USABC lo ngại thuế tiêu thụ đặc biệt làm giảm sự phục hồi của doanh nghiệp

Bên cạnh hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành rượu, USABC cũng đề xuất giữ nguyên mức thuế với xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép.

Rượu bia có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 100% vào năm 2030?

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính soạn thảo và lấy ý kiến, rượu, bia là mặt hàng đang được đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, với rượu từ 20 độ trở lên, từ năm 2026 mức thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương án 1 sẽ là 70%; phương án 2 là 80%; tương tự năm 2027 là 75% và 85%; 2028 là 80% và 90%; 2029 là 85% và 95% và năm 2030 là 90% và 100%.

Bộ Tài chính đang đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia, rượu (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính đang đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia, rượu (Ảnh minh họa)

Với rượu dưới 20 độ, mức thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2026 theo phương án 1, dự kiến sẽ là 40% và phương án 2 là 50%; tương tự năm 2027 là 45% và 55%; 2028 là 50% và 60%; 2029 là 55% và 65%; năm 2030 là 60% và 70%.

Với bia, dự thảo đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2026 phương án 1 là 70% và phương án 2 là 80%; tương tự năm 2027 là 75% và 85%; 2028 là 80% và 90%; 2029 là 85% và 95%; năm 2030 là 90% và 100%.

Trong khi đó, mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đang được quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) năm 2014 đối với rượu, bia từ 20 độ trở lên là 65% và dưới 20 độ là 35%.

Liên quan đến nội dung này, theo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC): Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia, rượu sẽ làm gia tăng tình trạng buôn bán bất hợp pháp đối với mặt hàng trên, dẫn đến hậu quả đối với sức khỏe của người tiêu dùng, do họ phải tìm kiếm các sản phẩm rẻ hơn để thay thế và các sản phẩm này có thể gây hại cho sức khỏe, trong khi thuế cao hơn sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu bia, rượu và hàng giả gia tăng.

“Phân khúc rượu không được quản lý tại Việt Nam hiện đã ở mức gần 60%, cao thứ hai ở Đông Nam Á. Buôn bán rượu trái phép tiếp tục gây ra rủi ro vật chất cho xã hội Việt Nam, với 382 người trở thành nạn nhân của rượu không an toàn trong 10 năm qua. Trong bối cảnh đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao được đề xuất có nguy cơ thúc đẩy mức tiêu thụ bất hợp pháp và thậm chí còn cao hơn” – đại diện USABC khẳng định.

Theo USABC để giải quyết tác hại của rượu, bia, đòi hỏi Việt Nam cần có một cách tiếp cận đa hướng ngoài thuế để đạt được tác động thực sự, bao gồm cả thông qua các biện pháp can thiệp có mục tiêu.

Trên cơ sở đó, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN khuyến nghị, trì hoãn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ ngành rượu và các ngành liên quan có thể phục hồi trong tình trạng khó khăn kinh tế liên tục. Đồng thời, khuyến nghị Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu các giải pháp để giải quyết tình trạng rượu lậu, rượu không được quản lý, dựa trên một đánh giá toàn diện về việc tiêu thụ rượu ở Việt Nam.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chỉnh sửa thuế suất áp dụng lên xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép (Ảnh: Donganh Auto)

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chỉnh sửa thuế suất áp dụng lên xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép (Ảnh: Donganh Auto)

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tác động đến lợi thế cạnh tranh thị trường ô tô trong nước

Liên quan đến nội dung dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chỉnh sửa thuế suất áp dụng lên xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép tại điểm d, khoản 4, Điều 8. Theo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam đối với xe bán tải cabin đôi (15%, 20% và 25%) ở mức cao so với các thị trường khác như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Australia.

Đặc biệt, theo USABC, thuế suất thuế thuế tiêu thụ đặc biệt cao sẽ tác động tiêu cực đến lợi thế cạnh tranh của thị trường ô tô Việt Nam so với các nước trong số đó. Hơn nữa, việc tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không giúp tăng thu ngân sách nhà nước nói chung.

“Vì phân tích số liệu 100 xe bán tải cabin đôi cho thấy, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 9% sẽ giảm khoảng 1,08 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (chưa bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp) do lượng giảm chứ không phải tăng đơn thuần 41 triệu đồng/xe. Tệ hơn nữa, nếu giá tính thuế thay đổi như Dự thảo luật, giá sẽ tăng thêm 1%/xe” – đại diện USABC nêu.

Từ góc độ người tiêu dùng, với mục đích, kiểu dáng thiết kế phù hợp cho cả việc đi lại và chở hàng, xe bán tải cabin đôi có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân Việt Nam bình dân, kinh doanh vận tải, vận chuyển hàng hóa của các gia đình, hộ gia đình. Trong bối cảnh kinh tế phát triển đầy thách thức và phức tạp, mức sống ở mức trung bình, giá xe bán tải cabin đôi cần được duy trì ở mức hợp lý, phù hợp túi tiền, tốt hơn cho người dân bình dân.

Bởi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng đồng nghĩa với lượng hàng bán ra sẽ giảm, dẫn đến việc siết chặt hoạt động sản xuất, nhân viên tại Nhà máy và hệ thống đại lý, làm giảm mức đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Theo đó, USABC đề nghị ban soạn thảo giữ nguyên thuế suất hiện hành dành cho xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép.

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, trong đó có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, một số mặt hàng được điều chỉnh thuế suất với lộ trình cụ thể, thay đổi phương pháp tính thuế, một số quy định được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Những sửa đổi này sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và người tiêu dùng.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/usabc-lo-ngai-thue-tieu-thu-dac-biet-lam-giam-su-phuc-hoi-cua-doanh-nghiep-334440.html