USS Jimmy Carter – Tàu ngầm bí ẩn của hải quân Mỹ

Tàu ngầm USS Jimmy Carter được xếp vào hàng vũ khí tối mật của Mỹ và thông tin về con tàu thuộc lớp Seawolf này cũng vô cùng hiếm hoi.

Mỹ hiện có 9 tàu sân bay được đặt tên theo các cựu tổng thống, chiếc thứ 10 đang được chế tạo. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Jimmy Carter không có tên trong danh sách các cựu tổng tư lệnh được vinh danh theo cách đó. Trường hợp của ông Carter có sự khác biệt khi được vinh danh vì đã phục vụ với tư cách là một thủy thủ tàu ngầm của hải quân Mỹ. Tên của ông được đặt cho một tàu ngầm tấn công lớp Seawolf chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ông Jimmy Carter là thủy thủ tàu ngầm đủ tiêu chuẩn duy nhất trở thành người đứng đầu nước Mỹ. Ông là kỹ sư hạt nhân của Đơn vị tiền vận hành Seawolf (SSN 575) vào những năm 1950.

Tàu ngầm lớp Seawolf. Ảnh: KT

Tàu ngầm lớp Seawolf. Ảnh: KT

USS Jimmy Carter - tàu ngầm cuối cùng của lớp Seawolf

SSN-23 là tàu thứ ba và cũng là tàu cuối cùng của lớp Seawolf. Tàu được chỉnh sửa sâu rộng so với thiết kế ban đầu, thậm chí còn được mô tả như một lớp phụ. Đây là tàu ngầm duy nhất được đặt theo tên của một cựu tổng thống còn sống.

Được đặt ky năm 1998, hạ thủy năm 2004 và đưa vào hoạt động năm 2005, USS Jimmy Carter là một trong những tàu ngầm tấn công tinh vi nhất từng được chế tạo. Lớn hơn và tiên tiến hơn các tàu chị em của nó, SSN-23 được cho là đã thực hiện một số nhiệm vụ bí mật của Hải quân Mỹ.

Được thiết kế để đối phó với mối đe dọa từ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô và thay thế các tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles đã cũ, tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) lớp Seawolf được mô tả là “tốt nhất trong số những tàu tốt nhất”.

Ban đầu Mỹ dự kiến đóng 29 tàu trong 10 năm nhưng sau đó đã giảm xuống còn 12 tàu và cuối cùng chỉ có 3 tàu được hạ thủy. Chi phí là một vấn đề. Những con tàu như vậy cũng trở nên ít cần thiết hơn sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Chi phí xấp xỉ 3-3,5 tỷ USD mỗi tàu là quá đắt đỏ, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu thay đổi lúc bấy giờ. Thay vào đó, Hải quân Mỹ đã chọn chương trình tàu ngầm lớp Virginia nhỏ hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Điều đó có thể trở thành một sai lầm lớn khi Mỹ hiện đang phải đối mặt với Chiến tranh Lạnh 2.0 với các đối thủ lớn bao gồm Nga và Trung Quốc, những nước cũng có các chương trình tàu ngầm mới.

“Sói biển có móng vuốt”

Các tàu ngầm tấn công nhanh được trang bị một bộ thiết bị điện tử tiên tiến, bao gồm một sonar hình cầu có đường kính 7,3m gắn ở mũi tàu, một sonar khẩu độ rộng gắn ở hai bên . Các tàu SSN của lớp Seawolf (Sói biển) còn có thiết kế mô-đun, cho phép nâng cấp dễ dàng, bao gồm phát triển vũ khí và hệ thống sonar tốt hơn.

Tàu ngầm lớp Seawolf không có vũ khí bên ngoài, nhưng mỗi tàu có 8 ống phóng ngư lôi - nhiều gấp đôi so với lớp Los Angeles, cùng với phòng ngư lôi 2 tầng cho phép nó đối phó đồng thời với nhiều mối đe dọa. Tàu có thể chứa tổ hợp lên tới 50 quả ngư lôi hạng nặng Mark 47, tên lửa chống hạm Sub-Harpoon và tên lửa Tomahawk.

