Ước mơ về một ngôi trường bán trú cho học trò dưới chân dãy Trường Sơn
Cơm không với một ít thức ăn, khá hơn thì có bún, có mì tôm…học trò vùng khó xã Thanh đến với con chữ bằng những bữa ăn như thế
Nằm cách trung tâm thị trấn Khe Xanh của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khoảng 25km, ngay sát dòng sông Xê – Pôn phân chia Việt Nam với nước bạn Lào, xã Thanh là vùng đặc biệt khó khăn.
Tại xã Thanh, đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm 94,16%, hộ nghèo vẫn còn chiếm 70% dân số toàn xã, dẫu còn nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế nhưng bà con dân tộc Vân Kiều vẫn cố gắng cho con em mình học lấy cái chữ.
Tại Trường Trung học cơ sở Thanh hiện có 391 em học sinh các khối, đến từ 7 thôn. Trong đó thôn xa nhất là cách trường 7km.
Mùa khô, các em có thể di chuyển đến trường được nhưng lại gió bụi; còn mùa khô, hành trình đến trường là cả một hành trình vất vả đến cùng cực, nhiều em cứ mưa là nghỉ, mưa là chữ đứt quãng.
Trước đây, theo thầy Phạm Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh, cuộc sống của bà con vô cùng vất vả, điều kiện học tập cho học sinh thiếu thốn vô cùng.
Trường lớp chỉ là những phòng học tranh tre, nứa lá, bàn ghế chỉ là những phiến gỗ đóng tạm.
Những năm gần đây, trường Trung học cơ sở Thanh đã được nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất. Mọi thứ đã tốt dần lên như đã có nhà học kiên cố hóa 2 tầng với 11 phòng học và các phòng chức năng.
Tuy vậy, so với chương trình học phổ thông mới, thời gian tới để đáp ứng được nhà trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nhận thức của phụ huynh và học sinh tại xã Thanh còn có nhiều hạn chế, cùng với đó là địa phương còn nhiều tập tục lạc hậu nên việc học sinh nghỉ học dài ngày thường xuyên xảy ra dẫn đến việc tỉ lệ chuyên cần của học sinh tại trường Thanh thấp.
Do vậy, dù tập thể giáo viên nhà trường đã rất cố gắng nhưng những con số của giáo dục ở xã Thanh cũng còn chưa được như kỳ vọng.
Nhận thức của các em học sinh học cấp Trung học cơ sở ở xã Thanh vẫn là học để làm gì.
Thầy Hải cho biết, “Cần phải nhìn nhận thẳng rằng các em học xong lớp 9, khả năng đi học tiếp của các em rất ít, đặc biệt là các địa bàn thôn xa. Khả năng học lên Trung học phổ thông hay học nghề gần như không có.
Học xong lớp 12 các em cũng lại vào trong rẫy, học xong lớp 9 cũng vào trong rẫy, thậm chí chẳng học các em cũng lại vào trong rẫy”.
Tỉ lệ các em học sinh học lên tiếp tại trường Trung học cơ sở Thanh vô cùng thấp.
Theo thầy giáo Hải: “Hiện các em học sinh học lên cấp cao hơn cũng đã đạt tỉ lệ 20%. Nhiều trường cũng đã vào trực tiếp trường Thanh để tuyển sinh, cũng có một số em đi học nghề. Số học sinh học lên Trung học phổ thông cũng đã có khoảng 20 em.
Học sinh ở trường thì cơ bản là ngoan, nhưng vấn đề ý thức vẫn là vấn đề rất lớn, việc nghỉ học tự do của các em vẫn còn nhiều, ý thức còn thấp”.
Các thầy cô giáo rất vất vả giữ chân các học trò, đặc biệt là thời gian nghỉ Tết dài. “Có những em học sinh đi chơi cả tháng mới về rồi đi học lại, do vậy việc giữ chân các học trò ở trường Thanh vô cùng vất vả.
Sau tết, trường lại phải chia từng đoàn đến các nhà học sinh vận động các em học sinh đi học.
Sắp tới sẽ còn khó khăn hơn nữa với chương trình giáo dục phổ thông mới”, Hiệu trưởng trường Thanh cho biết.
Khi được hỏi làm cách nào giữ các em học trò ở lại lớp, thầy giáo Hải cho biết, hiện tại ở trường phải sử dụng nhiều cách, bên cạnh cách cơ bản như tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp hay tổ chức các hoạt động trái buổi, chúng tôi phải mua thêm đồ ăn, mì tôm cho các em để các em đến trường.
“Vì điều kiện cơ sở vật chất ở trường còn thiếu thốn, không thể tổ chức được bữa ăn bán trú nên rất khó giữ chân các em ở trường để mình có thể giáo dục các em về ý thức học tập.
Đường xa, bước ra cổng trường các em về đến nhà lại tiếp tục vào với công việc nương, rẫy phụ cha mẹ nên việc học hành gặp nhiều khó khăn. Đối với vùng núi, biên giới như xã Thanh lớp học bán trú cấp trung học cơ sở là một ước mơ không chỉ của học sinh mà còn cả các thầy cô giáo.
“Có thời gian ăn ở bán trú các thầy cô giáo mới có điều kiện chăm sóc, dạy bảo học sinh, mới có thể giúp các em chuyển biến về mặt nhận thức được. Như hiện nay, với tập tục của đồng bào dân tộc Vân Kiều, mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái rất khó để kết hợp với nhà trường để giáo dục học sinh được”, thầy Hải cho biết.
Có lẽ, nếu có điều kiện về trường học bán trú, việc giáo dục con em ở xã Thanh cũng sẽ khác rất nhiều.
Những chính sách của nhà nước hỗ trợ cho giáo dục trực tiếp các em sẽ là đối tượng được thụ hưởng, từ đó chất lượng giáo dục mới có thể nâng cao, góp phần vào xây dựng lớp người mới, lớp nghĩ dùng chính sức lực và trí tuệ của mình góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc trong xã Thanh.
Sau cuộc trò chuyện với Hiệu trưởng trường Thanh, chúng tôi bắt gặp một nhóm nữ sinh nhà ở xa nên ở lại trường ăn cơm để học buổi chiều.
Bữa cơm của các em là một nắm cơm trắng, có em ăn với mắm của đồng bào, có em ăn với chút cá mặn, khá hơn một chút là gói mì được các thầy cô giáo pha giúp.
Các em đã đến với con chữ bằng sự tằn tiện và thiếu thốn.
Bữa cơm trưa vội vã của học sinh trường Thanh: