Uống nước cốt chanh chữa bách bệnh: Thật không?

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền rầm rộ trào lưu sử dụng nước cốt chanh như một 'thần dược' có khả năng chữa bách bệnh - từ cảm cúm, viêm họng, đau dạ dày đến cả... ung thư. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, việc lạm dụng nước cốt chanh một cách thiếu khoa học không những không mang lại lợi ích sức khỏe như lời đồn mà còn có thể gây hại nghiêm trọng cho cơ thể.

Tin đồn lan nhanh, hệ lụy khó lường

Trào lưu uống nước cốt chanh bắt nguồn từ một số video trên TikTok và Facebook, trong đó những “người chữa bệnh không chuyên” chia sẻ rằng, việc uống nước cốt chanh nguyên chất vào buổi sáng có thể “giải độc gan”, “tăng sức đề kháng” “kiềm hóa máu” và thậm chí “tiêu diệt tế bào ung thư”. Một số người theo trào lưu còn khuyên pha chanh với muối, tỏi, mật ong, thậm chí là nước nóng ở nhiệt độ cao, uống hàng ngày thay cho thuốc. Có tài khoản còn khẳng định: “Không cần thuốc men, chỉ cần uống nước chanh mỗi sáng là đủ khỏe mạnh cả đời”.

Uống nước cốt chanh buổi sáng đang thành trào lưu.

Uống nước cốt chanh buổi sáng đang thành trào lưu.

Nhưng thực chất những thành viên cổ xúy cho việc chữa bệnh bằng nước cốt chanh này đa phần là những người theo chế độ thực dưỡng (ăn kiêng) đã từng bị báo chí truyền thông lên án khi cho rằng thực dưỡng có thể chữa bách bệnh, thậm chí là ung thư.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một loạt bài viết của tài khoản Q.D, thu hút hàng trăm lượt yêu thích và bình luận. Người dùng này khẳng định bản thân tự “tạo trend” chanh: Nghĩa là khiến nhiều người yêu thích và tin tưởng việc sử dụng chanh để chữa bệnh. Trên trang cá nhân của người này cũng liên tục chia sẻ những clip của mình và nhiều người dùng nước cốt chanh hàng ngày và chữa thành công nhiều loại bệnh, tuy nhiên lại không hề có căn cứ khoa học nào. Điều đáng nói là rất nhiều người theo dõi, ủng hộ trend này của Q.D.

Một tài khoản V.N chia sẻ: “Mình tập thói quen uống chanh buổi sáng, ban đầu cũng sợ, sợ lắm nhưng mỗi lần sợ thì mỗi lần nhận những phản hồi rất tích cực. Vậy là duy trì cũng gần cả tháng. Lúc đầu uống chanh với nước ấm, giờ uống toàn cốt chanh. Trước mình huyết áp thấp, táo bón nặng hay bị trào ngược dạ dày, mỗi lần trào ngược là nó cứ vướng cổ, khó chịu, nhiều lúc khó thở và mệt. Từ lúc uống chanh, huyết áp mình bình thường (chanh giúp cân bằng huyết áp nên cao hay thấp đều uống được), mình hết trào ngược dạ dày, táo bón giảm nhiều (có kết hợp thải độc dạ dày, thải độc ruột và tập bài tập thể dục)”.

Ngay dưới bài viết rất nhiều người vào bình luận, khẳng định hiệu quả chữa bệnh của việc uống nước cốt chanh. Có người thì comment đã chữa được bệnh viêm xoang, viêm mũi. Có người khẳng định đã khỏi bệnh viêm móng chân, bệnh đường ruột, hạch u nhỏ, đau bụng kì kinh; cải thiện thị lực dù mới uống nước cốt chanh được một tháng. Không ít người hướng dẫn cách dùng nước cốt chanh buổi sáng bằng cách vắt từ 1-10 quả chanh một lần để uống trực tiếp.

Một nick H.H khác cho rằng nhiều người uống chanh pha nước và mật ong bị đau dạ dày và đổ cho chanh là do uống sai cách. “Uống đúng cách là chỉ dùng cốt chanh không pha thêm gì, uống lúc bụng rỗng thì bệnh dạ dày đang đau cũng dừng luôn, dưới 1 tháng khỏi bệnh dạ dày. Trào ngược còn nhanh hơn, vài ngày là hết”, người này khẳng định.

