệ hơn khi điều kiện khí hậu khiến muỗi và mầm bệnh lây lan nhiều hơn.

“Nhưng vẫn còn thời gian để hành động", cô Fore nói. “Cải thiện khả năng tiếp cận của trẻ em với các dịch vụ thiết yếu có thể làm tăng đáng kể khả năng sống sót của trẻ em trước những hiểm họa khí hậu này. Unicef kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp lắng nghe trẻ em và ưu tiên các hành động bảo vệ chúng khỏi các tác động, đồng thời đẩy nhanh công việc nhằm giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính”.

Cô Mitzi Jonelle Tan, một nhà vận động thanh niên đến từ Philippines, người cũng đã giúp đưa ra báo cáo, cho biết: “Một trong những lý do tôi là một nhà hoạt động khí hậu là vì tôi sinh ra trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu giống như rất nhiều người trong chúng ta. Tôi có những kỷ niệm sống động như khi làm bài tập dưới ánh nến khi bão hoành hành bên ngoài, làm mất điện, và tôi sợ chết đuối trong phòng ngủ của mình vì tôi sẽ thức dậy trong một căn phòng ngập nước".

“Cop26 phải thay đổi điều gì đó bởi vì những hội nghị này chỉ đưa ra những lời hứa suông và những kế hoạch mơ hồ”, cô nói.

Nhà hoạt động Thunberg cũng nói rằng: "Chúng tôi muốn họ ngừng nói và bắt đầu hành động”.

Quốc Thiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/unicef-mot-ty-tre-em-dang-chiu-rui-ro-cuc-do-do-tac-dong-cua-khi-hau-post151290.html