Ước mơ 'sống được bằng lương' của nhà giáo dần được hiện thực hóa

Mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên 2,34 triệu đồng sẽ góp phần giúp dần hiện thực hóa ước mơ 'sống được bằng lương' của nhà giáo.

Giáo viên mong chính sách tiền lương mới sẽ được áp dụng một cách đầy đủ để cải thiện thu nhập. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Giáo viên mong chính sách tiền lương mới sẽ được áp dụng một cách đầy đủ để cải thiện thu nhập. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất với phương án chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, thay vào đó sẽ tăng lương cơ sở lên 2.340.000 đồng từ 1/7/2024; tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới.

Tạo thêm nguồn động lực

Cô Nguyễn Thị Hải Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường (Ba Vì, Hà Nội) đánh giá, việc Nhà nước chuẩn bị tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7 tới đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh lương giáo viên nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung.

Dù vậy, thầy cô luôn kì vọng về cải cách tiền lương thực sự, Nhà nước trả lương theo vị trí việc làm để giáo viên yên tâm công tác. Giáo dục là quốc sách hàng đầu thì thang bảng lương cũng nên điều chỉnh phù hợp với cống hiến của nhà giáo nhằm thu hút người tài, giữ chân giáo viên.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh.

Bày tỏ niềm vui trước thông tin này, cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, việc tăng lương cơ sở sẽ giúp người lao động giảm bớt khó khăn về kinh tế, đồng thời tạo thêm động lực về tinh thần cho đội ngũ giáo viên. Khi đời sống được đảm bảo, thầy cô sẽ có tâm lý thoải mái, tập trung vào công việc.

Theo cô Dung, mức lương cơ bản hiện nay của giáo viên chỉ ở mức trung bình khá so với mặt bằng chung. Việc tăng lương cơ sở sẽ giúp giáo viên có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống, lo cho gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh giá cả hàng hóa leo thang. Từ đó, thầy cô có thể yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Hơn nữa, ngành Giáo dục luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Với mức lương hiện tại, nhiều giáo viên, đặc biệt là những giáo viên trẻ, có năng lực đang có xu hướng dần chuyển sang các ngành nghề khác có mức thu nhập cao hơn. Mức lương xứng đáng sẽ là động lực để giáo viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Giảm bớt gánh nặng

Một giờ lên lớp dạy học của cô Phạm Thị Thu Hằng tại Trường THCS Trần Đăng Ninh, TP Nam Định.

Một giờ lên lớp dạy học của cô Phạm Thị Thu Hằng tại Trường THCS Trần Đăng Ninh, TP Nam Định.

Với 26 năm công tác trong nghề, cô Phạm Thị Thu Hằng – giáo viên Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) cho hay, việc tăng lương thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với đội ngũ giáo viên. Đây cũng là động lực giúp giáo viên thêm tâm huyết trong sự nghiệp “trồng người”.

Nhiều thầy cô sẽ cảm thấy giảm bớt được gánh nặng cơm áo gạo tiền mỗi ngày. Lương giáo viên được cải thiện sẽ góp phần nâng cao vị thế của nhà giáo trong xã hội. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp to lớn của giáo viên trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước.

“Việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng là một tin vui đối với giáo viên. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu tiên trong việc cải thiện đời sống của nhà giáo. Cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội để xây dựng môi trường giáo dục ngày càng tốt hơn, thu hút và giữ chân nhân tài cho ngành giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”, cô Hằng chia sẻ thêm.

Lương giáo viên hiện nay vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung.

Lương giáo viên hiện nay vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Dung, việc tạm thời chưa cắt giảm phụ cấp thâm niên khiến nhiều giáo viên, nhất là những thầy cô lớn tuổi cảm thấy hài lòng. Phụ cấp thâm niên là khoản thu nhập quan trọng giúp giáo viên trang trải cho cuộc sống, đồng thời cũng là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của họ trong sự nghiệp giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường THCS Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) xúc động nói: "Lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng là một tín hiệu tích cực cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành tới đời sống nhà giáo. Nguyện vọng giáo viên sống được nhờ tiền lương đang từng bước được hiện thực hóa - điều mà nhiều thế hệ nhà giáo luôn trăn trở".

Thời gian qua, nhiều giáo viên đề xuất tăng lương cơ sở và giữ nguyên phụ cấp thâm niên. Các cấp lãnh đạo đã có sự lắng nghe, tiếp nhận kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo và từ đó đưa ra quyết định phù hợp, mang tính công bằng. Chỉ khi được tạo động lực làm việc thì thầy cô mới yên tâm gắn bó với nghề giáo.

Theo nhiều giáo viên, bên cạnh việc tăng lương cơ sở, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần có những giải pháp khác để cải thiện đời sống và nâng cao vị thế của nhà giáo. Trong đó có bổ sung các khoản phụ cấp cho giáo viên như: phụ cấp đặc biệt, phụ cấp hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ giáo viên về nhà ở, y tế, giáo dục con cái; tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/uoc-mo-song-duoc-bang-luong-cua-nha-giao-dan-duoc-hien-thuc-hoa-post688514.html