Ưu đãi thuế, lo doanh nghiệp nhỏ 'không chịu lớn'
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung một số mức thuế thấp hơn thuế suất phổ thông cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều đại biểu lo ngại sẽ có tình trạng doanh nghiệp 'không chịu lớn' để hưởng ưu đãi thuế.
Lo doanh nghiệp luôn thành lập mới hoặc chia nhỏ để hưởng ưu đãi thuế
Hôm nay (22/11), Quốc hội thảo luận tổ về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ngoài mức thuế suất phổ thông hiện hành là 20%, Dự thảo bổ sung một số mức thuế thấp hơn thuế suất phổ thông là 17%, 15% áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Theo đó, áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và thuế suất 17% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật. Có thể quy định bổ sung mức thuế thấp hơn thuế suất phổ thông ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo thời gian xác định, đảm bảo các doanh nghiệp DNNVV đều được hưởng chính sách ưu đãi.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Trung, căn cứ để xác định DNNVV hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là doanh thu chưa thật sự hợp lý, vì căn cứ để tính thuế là thu nhập. Quy định này làm phát sinh chi phí quản lý, cơ quan thuế phải tìm thông tin về doanh thu của doanh nghiệp. Chưa kể, với cùng quy mô doanh nghiệp, một số ngành nghề có tỷ suất lợi nhuận cao sẽ có thu nhập cao hơn, không đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp cùng quy mô.
Việc lấy doanh thu làm căn cứ ưu đãi thuế cũng sẽ dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp “không chịu lớn” khi luôn muốn thành lập mới hoặc chia nhỏ để giảm quy mô doanh thu nhằm được hưởng về ưu đãi thuế.
“Đề nghị căn cứ để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN nên căn cứ vào ngưỡng thu nhập thay vì căn cứ vào doanh thu”, đại biểu Nguyễn Thành Trung đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cũng cho rằng, quy định về thuế suất như Dự thảo luật còn bất cập. Do đó, đại biểu đề nghị: miễn giảm thuế 3 năm đầu cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; cân nhắc giảm thuế suất xuống 18% cho các doanh nghiệp, để khuyến khích doanh nghiệp lớn mạnh, tránh tình trạng doanh nghiệp cứ kê khai doanh thu dưới 3 tỷ đồng và dưới 50 tỷ đồng để hưởng thuế thu nhập thấp hơn…
“Điều này sẽ dẫn đến việc khó quản lý về doanh thu vì doanh nghiệp không kê khai vượt con số theo quy định. Đơn cử kinh nghiệm các nước khu vực, như Singapore áp dụng cho tất cả doanh thu là 17%; Brunei là 18,5% thuế thu nhập doanh nghiệp…”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu dẫn chứng.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng đề nghị Việt Nam áp dụng doanh thu cho tất cả doanh nghiệp là 18% để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có điều kiện để phát triển, không e ngại về áp dụng doanh thu lớn.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cũng tỏ ra lo ngại về việc ưu đãi thuế dựa vào căn cứ doanh thu như dự thỏ sẽ sinh ra tình trạng doanh nghiệp “xé nhỏ”, tạo ra nhiều công ty con. Không loại trừ doanh nghiệp lớn hóa nhỏ howjc doanh nghiệp có doanh thu ở mức “mấp mé” tìm cách lách để được hưởng lợi thuế.
Theo đại biểu Huỳnh Thành Chung, hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều chính sách ưu đãi khác nhau, không chỉ ưu đãi thuế. Riêng với thuế TNDN, ưu đãi thuế phải đảm bảo công bằng, khuyến khích doanh nghiệp lớn dần.
Đã qua kỷ nguyên cạnh tranh thu hút “đại bàng” bằng ưu đãi thuế
Về chính sách ưu đãi thuế với các doanh nghiệp “đại bàng”, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhiều đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần lưu ý tới quy định về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có hiệu lực từ năm tới. Khi đó, các quốc gia đều phải áp dụng một mức sàn thuế cho các nhà đầu tư lớn là 15%.
“Kỷ nguyên cạnh tranh thu hút nhà đầu tư FDI bằng ưu đãi thuế ở mức tối thiểu sẽ chấm dứt. Do đó, việc thiết kế lại chính sách ưu đãi với nhà đầu tư FDI đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Thay vì đặt ra chính sách ưu đãi thuế dễ dàng cho nhà đầu tư như hiện nay (cứ đầu tư lớn thì được miễn giảm thuế), Chính phủ nên thiết kế ưu đãi thuế và các chính sách hỗ trợ trực tiếp khác của nhà nước, song cần kèm theo một số điều kiện như đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, những nhóm ngành đột phá, nhà đầu tư có tỷ lệ sử dụng nhà cung cấp trong nước, nhân sự quản lý người Việt càng cao, sẽ nhận được ưu đãi càng nhiều…”, đại biểu Nguyễn Thành Trung kiến nghị.
Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ áp dụng mức thuế suất thuế TNDN 10%.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung cho rằng, đa số nhà đầu tư đáp ứng quy định này là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quy định này đang bất cập với quy định về tối thiểu toàn cầu sẽ có hiệu lực từ năm tới.
Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ chính sách ưu đãi với nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, các dự án được ưu đãi ngoài giá trị đầu tư còn phải đảm bảo kèm theo hàm lượng khoa học công nghệ cao. Danh mục ưu đãi, mức thuế suất ưu đãi, điều kiện về giá trị đầu tư, thời gian đầu tư… nên giao Chính phủ quy định từng thời kỳ.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, với hiệu lực của Nghị quyết số 107/2023/QH15 về thuế TNDN bổ sung (thuế tối thiểu toàn cầu) thì đồng thời với việc được hưởng các ưu đãi miễn giảm thuế đặc biệt, các nhà đầu tư lớn (có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro/năm) sẽ vẫn phải nộp thuế TNDN bổ sung ở mức 15%.
Trước thực tế này, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn về hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế đặc biệt áp dụng cho các nhà đầu tư lớn, khi vừa thực hiện ưu đãi đặc biệt vừa thu lại thuế bổ sung.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định mức thuế suất 15% áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc diện phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu để không tạo ra chi phí quản lý và các thủ tục hành chính không cần thiết cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư khác phù hợp và hiệu quả hơn.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/uu-dai-thue-lo-doanh-nghiep-nho-khong-chiu-lon-d230694.html