Ươm mầm tài năng từ những sới vật hội làng
Mỗi dịp đầu năm, đấu vật là môn thể thao diễn ra tại nhiều lễ hội. Những sới vật không chỉ mang lại niềm vui ngày Xuân mà còn biểu đạt tinh thần thượng võ, giữ gìn bản sắc văn hóa làng xã từ ngàn xưa; góp phần phát hiện tài năng vật cho các đội tuyển.
Trai làng hừng hực khí thế tranh tài trên sới vật đầu năm
Sau Tết Nguyên đán, những sới vật hội làng được mở ra ở nhiều địa phương của TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung mang lại không khí vui tươi ngày Xuân. Những sới vật sôi động, náo nhiệt không chỉ thắp lên niềm đam mê với môn thể thao truyền thống mà từ đó còn tuyển chọn ra nhiều vận động viên chất lượng cho đội tuyển vật của Hà Nội cũng như quốc gia, hướng đến đấu trường quốc tế.

Trai làng hừng hực khí thế tranh tài trên sới vật đầu năm tại Giải vô địch vật tự do, dân tộc truyền thống mừng Xuân Ất Tỵ TP Hà Nội năm 2025.
Vật là bộ môn có tác dụng tăng cường sức khỏe, rèn luyện ý chí, bản lĩnh, đạo đức, cũng là một trong những môn thể thao thành tích cao đem lại nhiều huy chương ở các kỳ Đại hội TDTT. Những giải vật của nhiều lễ hội trên địa bàn TP nói riêng và cả nước nói chung, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của môn thể thao dân tộc, đặc biệt là nơi nuôi dưỡng, tìm kiếm các vận động viên chuyên nghiệp” - Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao (Sở VH&TT Hà Nội) Đào Quốc Thắng.
Từ đầu tháng Giêng âm lịch đến nay đã diễn hàng loạt hội vật ở khắp các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội như: Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì... Các sới vật thường được tổ chức tại đình làng, chùa, miếu, đền hoặc sân vận động, thu hút hàng nghìn người dân đến xem và cổ vũ.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 20km, sới vật làng Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất) luôn thu hút được đông đảo du khách thập phương mỗi dịp Tết đến Xuân về. Hay Lễ hội vật truyền thống phường Mai Động (quận Hoàng Mai), hội vật làng Khu Ba (xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất) cũng luôn có “sức nóng” khi thu hút nhiều đô vật có tên tuổi tranh tài. Thậm chí, những năm qua ở nhiều hội làng tổ chức kèo vật nam với nữ, có cả đô vật người nước ngoài tham dự, tạo hứng khởi cho khán giả.
Năm 2025, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với huyện Hoài Đức tổ chức Giải vô địch vật tự do, dân tộc truyền thống mừng Xuân Ất Tỵ TP Hà Nội năm 2025 có sự tham dự của hơn 100 vận động viên đến từ 7 đội là các huyện trên địa bàn TP Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài khẳng định, môn vật là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc, đã tồn tại và phát triển từ lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống của Nhân dân lao động. Tại Hà Nội, những năm qua, phong trào tập luyện và thi đấu môn vật không ngừng phát triển. Mỗi trận đấu không chỉ là sự tranh tài về kỹ thuật, chiến thuật mà còn là dịp để chúng ta cùng nhau gìn giữ và phát huy truyền thống thể thao dân tộc.
Phát hiện nhiều tài năng
Những sới vật ngày Xuân không chỉ nơi thể hiện tinh thần thượng võ, mà còn mang ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, hạnh phúc đến với mọi người trong một năm mới.
Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã chứng kiến những chiến tích rực rỡ của các vận động viên như Nguyễn Thị Lụa với HCB giải vật Olympic thế giới, hay các nhà vô địch SEA Games như Nguyễn Thị Mai, Cấn Tất Dự, Nguyễn Đình Long...

Giải vô địch vật tự do, dân tộc truyền thống mừng Xuân Ất Tỵ TP Hà Nội năm 2025 thu hút hàng nghìn người dân đến xem các vận động viên tranh tài.
Trong đó, đô vật Phí Hữu Tình đã mang về trận thắng duy nhất cho vật Việt Nam tại Thế vận hội mùa Hè 1980. Kế tiếp bước cha chú, đô vật Nguyễn Thị Lụa (huyện Quốc Oai) từng giành vé dự Olympic năm 2012 và 2016, HCB tại Á vận hội năm 2010. Nguyễn Thị Lụa cũng là đô vật Việt Nam duy nhất từng hai lần liên tiếp giành vé dự Olympic. Những thành tích ấy là niềm tự hào không chỉ của riêng các vận động viên mà còn của thể thao nước nhà.
Thực tế, những vận động viên từ các địa phương có truyền thống môn vật tiến bộ nhanh vì được tiếp cận với môn vật từ nhỏ. Không chỉ có thể chất phù hợp với môn vật mà còn phát huy những thế vật hay và học được từ cha, chú của mình.
Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao (Sở VH&TT Hà Nội) Đào Quốc Thắng cho biết, nhằm lưu giữ và phát triển môn thể thao truyền thống này, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, còn phải nâng cao chất lượng chuyên môn các giải đấu.
Những năm gần đây, nhiều giải vật lớn cấp quốc gia được Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với địa phương tổ chức như: Giải vô địch vật tự do, vật dân tộc truyền thống Hà Nội, Giải vật dân tộc toàn quốc tranh Cúp Phùng Hưng… thu hút đông đảo các vận động viên chuyên và không chuyên về thi đấu biểu diễn phục vụ người xem. Đây sẽ là nơi để các nhà chuyên môn phát hiện thêm những tài năng, tăng nguồn tuyển chọn cho đội tuyển vật Hà Nội cũng như quốc gia.
Để môn vật tại Hà Nội cũng như Việt Nam phát triển bền vững, có được những đô vật đủ sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế, phải chú trọng đầu tư căn cơ, bài bản từ khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo vận động viên.
"Cùng với đó, chú trọng chung tay để thúc đẩy phong trào tập luyện môn vật thông qua việc hỗ trợ tổ chức, tuyên truyền các giải vật truyền thống, hội vật làng trên mạng xã hội... Cũng từ đây, phong trào vật ở địa phương được gìn giữ, phát triển và thu hút đông đảo người tham gia tập luyện, đặc biệt là trẻ em” - ông Đào Quốc Thắng cho biết.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/uom-mam-tai-nang-tu-nhung-soi-vat-hoi-lang.html