Uống cà phê kiểu nào để không bị mắc bệnh tiểu đường?

Mới đây, nghiên cứu lớn trên người trưởng thành Hàn Quốc phát hiện mối liên hệ giữa uống cà phê và giảm nguy cơ tiểu đường Type 2, bất kể caffeine hay không.

Cà phê giàu hợp chất như caffeine và polyphenol, được cho là có thể hỗ trợ chức năng insulin và chống viêm. Tuy nhiên, không phải loại cà phê nào cũng mang lại lợi ích tương tự.

 Mới đây, nghiên cứu lớn trên người trưởng thành Hàn Quốc phát hiện mối liên hệ giữa uống cà phê và giảm nguy cơ tiểu đường Type 2, bất kể caffeine hay không. Ảnh: PHƯƠNG LÊ.

Mới đây, nghiên cứu lớn trên người trưởng thành Hàn Quốc phát hiện mối liên hệ giữa uống cà phê và giảm nguy cơ tiểu đường Type 2, bất kể caffeine hay không. Ảnh: PHƯƠNG LÊ.

Do đó, cách bạn thưởng thức cà phê rất quan trọng. Nghiên cứu này đặc biệt chú trọng vào cách thức tiêu thụ cà phê ảnh hưởng đến các chỉ số sức khỏe liên quan đến đường huyết.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Khảo sát Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Hàn Quốc (KNHANES) giai đoạn 2019-2021 với sự tham gia của 7.453 người. Đánh giá mức độ tiêu thụ (báo cáo 24 giờ), phân loại thành cà phê đen và có thêm đường/kem, phân nhóm theo lượng uống hàng ngày (không uống, ≤ 1 tách/ngày, 2 tách/ngày, ≥ 3 tách/ngày). Các đặc điểm khác về lối sống, nhân khẩu học của các nhóm uống cà phê khác nhau cũng được phân tích.

Phân tích thống kê được thực hiện có điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu như tuổi tác, giới tính, chất lượng chế độ ăn, hoạt động thể chất và thu nhập để đảm bảo tính tin cậy của kết quả. Các nhà khoa học cũng phân tích ảnh hưởng khác biệt của cà phê theo giới tính và tuổi tác.

Những phát hiện chính

Lượng tiêu thụ và chuyển hóa Glucose: Kết quả cho thấy uống 2 tách cà phê mỗi ngày có vẻ liên quan đến chuyển hóa glucose tốt hơn so với không uống, thể hiện qua các chỉ số kháng insulin thấp hơn (HOMA-IR, insulin lúc đói).

Cà phê đen và cà phê có thêm đường/kem: Đáng chú ý, chỉ uống cà phê đen mới cho thấy mối liên hệ tích cực. Uống tách cà phê đen/ngày liên quan đáng kể đến chuyển hóa glucose tốt hơn. Ngược lại, uống cà phê có thêm đường hoặc kem không cho thấy lợi ích rõ rệt nào đối với các chỉ số này. Điều này gợi ý uống cà phê đen nguyên chất có thể có tác động tích cực đến khả năng xử lý đường của cơ thể.

Khác biệt theo giới tính và tuổi tác: Phân tích cũng chỉ ra sự khác biệt theo giới tính: ở phụ nữ, uống 2 tách cà phê trở lên/ngày (đặc biệt uống cà phê đen) liên quan đến các chỉ số sức khỏe đường huyết tốt hơn, cho thấy khả năng kiểm soát đường huyết và insulin tốt hơn. Lợi ích này không rõ ràng ở nam giới hoặc nhóm uống cà phê có thêm đường/kem. Ở người lớn tuổi, lượng cà phê cao hơn cũng liên quan đến chuyển hóa glucose tốt hơn, dù cần diễn giải cẩn thận do các yếu tố sức khỏe đặc thù.

Hạn chế của nghiên cứu

Nghiên cứu có một số hạn chế cần lưu ý. Dữ liệu về thói quen uống cà phê chỉ được thu thập tại một thời điểm duy nhất, không phản ánh sự thay đổi theo thời gian.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhóm uống nhiều cà phê có xu hướng có các đặc điểm khác (BMI cao hơn, ít vận động, hút thuốc...) có thể ảnh hưởng đến kết quả. Nghiên cứu cũng chưa tính đến các loại cà phê khác (như decaf), nguồn caffeine khác (trà, đồ uống tăng lực) hoặc tác động của chất thay thế đường.

Áp dụng vào cuộc sống thực

Dựa trên nghiên cứu này, cách bạn uống cà phê có thể tạo nên sự khác biệt đáng kể, đặc biệt nếu bạn muốn giảm nguy cơ tiểu đường Type 2. Nếu bạn thường uống cà phê có nhiều đường, kem hoặc hương liệu, hãy cân nhắc chuyển sang cà phê đen hoặc giảm lượng phụ gia.

Lựa chọn này không chỉ giúp tiết kiệm calo mà còn có tiềm năng hỗ trợ điều hòa đường huyết, nhất là ở phụ nữ và người lớn tuổi. Những điều chỉnh đơn giản này phù hợp với mục tiêu duy trì đường huyết cân bằng.

Nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về lợi ích tiềm năng của uống cà phê đối với sức khỏe trao đổi chất, đặc biệt là khả năng giảm nguy cơ tiểu đường Type 2 khi được tiêu thụ đúng cách.

PHƯƠNG LÊ

Theo EatingWell

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/uong-ca-phe-kieu-nao-de-khong-bi-mac-benh-tieu-duong-post847657.html