Người này cho biết “Bệnh của bạn là do nạp nhiều độc tố tích trong người, dùng chanh thải hết độc là mọi bệnh đều tự lui, uống chanh đúng cách để tăng đề kháng và thải độc tố chữa bệnh, trong thời gian đó sẽ có những biểu hiện thải độc ra thì sẽ giống như lúc bạn ốm, cùng cơ chế, mệt mỏi, đau nhức người, ngứa, nhiệt, sưng răng lợi hay đau đầu và sốt... Thải độc thì phải khó chịu. Khi duy trì chanh liều cao 1 tháng đổ lên sẽ có đợt khủng hoảng chữa lành rất mạnh lần cuối để chữa dứt điểm bệnh, ai sợ thì sẽ dừng bỏ cuộc và rất phí. Không có thành công nào mà dễ dàng cả, chỉ có quyết tâm ý chí làm động lực vượt qua”.

Không dừng lại ở việc uống, một số người còn chia sẻ những các mẹo “chữa bệnh” bằng việc sử dụng nước chanh, như nhỏ trực tiếp vào tai, mũi, họng, thậm chí cả vào mắt. Dù cảm thấy cay xót, khó chịu khi nhỏ nước chanh vào mũi hay mắt, nhưng những người này vẫn tin rằng, làm như vậy giúp đẩy dịch ra ngoài, giúp thông mũi và sáng mắt, trị được mắt lẹo.

Một người dùng mạng xã hội khẳng định: “Bạn nào bị các bệnh về tai, mũi, họng nhỏ vào rất xót, nhất là các bạn bị bệnh sẵn nhưng sau đó dịch tuôn ra, dần dần khỏi lúc nào không hay. Mắt sáng, mũi thính, tai đỡ nghễnh ngãng hẳn”.

Bài đăng nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Một số dân mạng hào hứng vì cho rằng, “chanh có tính kháng khuẩn, giúp làm sạch tự nhiên, không cần thuốc tây”. Nhiều người nhận định, sử dụng chanh là cách chữa bệnh hoàn toàn bằng tự nhiên nên an toàn. Bởi, chanh có tính kháng khuẩn, khi nhỏ vào sẽ làm sạch niêm mạc mũi, tai.

Một người đàn ông tự làm clip hướng dẫn nhỏ nước cốt chanh vào mắt.

Một người đàn ông tự làm clip hướng dẫn nhỏ nước cốt chanh vào mắt.

Nước cốt chanh còn được một số tài khoản cho rằng có khả năng “trẻ hóa”. Tài khoản mạng xã hội B.N cho hay bản thân 55 tuổi, mãn kinh 3 năm nhưng khi uống chanh liều cao (nước cốt chanh) đã có kinh trở lại.

Để góp phần làm tăng hiệu quả của bài thuốc chữa bệnh, thải độc bằng nước cốt chanh, nhiều tài khoản còn chia sẻ bài viết của nhiều người tự xưng là bác sĩ, dược sĩ nói về công dụng thần thánh của phương pháp này. Nhờ đó, nhiều người tin tưởng chia sẻ và làm theo.

Cẩn trọng rước họa vào người

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam, thông tin nhỏ nước cốt chanh vào tai, mũi, mắt để phòng hay chữa bệnh (như cảm cúm, viêm xoang…) là vô căn cứ khoa học và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe cho mọi người. Hiện nay không có bằng chứng y học nào chứng minh việc nhỏ nước cốt chanh vào tai, mũi hay mắt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm hay chữa bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam.

Chanh có chứa axit citric, có thể kháng khuẩn nhẹ, nhưng đó là khi dùng đường tiêu hóa (ăn/uống), không phải nhỏ trực tiếp vào niêm mạc. Niêm mạc tai, mũi hay mắt rất nhạy cảm, không giống dạ dày - nơi được “thiết kế” để xử lý axit. Gây bỏng rát niêm mạc: axit citric có thể gây kích ứng mạnh, bỏng rát, loét niêm mạc mũi, họng và ống tai. Tăng nguy cơ viêm nhiễm: Mất lớp bảo vệ tự nhiên, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập sâu hơn. Nếu nhỏ vào tai, có nguy cơ tổn thương màng nhĩ, gây viêm tai giữa, thậm chí ảnh hưởng thính lực nếu không xử lý kịp. Dị ứng: Một số người có thể phản ứng dị ứng với thành phần trong chanh.

“Một số bài viết còn khuyên nhỏ nước cốt chanh vào mắt để “sáng mắt, sạch khuẩn” - đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm, có thể gây: Bỏng giác mạc do axit citric trong chanh có tính axit mạnh; Đỏ mắt, đau rát, chảy nước mắt liên tục; Viêm loét giác mạc, nhiễm trùng nặng; Giảm thị lực, thậm chí mù lòa vĩnh viễn nếu không xử lý kịp thời. Tuyệt đối không được nhỏ bất kỳ chất gì vào mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Mắt là cơ quan rất nhạy cảm, bất kỳ tổn thương nào cũng có thể để lại hậu quả lâu dài”, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành cảnh báo.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã từng phản đối trào lưu thực dưỡng trên báo chí cũng như trên trang cá nhân của mình.

