Ưu tiên cải cách thủ tục thuế
Khi được hỏi về ba nhóm thủ tục hành chính cần ưu tiên cải cách nhất trong thời gian tới, nhóm thủ tục liên quan đến thuế được lựa chọn nhiều nhất với 495/891 doanh nghiệp, chiếm 55,6% số doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Đây là thông tin trong Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng cung cấp/thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp năm 2024, vừa được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) công bố.
Trong vòng đời của doanh nghiệp, có sáu nhóm thủ tục hành chính cơ bản mà doanh nghiệp cần thực hiện, gồm: khởi sự kinh doanh; lao động và bảo hiểm xã hội; xuất nhập khẩu; đất đai và xây dựng; thuế; và giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Kết quả khảo sát của Ban IV cho thấy, mức độ “có cải thiện/cải thiện rất nhiều” của các thủ tục chưa cao, chỉ chiếm 10-30% trong số 891 doanh nghiệp đánh giá. Các nhóm thủ tục có cải thiện cao gồm: khởi sự kinh doanh (26,4%), lao động và bảo hiểm xã hội (22,7%), giải thể, tạm dừng hoạt động (12,6%). Ngược lại, các nhóm có cải thiện kém gồm: thuế (39,1%) và đất đai, môi trường, xây dựng (36,5%).
Theo phản ánh của doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuế thời gian qua đã nỗ lực hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả cung cấp, thực hiện thủ tục hành chính về thuế, song thực tế vẫn tồn tại ba khó khăn.
Khó khăn đầu tiên là sự thiếu đồng bộ và phức tạp trong áp dụng quy định thuế. Cụ thể, doanh nghiệp phản ánh về sự không đồng nhất trong việc áp dụng quy định thuế giữa các địa phương và chi cục thuế khác nhau. Cùng một quy định nhưng lại được diễn giải và áp dụng khác nhau giữa các chi cục thuế ở các quận, huyện, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị nhầm lẫn và dễ mắc sai sót trong quá trình kê khai.
Kết quả khảo sát của Ban IV cho thấy, mức độ “có cải thiện/cải thiện rất nhiều” của các thủ tục chưa cao, chỉ chiếm 10-30% trong số 891 doanh nghiệp đánh giá. Các nhóm thủ tục có cải thiện cao gồm: khởi sự kinh doanh (26,4%), lao động và bảo hiểm xã hội (22,7%), giải thể, tạm dừng hoạt động (12,6%). Ngược lại, các nhóm có cải thiện kém gồm: thuế (39,1%) và đất đai, môi trường, xây dựng (36,5%).
Bên cạnh đó, các quy định về thuế thường xuyên thay đổi, đặc biệt là các quy định liên quan đến thương mại điện tử và thuế giá trị gia tăng. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ không được thông báo hoặc không nhận được cảnh báo trước về những thay đổi trong quy định, dẫn đến tình trạng bị phạt do không tuân thủ kịp thời. Điều này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro bị truy thu thuế hoặc phạt vi phạm.
Khó khăn thứ hai là thiếu sự hỗ trợ và hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan thuế. Nhiều doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu hỗ trợ và hướng dẫn trong quá trình thực hiện các thủ tục thuế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp. Việc tiếp cận các chính sách ưu đãi thuế và thông tin chi tiết từ cơ quan quản lý thường không rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp phải tự tìm hiểu thông tin qua các kênh không chính thức hoặc phải thuê dịch vụ tư vấn, làm tăng chi phí. Cũng theo các doanh nghiệp, thanh tra và kiểm tra thuế thường xuyên chỉ tập trung vào việc bắt lỗi nhỏ, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị động trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế.
Khó khăn thứ ba là rủi ro về hoàn thuế và kiểm tra hóa đơn. Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn là một vấn đề nan giải đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải đợi nhiều tháng mới được hoàn thuế, ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư và duy trì hoạt động kinh doanh. Một số doanh nghiệp cũng gặp rủi ro khi cơ quan thuế yêu cầu truy thu hoặc loại bỏ hóa đơn giá trị gia tăng nếu đối tác phát hành hóa đơn bị giải thể hoặc ngừng hoạt động. Điều này khiến họ mất đi các khoản thuế đã chi trả hợp pháp, trong khi đây là trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế đối với các đơn vị phát hành hóa đơn.
Trước tình hình xuất hiện hiện tượng một số tổ chức, cá nhân gian lận trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử nhằm chiếm đoạt tiền thuế, tháng 4-2023, Tổng cục Thuế đã triển khai Trung tâm cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử với chức năng phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử, phục vụ quản lý rủi ro về hóa đơn điện tử trong toàn ngành thuế. Tuy nhiên, việc quản lý hóa đơn và hoàn thuế đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả, làm gia tăng chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp hoạt động chân chính.
Theo Báo cáo của Ban IV, khi được hỏi về ba nhóm thủ tục hành chính mà doanh nghiệp cho rằng cần ưu tiên cải cách nhất thời gian tới, nhóm thủ tục liên quan đến thuế được lựa chọn nhiều nhất với 495/891 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 55,6%.
Theo ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp ngành dịch vụ thể hiện sự quan tâm nhiều nhất đến việc tiếp tục cải cách đối với nhóm thủ tục liên quan đến thuế khi tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên chiếm đến 59,8%, tiếp đến là ngành xây dựng và công nghiệp.
Xét theo loại hình doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp FDI lựa chọn ưu tiên cải cách nhóm thủ tục liên quan đến thuế thời gian tới cao hơn so với doanh nghiệp nhà nước (7,5% so với 3,8%). Nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước là nhóm có đề xuất ưu tiên cải cách các thủ tục liên quan đến thuế cao nhất với 88,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn nhiều nhất về các thủ tục hành chính liên quan đến thuế.
Xét theo địa phương, doanh nghiệp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có tỷ lệ lựa chọn ưu tiên cải cách nhóm thủ tục liên quan đến thuế cao hơn các địa phương khác với tỷ lệ lần lượt là 41,6% và 38,9%.
Xét theo quy mô doanh nghiệp (gồm cả quy mô về doanh thu và lao động), doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ đang có sự quan tâm nhiều hơn đến việc cải cách thuế so với các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Trong đó, 64,04% doanh nghiệp có quy mô doanh thu dưới 50 tỉ đồng đề xuất ưu tiên cải cách các thủ tục liên quan đến thuế...
Trong phạm vi báo cáo này, chưa đủ dữ liệu để phân tích rõ “nguyên nhân, lý do” cho từng phản ánh về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, để có thể khẳng định “vấn đề” phát sinh từ đâu, từ nội dung quy định thủ tục hành chính hay từ phía các cơ quan cung cấp, thực hiện thủ tục hoặc từ phía doanh nghiệp do có thể còn hạn chế trong các khâu chuẩn bị giấy tờ, tuân thủ... Nhóm nghiên cứu đã khẳng định như vậy.
Dẫu thế, các ý kiến khách quan của doanh nghiệp nêu trong báo cáo của Ban IV là nguồn thông tin quan trọng để các cơ quan có liên quan, trong đó có cơ quan thuế, tổng hợp, xem xét nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả, chất lượng và được ghi nhận nhiều hơn bởi cộng đồng doanh nghiệp. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh nước ta đang hướng đến tăng trưởng hai con số và người đứng đầu Đảng đã khẳng định: Phát triển kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/uu-tien-cai-cach-thu-tuc-thue/