Uống bia trên đê Yên Phụ

Chiếc bàn gỗ thấp chân và chiếc ghế nhựa vừa tầm kê sát bờ tường căn nhà nhiều cây lá, tôi chọn chỗ ngồi mộc mạc dễ chịu này trong một quán bia hơi ven đường cho một chiều rảnh rang để nhâm nhi trước khi rời Hà Nội. Chiều đầu đông, lạnh chưa thấm vào đâu nhưng quán còn thưa khách. Tựa lưng vào tường vôi dưới tán lá nhô ra từ khoảnh sân bên trong, tay nâng cốc bia do cô chủ quán mang ra cùng đĩa nem nhỏ, tôi tò mò dán mắt vào dòng người ngược xuôi ở lòng đường trước mặt.

Với sáu làn xe của hai chiều cùng không gian dành cho các trụ đèn ở giữa, chưa kể lề đường thẳng thớm cho riêng người đi bộ hai bên, đây hẳn là một cung đường được chăm chút tinh tươm của thủ đô. Một không gian đẹp và thú vị! Trong dòng người hối hả ngược xuôi đằng kia với nườm nượp ô-tô, xe máy, có thể ít ai để ý rằng mình đang có mặt ở một nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm nhẹ nhàng mà sâu sắc của Hà thành. Vợ chồng cô chủ quán trẻ, dù tinh ý nhận ra khách lạ ngay từ đầu qua giọng nói của tôi nhưng hẳn không hề biết vì sao ông khách đến từ phương Nam này lại chọn quán mình để mải mê dán mắt vào đoạn đường trước mặt.

Chắc chắn đôi bạn trẻ này không hề biết người khách ấy hào hứng với chỗ ngồi này chỉ vì quán bia của họ nằm trên một con phố đặc biệt mà từ lâu ông ta vẫn ao ước có dịp đặt chân đến: phố Yên Phụ trên đường Yên Phụ.

###

“Loan rẽ lên đê Yên Phụ. Gió bãi thổi làm quần áo Loan phấp phới. Tay giữ chặt lấy khăn san, nàng đi ngược lên chiều gió, hai con mắt lờ đờ nhìn ra phía sông rộng. Sau mấy rặng xoan thưa lá, dòng sông Nhị thấp thoáng như một dải lụa đào. Bên kia sông, gió thổi cát ở bãi tung lên trông tựa một đám sương vàng lan ra che mờ mấy cái làng con ở chân trời. Xa nữa là dãy núi Tam Đảo màu lam nhạt, đứng sừng sững to tát nguy nga, ngọn núi mù mù lẫn trong ngàn mây xám...”.

Đó là đoạn văn in trong sách giáo khoa mà tôi từng thuộc lòng từ lúc học lớp đệ Lục và đệ Ngũ (lớp 7 và lớp 8 bây giờ). Hơn 50 năm rồi nhưng hình ảnh con đê ven sông Hồng ở miền Bắc xa xôi ngày ấy hãy còn sống động, khơi gợi trí tưởng tượng của cậu học trò ở tuổi mới lớn, thôi thúc khao khát được tìm đến để chiêm ngưỡng cảnh trí của một miền đất lạ trên quê hương, một nơi chốn gói ghém bao buồn vui của những phận đời được thể hiện và chuyển tải qua các trang văn. Cậu học trò của hơn nửa thế kỷ trước ấy chừ đang rưng rưng ngồi trong không gian con đê cũ, chỉ cách mép đê dăm bước. Cậu ấy đang hình dung mùa nước lũ năm nào qua những trang văn của bậc tiền bối và lời kể của người trong cuộc, nước lên mấp mé, cách mặt đê chỉ vỏn vẹn nửa thước, đe dọa mạng sống của hàng ngàn người. Bãi ngoài kia, những khóm tre chằng chịt được trồng để ngăn lũ, các điếm canh hộ đê bấy giờ chìm dưới mặt nước bao la. Rồi cảnh chạy lũ diễn ra từ giữa tháng Năm đến rằm tháng Bảy hằng năm, thuở chưa có hồ thủy điện giúp khống chế mực nước, với rộn ràng dân ngoài bãi bôn ba gồng gánh qua mặt đê, tìm đến nơi cao ráo. Trí tưởng và dòng hồi ức từ các trang văn dắt tôi về một nơi chốn bình yên với quá khứ và hiện tại luôn tiếp nối, đan xen để giữ cho được nét cổ xưa vừa thơ mộng vừa huyền ảo. Và hình ảnh cô Loan - nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh - trong một chiều rảo bước qua đoạn đê này với bao tâm sự ngổn ngang của một thiếu nữ tân thời gồng mình đương đầu với bao khắc nghiệt đắng cay của xã hội phong kiến để tìm cho mình một lối đi riêng thì như chẳng thể phai.

