Ưu tiên đầu tư cho lãnh thổ thuận lợi nhất

'Khi nguồn lực có hạn, cần ưu tiên đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất để đi trước một bước, làm đầu tàu kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển', bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam góp ý vào dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia của nước ta.

Năm 2030, thu nhập bình quân có thể đạt 7.500 USD

Tại hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn quốc tế ngày 26.7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần đầu tiên được lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Quy hoạch sẽ cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, với định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia nhằm bố trí không gian phát triển một cách hợp lý dựa trên tiềm năng, thế mạnh quốc gia để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo Quy hoạch, ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 3 kịch bản thu nhập bình quân vào năm 2030 và năm 2050.

Theo đó, năm 2030, dân số nước ta khoảng 105 triệu người, đến năm 2050 tăng lên 115 triệu người. Ở phương án 1, với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,34%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, GDP bình quân đầu người của nước ta đạt khoảng 7.000 USD vào năm 2030. Nếu nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng bình quân 6,63%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 25.000 USD/năm.

Phương án 2, tăng trưởng bình quân 7,05%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, GDP bình quân đầu người sẽ đạt 7.500 USD vào năm 2030. Giai đoạn 2031 - 2050 nếu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 7,3%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 32.000 USD.

Theo phương án 2a, với nền tảng tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 7,05% trong giai đoạn 2021 - 2030, GDP bình quân đầu người năm 2030 sẽ đạt 7.500 USD. Trong giai đoạn 2031 - 2050, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của nền kinh tế chỉ đạt 6,7% thì GDP bình quân đầu người của cả nước vào năm 2050 sẽ đạt 27.000 USD.

Cũng theo dự thảo Quy hoạch, từ nay đến 2030, nước ta sẽ phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ 1A, hành lang kinh tế Đông - Tây. Đồng thời, hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia như tam giác động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tứ giác động lực TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang.

Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất các phương án phân vùng và liên kết vùng. Một là giữ nguyên 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện nay. Hai là phân chia thành 7 vùng kinh tế - xã hội theo hướng tách vùng Trung du miền núi phía Bắc thành hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Nam Trung Bộ thành 2 vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Hội thảo
Ảnh: Quang Khánh

Thay đổi cách tiếp cận

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk đánh giá, dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia thể hiện tầm nhìn rõ ràng, có tính chiến lược, tổng hợp và khái quát cao.

Bà Carolyn Turk nhấn mạnh, quy hoạch phải đáp ứng một số yêu cầu, mục tiêu quan trọng như: xác định, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực tổng hợp của từng vùng và cả quốc gia; tổ chức phát triển kinh tế theo không gian vùng và liên kết vùng; dự báo tình hình, tận dụng cơ hội để tăng tốc phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh của các vùng cũng như toàn lãnh thổ.

“Thật khó để đưa mọi thứ vào quy hoạch này, vấn đề là cần dành không gian đáp ứng các thích ứng mới mà chúng ta chưa lường tới được. Đồng thời, cần thay đổi cách tiếp cận theo tổng thể quy hoạch quốc gia - vùng thay vì theo từng địa phương như trước”. Theo bà Carolyn Turk trong khi nguồn lực có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển.

Ngoài ra, cần tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các đô thị lớn, các khu kinh tế gắn với bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; bảo đảm khung quy hoạch các địa phương phát triển đồng đều cả theo chiều dọc và chiều ngang. Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh khâu triển khai: “Vấn đề không phải bản quy hoạch tốt đến đâu mà là triển khai tốt đến đâu trong thực tế”.

Theo chuyên gia WB TS. Danny Leipziger, dự thảo quy hoạch đã quan tâm nhiều hơn đến môi trường, biến đổi khí hậu và hành lang kinh tế. Việc điều chỉnh quy hoạch giữa kỳ cũng được nhắc đến. Tuy nhiên, một số vùng kinh tế, với các dự án quy mô lớn cần được lựa chọn kỹ, đánh giá lại chất lượng đầu tư hiện tại trước khi tính tới dự án đầu tư mới.

Bên cạnh đó, vấn đề lớn với các bản quy hoạch tới 2030 trở đi là yếu tố bất định ngày càng tăng lên, cả trong điều hành kinh tế và đầu tư - từ địa chính trị, chuỗi cung ứng, an ninh mạng, đại dịch…; đồng thời phải hạn chế tạo ra các tài sản lãng phí, không sử dụng. Do vậy TS. Danny Leipziger khuyến cáo Việt Nam nên coi bản quy hoạch là tài liệu sống, liên tục cập nhật, bám thực tế.

Quang Khánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/uu-tien-dau-tu-cho-lanh-tho-thuan-loi-nhat-i296532/