Tàu lớp Seawolf có thể hoạt động dưới lớp băng vùng cực và có tốc độ cao nhất so với bất kỳ tàu ngầm nào khác của Mỹ. Thiết kế của tàu lớp này tập trung vào việc giảm tiếng ồn. Độ ồn hoạt động của tàu lớp Seawolf chỉ bằng 1/70 so với thế hệ tàu ngầm lớp Los Angeles ban đầu và 1/10 so với tàu ngầm Los Angeles cải tiến.

Tàu lớp Seawolf cũng được thiết kế để trở thành những “thợ săn” thực thụ và có thể dễ dàng tìm kiếm những tàu ngầm tốt nhất của Hải quân Liên Xô có, bao gồm cả tàu lớp Akula.

Nhiệm vụ bí mật

Phương châm hoạt động của tàu USS Jimmy Carter là “Semper Optima” (tiếng Latinh có nghĩa là “Luôn luôn tốt nhất”).

USS Jimmy Carter được hạ thủy vào ngày 13/5/2004 và được đưa vào phục vụ ngày 19/2/2005 với thủy thủ đoàn gồm 15 sĩ quan và 129 quân nhân. Năng lượng được cung cấp từ một lò phản ứng seri S6W duy nhất, giúp con tàu có khả năng hoạt động không giới hạn trên đại dương, trong khi tốc độ dưới nước vượt 25 hải lý.

Tàu ngầm tấn công lớp Seawolf USS Jimmy Carter ngày 11/9/2017. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu ngầm tấn công lớp Seawolf USS Jimmy Carter ngày 11/9/2017. Ảnh: Hải quân Mỹ

Con tàu này lớn hơn các tàu ngầm tấn công chị em của nó, có lượng choán nước 12.140 tấn khi đầy tải, dài 138m, rộng 12,1m. Kích thước lớn hơn là do sửa đổi nhằm bổ sung thêm các bộ đẩy đặc biệt ở phía trước và phía sau cho phép tàu ngầm đứng yên dưới nước, cũng như phần mở rộng thân tàu dài 30,4 mét được gọi là Nền tảng Đa nhiệm vụ (MMP).

Việc chỉnh sửa cho phép SSN-23 mang theo các phương tiện điều khiển từ xa, tàu hoạt động đặc biệt và các công nghệ tiên tiến khác cần thiết để thực hiện các hoạt động bí mật và “nâng cao khả năng chiến đấu”. MMP có thể được sử dụng để triển khai lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân hoặc các lực lượng hoạt động đặc biệt khác.

Các loại nhiệm vụ chính xác mà tàu USS Jimmy Carter đã thực hiện trong 18 năm qua vẫn là bí mật.

Tuy nhiên, người ta vẫn thấy nó quay trở lại cảng với lá cờ mang hình đầu lâu xương chéo, một truyền thống của các thủy thủ đoàn tàu ngầm rằng nhiệm vụ của nó đã được thực hiện thành công. Tàu USS Jimmy Carter từng được trao giải thưởng Hiệu quả Chiến đấu và bằng khen Presidential Unit Citation. Điều đó cho thấy nó đã thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, thậm chí những nhiệm vụ nguy hiểm. Các nhiệm vụ của tàu có thể bao gồm khai thác thông tin liên lạc cáp quang dưới biển và thu thập thông tin tình báo.

Cho dù SSN-23 đã tham gia vào nhiệm vụ như thế nào, có vẻ như con tàu và thủy thủ đoàn của nó đã chứng minh rằng họ luôn là những người giỏi nhất./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo 19fortyfive

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/uss-jimmy-carter-tau-ngam-bi-an-cua-hai-quan-my-post997229.vov