Triền đê.

Triền đê.

###

“Đê ngày ấy vô tới đó đấy!”. Một cụ già ngồi bàn kế bên hào hứng tiếp nối dòng suy tưởng của tôi. Cụ vừa nói vừa chỉ tay vào khoảng cỏ xanh nằm giữa hai chiều đường Yên Phụ và rồi sôi nổi kể với mọi người xung quanh về những chuyến cùng gia đình chạy lũ từ bãi làng bên kia qua mặt đê bên này vào thời niên thiếu. Giọng cụ có lúc xúc động khi nhắc đến những chiếc điếm canh mọc rải rác giữa làng, những xóm thôn xác xơ hiu hắt sau mùa lũ cùng những cảnh đời gian nan thời xa xưa gắn bó với con đê.

Lời cụ khiến tôi liên tưởng đến cảnh thương tâm của gia đình bác phó nề Thức trong truyện ngắn “Anh phải sống” của Khái Hưng và Nhất Linh với đoạn mở đầu mà hầu như cô cậu học trò cấp hai nào thời đó cũng thuộc: “Trên đê Yên Phụ một buổi chiều mùa hạ. Nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy, tưởng muốn lôi phăng cái cù lao ở giữa sông đi. Theo dòng nước đỏ lờ đờ, những thân cây, những cành khô trôi từ rừng về nổi lềnh bềnh như một dãy thuyền nhỏ...”. Những khúc gỗ kích thích sự liều mạng mưu sinh của đôi vợ chồng nghèo đang phân vân do dự khi đứng trên bờ sông, nhất là khi họ nghĩ tới ba đứa con nhỏ đang khóc trong mái tranh lụp xụp vì thiếu sữa, thiếu cơm. Chiếc thuyền nan liều lĩnh ra giữa dòng, chồng lái vợ bơi, vừa vớt củi vừa chống lại sức nước để rồi chẳng bao lâu sau bị lật úp khiến cả hai phải chới với ngụp lặn giữa dòng nước lớn. Phó nề Thức vừa bơi vừa dìu vợ cố vượt sóng dữ nhưng không còn đủ sức để cả hai cùng vào bờ. Sức đã cạn nhưng bờ còn xa mà dòng nước càng lúc càng hung tợn, người vợ đành buông tay cho chồng đủ sức vào bờ sau câu nói đanh thép: “Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé! Không, anh phải sống!”.

###

Đặt cốc bia xuống bàn, tôi kể vắn tắt với cụ già về truyện ngắn đăng trên báo Phong Hóa năm 1933 và ông cụ có chiều xúc động. Mắt cụ nhìn ra xa, có lẽ về hướng những xóm bãi ven đê ngày nào. Nhìn gương mặt cụ lúc này, tôi không dám đọc tiếp đoạn kết dù đó là đoạn văn mà mình thuộc làu từ thời cắp sách: “Đèn điện sáng rực bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái đứng bên cạnh... Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng”.

May mắn làm sao, sau phút trầm ngâm, ông cụ bỗng nâng cốc lên mời, giọng hào sảng: “Hay lắm! Một nhắc nhớ cần thiết với bao người. Sông bây giờ vẫn chảy nhưng không hề lãnh đạm đâu, phải không nào!”.

Và chúng tôi cùng cười vang cùng nhìn ra dòng người ngược xuôi phía trước. Giọng ai đó đùa vui: “Cô Loan kia rồi! Cô ấy vừa cưỡi chiếc Vision lướt qua!”.

(TPHCM, tháng 12-2024)

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/uong-bia-tren-de-yen-phu-post308002.html