Trên trang cá nhân anh chia sẻ: “Trào lưu uống nước cốt chanh nguyên chất xuất phát từ các anh chị thực dưỡng lấy ở đâu đó rằng tuy thành phần đầy axit citric và axit ascorbic (VitaminC) nhưng nó giúp… kiềm hóa cơ thể bằng cơ chế tăng HCO3-, “tro kiềm”. Sau đó bác sĩ Ngô Đức Hùng phân tích: “Cơ thể người có hệ đệm giúp duy trì pH máu từ 7,35-7,45. Sự ổn định này nhờ lượng HCO3-tạo ra trong chuyển hóa, hoặc từ khí CO2 sinh ra từ hô hấp tế bào. Trữ lượng hệ đệm thay đổi liên tục để giúp pH ổn định. Chỉ cần chúng chạy ra khỏi con số 7,35-7,45 là các triệu chứng bất thường xuất hiện. Kiềm hóa cơ thể cơ bản là trò lừa đảo, cứ thử tăng pH máu lên mà xem, đi cấp cứu ngay tắp lự. Thực dưỡng cho rằng nước cốt chanh chua lại kiềm hóa máu sau khi chuyển hóa. Tuy nhiên phải làm rõ vấn đề này kẻo nhiều người hiểu lầm”.

Theo bác sĩ Hùng, axit citric khi vào cơ thể, ngay lập tức nó sẽ được chuyển hóa thành CO2, nước và năng lượng (năng lượng gián tiếp do citric là thành phần phụ gia cho chuyển hóa tế bào, để tạo năng lượng cần nguyên liệu chính khác là axit amin và glucose). CO2 sinh ra nhanh chóng kết hợp với nước thành H+ và HCO3-. “Vậy nước cốt chanh có đầy axit citric có tác dụng kiềm hóa không? Một vài nghiên cứu về chế độ ăn nhiều trái cây làm tăng pH nước tiểu. Nhưng không có bằng chứng làm kiềm máu. Uống nước cốt chanh liều cao, lượng axit citric dư thừa khiến hệ chuyển hóa cơ thể bị quá tải, gây toan chuyển hóa nhẹ. Và thế là HCO3-giảm xuống do thận làm việc tốc lực thải H+ và HCO3 - ra ngoài. Lâu dài, canxi bị huy động từ xương ra gây loãng xương. Và nồng độ axit cao sẽ cộng gộp bào mòn niêm mạc dạ dày. Đương nhiên không thấy ngay được mà thời gian dài sau sẽ thấy.

Ban đầu sẽ kích thích đau bụng, nhưng cơ thể có chế độ thích nghi tuyệt vời, cảnh báo mãi mà vẫn thế nó sẽ bật mode bỏ qua không kích thích nữa. Và một ngày đẹp trời nào đó biến chứng xuất hiện thì đã muộn. Hệ vi khuẩn đường ruột sẽ bị axit biến đổi mất cân bằng, khả năng sản xuất một số vitamin nội sinh từ khuẩn chí đường ruột có ích suy giảm. Cái này giống như thụt đại tràng vậy. Cuối cùng, là ảnh hưởng men răng. Tất cả hệ lụy về chuyển hóa này không thấy ngay được mà nó sẽ gặm nhấm cơ thể từ từ”, bác sĩ Hùng cho biết. Và anh khẳng định “mọi biện pháp cực đoan đều gây nguy hiểm cho cơ thể”.

Bản thân bác sĩ Hùng khi còn công tác tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cũng từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì trào lưu thực dưỡng. Anh cho rằng, đội thực dưỡng bán chanh đang đẩy vai trò của nước cốt chanh lên để bán hàng. “Và thế là các hội nhóm mua bán tấp nập, các nick clone chia sẻ hiệu quả hàng ngày sự thần thánh đến độ trường sinh bất lão khi uống nước cốt chanh. Nhưng sự thật có đúng vậy không? Đương nhiên là không, uống axit cô đặc vào dạ dày sẽ có tác dụng cộng gộp. Lớp nhày bảo vệ niêm mạc có tác dụng giới hạn, lâu dài sẽ gây hệ lụy. Đã có người thủng dạ dày đi cấp cứu, chưa kể các rối loạn chuyển hóa. Trend thụt tháo bằng cà phê đang dần đi vào thoái trào do nó gây viêm trực tràng và mất cảm giác đại tiện. Dân thực dưỡng đang chuyển sang món hại dạ dày này”, bác sĩ Hùng chia sẻ trên trang cá nhân để cảnh báo tới nhiều người.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/uong-nuoc-cot-chanh-chua-bach-benh-that-khong--i767298/