Ưu tiên đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ tại các tập đoàn kinh tế tư nhân
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không ngừng thay đổi và công nghệ phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết 57-NQ/TW đã xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mở ra hướng đi tất yếu cho các doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực hạ tầng và xây dựng – nơi đòi hỏi công nghệ cao để đảm bảo chất lượng, tiến độ và tối ưu chi phí – việc làm chủ công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế mà còn quyết định khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 ước đạt 2,87 triệu tỷ đồng, tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường vành đai, cảng biển và các khu đô thị thông minh. Đặc biệt, năm 2025, ngân sách đầu tư công dự kiến đạt mức kỷ lục 791.000 tỷ đồng, nhằm hoàn thiện các dự án quan trọng và tạo bước đệm cho tăng trưởng GDP trên 10%/năm trong giai đoạn 2026-2030.
Trước sự gia tăng mạnh mẽ của các dự án này, nhu cầu về những giải pháp xây dựng hiện đại, bền vững ngày càng lớn. Các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam không thể chỉ dựa vào phương thức thi công truyền thống mà buộc phải đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến để tối ưu quy trình và giảm sự phụ thuộc vào nguồn lực nước ngoài.
Khoa học công nghệ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng
Các doanh nghiệp xây dựng trong nước hiện phải đối mặt với áp lực cạnh tranh không chỉ từ các nhà thầu nước ngoài với công nghệ hiện đại, mà còn từ yêu cầu nội địa hóa ngày càng cao. Chính phủ đang thúc đẩy chiến lược tự chủ về công nghệ xây dựng, hạn chế nhập khẩu thiết bị và vật liệu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn do việc ứng dụng công nghệ mới đòi hỏi nguồn vốn đáng kể cùng sự kiên trì trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã sớm nhận thức được xu hướng này và mạnh dạn đầu tư vào khoa học công nghệ để tạo dựng lợi thế cạnh tranh. Một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty Cổ phần FECON. Nhận thức rõ vai trò của công nghệ trong ngành Xây dựng hạ tầng, FECON xác định khoa học công nghệ là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển. Doanh nghiệp không ngừng đổi mới, áp dụng các giải pháp hiện đại nhằm nâng cao chất lượng công trình và tối ưu hóa hiệu quả thi công.
Bước đi chiến lược của FECON được thể hiện rõ nét qua việc thành lập Viện Nền móng và Công trình ngầm (Viện R&D FECON) vào năm 2010 – viện nghiên cứu đầu tiên thuộc một doanh nghiệp xây dựng tư nhân tại Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tiễn thi công.
Viện R&D FECON tập trung vào các giải pháp công nghệ mới trong xử lý nền đất yếu, thiết kế và thi công công trình ngầm – những lĩnh vực đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Một trong những công nghệ nổi bật là thi công cọc không rung Pile silent pressing, giúp giảm tiếng ồn và hạn chế tác động môi trường. Công nghệ gia cố nền bằng Jet Grouting tăng cường độ bền cho công trình trên nền đất yếu, đảm bảo sự ổn định lâu dài cho các công trình đô thị có điều kiện địa chất phức tạp. Trong thi công cảng biển, các công nghệ xử lý nền đất yếu như cọc xi măng đất (RAS), đê chắn sóng sử dụng khối đúc sẵn, Geotube… giúp tăng độ ổn định nền móng. Ngoài ra, các công nghệ thi công điện gió ngoài khơi cũng đang được doanh nghiệp này nghiên cứu áp dụng nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuổi thọ công trình trong môi trường biển khắc nghiệt.
Đặc biệt, công nghệ đào hầm TBM (Tunnel Boring Machine) do FECON nghiên cứu lựa chọn thành tực khoa học trên thế giới, cho phép rút ngắn thời gian thi công, nâng cao an toàn và đảm bảo chất lượng công trình hạ tầng đô thị. Ngoài ra, công nghệ cảm biến đo lực (loadcell) được ứng dụng trong đánh giá sức chịu tải của nền móng với các loại dự án yêu cầu tải trọng lớn, giúp tối ưu thiết kế và đảm bảo độ an toàn công trình.
Không dừng lại ở những thành tựu hiện tại, FECON đang tập trung nghiên cứu các công nghệ sản xuất và thi công phục vụ các dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao như sản xuất cấu kiện bê tông cường độ cao, thi công hầm qua núi, hầm đường sắt bằng TBM. Những giải pháp công nghệ tiên tiến đang được phát triển nhằm đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng thi công và giảm chi phí đầu tư, kịp thời đón đầu các dự án trọng điểm về đường sắt giai đoạn 2025-2040.
Bên cạnh đó, Viện R&D FECON cũng đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ quan trắc thông minh công trình ngầm, cho phép theo dõi, đánh giá trạng thái kết cấu và cảnh báo sớm các rủi ro và có hành độn ứng phó kịp thời khi phát hiện bất thường trong quá trình thi công và vận hành công trình ngầm. Công nghệ này không chỉ nâng cao an toàn cho con người mà còn giúp tối ưu chi phí bảo trì, kéo dài tuổi thọ công trình.
Nhờ những bước tiến trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, FECON đã khẳng định được năng lực tại nhiều dự án hạ tầng trọng điểm của quốc gia. Doanh nghiệp là một trong những nhà thầu chủ chốt tham gia thi công các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần đảm báo chất lượng và tính bền vững cho các dự án giao thông quan trọng. Không chỉ dừng lại ở giao thông, FECON còn tham gia xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước thải, công trình ngầm công nghiệp và cảng biển, góp phần nâng cao tính bền vững công trình bởi các công nghệ cấp tiến và thân thiện môi trường.
Chuyển đổi số – nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững
Song song với phát triển công nghệ thi công, FECON cũng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa quá trình thiết kế, thi công và vận hành công trình. Doanh nghiệp đã ứng dụng BIM (Building Information Modeling) để mô phỏng công trình dưới dạng kỹ thuật số, giúp tối ưu thiết kế và giảm thiểu sai sót trong thi công. Dữ liệu điều kiện tự nhiên các khu vực trên toàn quốc cùng với các dữ liệu thu thập trong quá trình thi công cũng được Viện R&D FECON thu thập nhằm sẵn sàng cho ứng dụng AI vào thiết kế thi công, quan trắc và giám sát tình trạng thực của các công trình trong suốt quá trình khai thác & vận hành, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Việc sử dụng vật liệu xanh và thông minh cũng là hướng đi quan trọng, giúp gia tăng tuổi thọ công trình và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Những giải pháp này không chỉ nâng cao hiệu suất thi công mà còn tạo ra sự khác biệt trong cách tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ không chỉ giúp FECON nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành Xây dựng nước nhà trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới.
Trước xu thế đổi mới sáng tạo & chuyển đổi số và sự gia tăng cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng, những doanh nghiệp dám đổi mới, dám đầu tư vào công nghệ sẽ có nhiều cơ hội khẳng định năng lực doanh nghiệp nội ngay trên sân nhà, đồng thời sẵn sàng vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Từ câu chuyện của FECON, với chiến lược khoa học công nghệ bài bản, đang chứng minh rằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến xa hơn, vững chắc hơn.